Tình cảm hay lý trí sẽ cứu rỗi con người?

05/08/2019 - 14:43

PNO - Chuyện anh cảnh sát cơ động chèn tay vào miệng em bé co giật đang gây tranh cãi gần giống chuyện cậu bé Sơn La đạp xe 100km thăm em. Và ở Mỹ, ngày 3/8, có một bà mẹ đã ngã xuống vì che đạn cho con...

Đang có một cuộc tranh luận nảy lửa về việc dùng tình cảm hay lý trí khi xử trí các tình huống khẩn cấp. Người ta xúc động thấy Đại úy cảnh sát cơ động Nam Định - anh Trần Đức Giảng - đưa ngón tay vào giữa hai hàm của bé trai bị co giật. Anh nhăn nhúm chịu đau với mục đích ngăn đứa trẻ tự cắn lưỡi.

Tinh cam hay ly tri se cuu roi con nguoi?
Hình ảnh đại úy CSCĐ đưa ngón tay vào miệng em bé bị co giật tại Nam Định được cộng đồng chia sẻ - Ảnh: Tiến Tuấn

Chắc rằng, trong hoàn cảnh đó, anh chẳng còn thời gian để suy tính ngón tay mình có thể bị cắn nát hay không. Tính mạng của một đứa bé đang hiểm nguy, anh hành động thật gấp để cứu bé, thế thôi.

Hú hồn là mọi chuyện đã qua. Đứa trẻ trên sân vận động Thiên Trường qua cơn nguy hiểm, ngón tay anh cảnh sát "người hùng" không tới nỗi đứt lìa hay giập xương. Nhưng sau khi tấm hình lan truyền đi với tốc độ chóng mặt, các nhà chuyên môn ngành y đều phản đối cách xử lý ấy, cho là không có lợi cho chính nạn nhân, chứ không chỉ người hùng.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển - Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, khi thấy người bị cơn co giật do động kinh, thái độ xử trí tốt nhất là không can thiệp. Cơn co giật sẽ tự hết sau 30 giây đến 1 phút. Việc đưa vật cứng vào giữa hai hàm răng khi người bệnh đang cắn chặt có thể làm gãy răng, ngoài ra, có thể làm sai khớp thái dương - hàm. Trong trường hợp một trong hai người bị HIV/AIDS, vết cắn chảy máu tay có thể dẫn tới phơi nhiễm.

Một bác sĩ khác phân tích, việc ấy gần giống khi thấy người bị tai nạn giao thông nằm trên đường mà ta lại bế thốc lên xe máy chở tới bệnh viện, có khi gián tiếp gây thương vong cho người mà ta đang ra sức cứu.

Cuộc tranh luận trên mạng đã nổ ra: ta nên dùng lý trí hay cảm xúc để xử trí các tình huống khẩn cấp? Cảm xúc chi phối hành động thì có thể sai hỏng, nguy hiểm; nhưng dùng lý trí để điều phối, tính toán thì cũng có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân trong các tình huống cấp bách tới từng giây.

Tệ hơn nữa, sự tỉnh táo của lý trí, nếu được cổ vũ, có khi tạo điều kiện cho thói vô cảm, thờ ơ. Có người so sánh cái chết của một cán bộ trong trận mưa bão vừa qua, khi anh lao vào vùng nguy hiểm cứu nhiều người; hay so sánh với câu chuyện buồn hơn là vụ đôi nam nữ bị tai nạn giao thông ở Tân Phú - nằm trên lề đường mà vô số phương tiện dừng lại nhìn rồi bỏ đi.

Tất nhiên, các tình huống không giống hệt nhau, người bị nạn và người anh hùng cũng khác nhau, nên mọi so sánh đều khập khiễng. Chợt nhớ tới cuộc tranh luận tình cảm hay lý trí khi cậu bé Sơn La đạp chiếc xe không thắng suốt 100km đường đèo dốc về Hà Nội thăm em.

Người thì nói cậu bé chính là một anh hùng, là câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình và ý chí - thứ mà chúng ta đang rất thiếu trong cuộc sống hôm nay. Người khác phân tích: cậu bé đã 13 tuổi, liều như thế là thiếu kỹ năng sống. Cậu lao mình đi, bất chấp nguy cơ tai nạn của bản thân và cho các phương tiện khác, không nên cổ vũ hành động đó.

Tinh cam hay ly tri se cuu roi con nguoi?
Vì Quyết Chiến (13 tuổi, huyện Vân Hồ, Sơn La) đã đạp chiếc xe không thắng suốt 100km xuống Hà Nội thăm em bị ốm

Vì vậy, thật khó có câu trả lời rằng, tình cảm hay lý trí sẽ quyết định ý thức con người khi cấp bách. Xét về lý thuyết, nhân viên an ninh là những người được đào tạo để giữ gìn trật tự, nên có thể kiến thức sơ cấp cứu của anh chưa tốt. Nhưng xét về tình cảm và bản năng, anh khó mà đứng yên nhìn một đứa trẻ co giật. Trong khi kiến thức dân gian của anh dạy rằng, nhét vật gì đấy vào miệng sẽ giúp bé không cắn lưỡi.

Ta từng nghe nhiều câu chuyện về sự hy sinh của mẹ khi con nhỏ bị đuối nước. Hầu như các bà mẹ đều không đứng gào khóc trên bờ, mà sẽ lao vội xuống cứu con, dù cô ấy có thể không biết bơi. Khi ấy, bản năng và tình cảm mạnh hơn lý trí, chẳng có óc thông minh nào dừng lại suy đoán, tính toán cho kịp.

Nhưng một số bà mẹ nuôi con nhỏ khác đã may mắn đọc cuốn sách  của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Tác giả dẫn giải thật tài tình trên lời mở đầu: "Nuôi trẻ là một bản năng, một nghệ thuật hay một khoa học? Cả ba, có lẽ thế... Nếu có đôi lúc bản năng ngần ngại, nghệ thuật phân vân thì chính kiến thức khoa học sẽ soi sáng con đường phải lựa chọn. Khoa học giúp ta hiểu rõ hơn để hướng dẫn hữu hiệu hơn, khoa học giúp ta ngăn ngừa cho trẻ những bệnh tật hiểm nghèo".

Vậy, sẽ tuyệt hơn nếu ai đó biết cân bằng tình cảm, lý trí, dưới ánh sáng của khoa học, đặc biệt khi bạn làm mẹ hay làm nhiệm vụ bảo vệ sự an nguy của người khác.

Người mẹ tử vong vì che đạn cho con

Hôm 3/8, cô Jordan Anchondo, 25 tuổi, đang cùng chồng và con trai 2 tháng tuổi đi mua sắm tại siêu thị Walmart ở bang Texas,  thì nghi phạm bất ngờ xả súng.

Tinh cam hay ly tri se cuu roi con nguoi?

Người mẹ trẻ Jordan Anchondo hi sinh tính mạng che đạn để cứu con trai nhỏ. Ảnh: Facebook.

Bà mẹ 3 con đã lấy thân mình che cho đứa con trai nhỏ. Nhờ vậy, em bé bị gãy vài chiếc xương, nhưng may mắn sống sót. Đây là vụ xả súng chấn động, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, 26 người bị thương. 

Bình Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI