Tính cách Sài Gòn qua… ly trà đá

27/01/2018 - 08:14

PNO - Có lẽ chỉ ở Sài Gòn mới có những thùng trà đá miễn phí, đặt ngay trước nhà, ai khát cứ việc dừng lại, uống rồi đi, nhẹ nhàng.

Có phải đôi khi, qua thức uống, có thể nhìn ra tính cách của cư dân vùng miền? Lúc mới vào Sài Gòn, hấp dẫn và ấn tượng nhất đối với tôi là ly trà đá - hoàn toàn khác với cách uống trà của người miền Trung hay miền Bắc.

Tinh cach Sai Gon qua… ly tra da
Trà đá của Sài Gòn là món giải khát nên không hề câu nệ, cũng chẳng cầu kỳ - đúng như tính cách người dân nơi đây

Kiểu uống nước chè miền Trung là dùng bát lớn “đổ nước lạnh nửa bát, lấy cái kẹp tre kẹp nồi nước chè Tiên Phước sôi sùng sục ra, từ trên cao đổ xuống nước nổi bọt và bưng bát nước đen quánh lên, ngửa cổ đổ vào, uống hớp nào phát ra âm thanh ột ột hớp ấy” (Nguyễn Văn Xuân, giai phẩm Hương vị quê nhà - Báo Sài Gòn tiếp thị, năm 2000, tr.76).

Uống trà thì ở đâu chẳng uống, nhưng khác. Nấu lá tươi để uống là uống chè/chè xanh; lá đã sao khô mới gọi là trà. Nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi miêu tả về cách uống trà/uống chè của vùng Nghệ Tĩnh: “Chỗ nấu lần đầu rất đặc, rất chát, gọi là chè cốt hay nước chát. Những bạn bè nghiện chè xanh ở gần nhau, mỗi lần nhà ai nấu một nồi nước chè, thường múc ra nhiều bát đặt lên mâm nan, rồi chủ nhà (hoặc cho vợ con) đi “ới” lên một tiếng gọi những ông bạn dăm bảy người quanh nhà, tới dự cuộc. Họ ngồi chõng hoặc đòn (ghế thấp) chuyện trò, đợi nước nguội mới uống” (Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, NXB Nghệ An, 1995, tr.440).

Ly trà đá của người Sài Gòn đơn thuần chỉ nhằm thỏa mãn cái nóng bức trong cuống họng, lưỡi cứng đờ, nước bọt đặc quánh. Phải uống. Phải có một dòng mát lạnh, phảng phất một chút hương vị trà pha loãng, lổn nhổn đá cục, càng lạnh càng tốt. Có như thế mới đã đời khoái trá.

Rõ ràng, uống chè ở đây không chỉ phong cách “đã ghiền” như người xứ Quảng, còn là dịp bà con xóm giềng quần tụ, cởi mở tâm tình. Ngay cả người Huế cũng phải uống bát to, nước chè đậm đặc. “Uống như thế, theo họ “uống mới đã”. Nước chè đặc quánh”, còn nếu loãng họ “cằn nhằn than phiền là “đem ra chi thứ nước lạt nhách, như thứ  “nước chè bà chúa” (Bùi Minh Đức - Dấu ấn văn hóa Huế - NXB Văn Học, 2007, tr.120).

Đọc Vang bóng một thời, nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân cho biết: “Cả ạ, thày cho nước pha trà không gì thơm lành bằng cái thứ nước đọng trong lá sen. Mỗi lá chỉ có ít thôi. Phải gạn vét ở nhiều lá mới đủ uống một ấm. Hồi thày còn ít tuổi, mỗi lúc được quan Ðốc truyền cho đi thuyền thúng vớt những giọt thủy ngân ấy ở lá sen mặt đầm, thày cho là kỳ thú nhất trong đời một người học trò được thày học yêu như con”. Ấy là một trong những cách uống trà của người Hà Nội xưa.

Thử nghĩ, từ khu làng đại học ở xa tít ngoài Thủ Đức, trưa nắng chang chang, hì hục cỡi con ngựa sắt cà tàng leo lên dốc cầu Sài Gòn, mồ hôi mồ kê túa ra cay cả mắt, ướt đẫm áo. Nếu lúc ấy có được ly trà đá thì còn gì sung sướng hơn.

Tinh cach Sai Gon qua… ly tra da
 

Sài Gòn lúc nào cũng ầm ầm ngựa xe, khói mịt mù. Sự tất bật, lo toan, chạy đua cùng thời gian chính là tính cách năng động của cư dân nơi này. Người từ nơi xa đến, ban đầu có thể còn e ngại, nhưng dần cũng bắt nhịp theo, đầu tiên có lẽ là qua ly trà đá.

Sự thay đổi về cách uống trà qua cái sự loãng đã nói lên điều đó, và qua đó còn thể hiện sự hòa đồng rộng rãi, dù ít hoặc nhiều cũng chấp nhận, không câu nệ. Trà đậm hay nhạt một chút cũng chẳng sao, cũng vẫn là nước trà, uống cho đỡ khát. Bất quá, cũng như khi trong nhà có thêm khách đến, chỉ “thêm bát thêm đũa”, chứ có gì “trầm trọng” lắm đâu. Một cách giải quyết đầy thích ứng, dung nạp nhanh chóng, dễ dàng. Đó chính là tính cách của người Sài Gòn.

Từ thế kỷ XIX, nhà văn hóa Trịnh Hoài Đức nhận xét: “Ở Gia Định, khi khách đến nhà thời mời ăn trầu trước, thết nước chè rồi đến ăn cơm ăn bánh, cốt phải phong hậu. Không kể là người thân hay sơ, lạ hay quen, tông tích thế nào, đã đến tất phải tiếp nhận thết đãi. Cho nên người đi chơi không mang theo lương thực, mà người lậu sổ, người trốn tránh khá nhiều vì có chỗ nuôi khách” (Gia Định thành thông chí - Viện Sử học - NXB Giáo Dục,1999, tr.146).

Sở dĩ, nhạc boléro được nhiều người yêu thích, ngoài giai điệu còn là ca từ đã chia sẻ sự bao dung, cảm thông cho những người xa xứ đến đây, cùng thân phận: “Thương cho kiếp sống tha hương/ thân gầy gò gởi cho gió sương”. Vậy nên, một ly trà đá san sẻ cho nhau là lẽ thường tình.

Có lẽ chỉ ở Sài Gòn mới có những thùng trà đá miễn phí, đặt ngay trước nhà, ai khát cứ việc dừng lại, uống rồi đi, nhẹ nhàng. Tấm lòng đến với tấm lòng không nhiều lời, tùy khả năng mà san sớt cho nhau, và phổ biến nhất vẫn là ly trà đá để khách thân, sơ đều có dịp đã khát, hứng lấy cơn gió mát một cách khoan khoái, tự tại cũng như mình. Chẳng phải lăn tăn nghĩ ngợi gì nhiều. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI