'Tình ca du mục' và những con đường dài hun hút

25/08/2019 - 06:30

PNO - Mặc dù có số phận khá truân chuyên trên quê hương của mình, nhưng 'Tình ca du mục' vẫn có sức sống riêng của nó.

Tôi thật sự không còn nhớ bài hát Tình ca du mục đã thấm vào cuộc sống của mình từ lúc nào. Chỉ mang máng rằng, từ khi còn là một cô bé, tôi đã thường lẩm nhẩm những câu mở đầu của bài hát rất tha thiết mà vẫn rộn ràng tươi trẻ:

Ngày ấy, cuộc sống trong thời chiến của miền Bắc chưa có nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Ngoài nghe đài, nơi duy nhất tôi được nghe bài hát này là những đêm sân khấu ca nhạc ngoài trời. Chúng thường được tổ chức trong những sân vận động lớn, đông người vào những dịp lễ quan trọng và có rất nhiều nghệ sĩ đỉnh cao của thời đó tới biểu diễn. 

Số phận truân chuyên của bài hát trên chính quê hương mình

'Tinh ca du muc' va nhung con duong dai hun hut
Bìa đĩa hát đầu tiên Tình ca du mục với tiếng hát của Tamara Tsereteli

Và mỗi lần nghe bài hát này, tôi, đứa trẻ 6 tuổi, lại ngửa mặt nhìn lên bầu trời đầy sao mênh mông, tưởng tượng ra một thảo nguyên bao la và một tình yêu lãng mạn... Chẳng biết vì sao mà khi đó, tôi cũng như rất nhiều người khác, không hề nghĩ rằng đó là một bài hát của Nga. Những mô tả trong lời bài hát lại cứ khiến tôi nghĩ nó thuộc về một đất nước nào khác có những thảo nguyên mênh mông, như Mông Cổ chẳng hạn…

Chỉ đến mãi sau này, tôi mới biết được rằng đó là một bài hát của Nga và hay hơn nữa là so với rất nhiều bài hát nước ngoài thời ấy và cả bây giờ, bài hát này được du nhập vào Việt Nam rất sớm, chỉ vài năm sau khi nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới: vào ngày 25/9/1968, lần đầu tiên, có một bài hát Nga đã chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng UK Singles Chart.

Tình ca du mục có phong cách nửa dân ca, nửa như một tình ca lãng mạn phóng khoáng này ra đời vào năm 1924 trên đất nước Xô viết. Tác giả phần lời này là nhà thơ Konstantin Podrevskyi. Còn tác giả âm nhạc là nhạc sĩ Nga Boris Fomin (1900-1948). Khi viết phần lời 1 và phần nhạc cho bài hát, Boris Fomin còn rất trẻ, chưa đủ 20 tuổi. Hai đồng tác giả viết bài hát này dành riêng cho nữ ca sĩ Tamara Tsereteli, và chính cô là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Bài hát có tựa gốc tiếng Nga có thể tạm dịch là Đường xa hun hút

Ca khúc Tình ca du mục (tiếng Nga):

 

Năm 1920 khi nam ca sĩ hàng đầu Vertinskiy cũng như nhiều tàn quân bạch vệ rời Nga để sống lưu vong, thì khắp các nơi, chỗ nào có cộng đồng Nga kiều, nơi đó vang lên bài hát này. Ông bắt đầu biểu diễn nó thường xuyên tại Paris, rồi các ca sĩ Nga khác cũng hát theo, nhưng dần dần chỗ thì không nói đến tác giả, chỗ thì quên giới thiệu nhà thơ, rồi người Di-gan mặc nhiên coi đó là bài hát của họ... Phải công nhận rằng bản tình ca đầy tâm trạng này rất hợp để hát trong những quán rượu, với âm nhạc đậm chất Di-gan. 

Các Nga kiều thích nó bởi bài hát đặc biệt buồn, nói đến cô gái Di-gan cả đời lãng du, hát múa, nhưng nỗi buồn chia ly lúc nào cũng thường trực, cuộc đời chỉ là những con đường dài hun hút. Đáng tiếc, tại Liên Xô, số phận của Đường dài hun hút coi như được định đoạt: năm 1929 nó cùng một loạt bài tình ca của Fomin rơi vào danh sách cấm hát bởi có “hơi hướng phản cách mạng”.

Đối với tác giả phần lời, nhà thơ Konstantin Podrevskyi thì đây là một cú sốc nặng. Bị quy chụp là "suy đồi, nghiện ngập", ông lâm vào tình trạng trầm cảm và mất năm 1930. Còn nhạc sĩ Boris Fomin? Năm 1937 ông bị đi tù, một năm sau thì được thả, sau đó tiếp tục nổi tiếng với các sáng tác của mình. Trong thời gian chiến tranh vệ quốc, Fomin là tác giả của hàng chục ca khúc chủ đề chiến tranh. Ông mất năm 1948.

Sự tái sinh kỳ diệu

Mặc dù có số phận khá truân chuyên trên quê hương của mình, nhưng Tình ca du mục vẫn có sức sống riêng của nó. Năm 1952, bài hát này đã được vang lên trong bộ phim hài Những người vô tội ở Paris với sự tham gia diễn xuất của danh hài Louis de Funès. Người thể hiện bài hát trong phim là nữ danh ca Nga sống ở hải ngoại Lyudmila Lopato.

Ở Liên Xô, dần dà lệnh cấm Tình ca du mục cũng được dỡ bỏ. Bài hát tuyệt vời này sau đó được các ca sĩ nổi tiếng của Liên Xô trình diễn.

Ca khúc Tình ca du mục (lời Việt) - ca sĩ Triệu Linh: 

 

Ở Mỹ, năm 1962, một chàng kiến trúc sư Nga kiều mê ca hát tên là Eugene Raskin từ bé đã được nghe cha mẹ là người Nga lưu vong hát bài này, liền cặm cụi viết lời Anh cho nó, rồi sau đó đăng ký bản quyền và tự trình diễn khắp nơi. Lời bài hát phiên bản tiếng Anh là tâm sự của một người đàn bà nhớ lại quán rượu thời trẻ đã từng ghi dấu kỷ niệm với người bạn thân. Lời ca không giống với bản gốc, nhưng âm hưởng vẫn là những lời vọng nhớ về quá khứ đã qua.

Raskin đăng ký bản quyền cả phần giai điệu của bài hát với tên Those were the days (tạm dịch Những ngày xưa ấy). Và chuyện lạ xảy ra: từ đó ai dùng đến giai điệu Đường xa hun hút này mà không trả tác quyền cho Raskin là bị kiện ngay. Raskin đưa bài hát “của mình” chào mời các tài năng như Bob Dylan, Dolly Parton... hát thử, nhưng cuối cùng người mua bản quyền lại là một trong “tứ quái” Liverpool: Paul McCartney!

Vợ chồng Raskin bao giờ cũng hát bài này cuối mỗi chương trình hằng đêm của mình. Năm 1966 họ hát trong bar “Blue Angel” khi lưu diễn tại London. Và giai điệu tuyệt vời của bài hát đã lọt vào tai “nhà soạn nhạc thiên tài nhất của thế kỷ XX”. Lúc này trong “The Beatles” đã có nhiều rạn nứt, mỗi người đều có những toan tính riêng của mình, ai cũng có ý định vừa tự hát solo vừa làm nhà sản xuất. Paul McCartney đã lập ra hãng thu âm “Apple Corp Ltd”. Quá ấn tượng với bài hát nhưng McCartney vẫn chưa bao giờ tự trình diễn Those were the days mà quyết định để dành nó vào một dịp thích hợp, cho một giọng ca mới thật đặc biệt.

'Tinh ca du muc' va nhung con duong dai hun hut
Đĩa hát tiếng Anh của nữ ca sĩ trẻ Mary Hopkin

Rồi ngày đó cũng đến. Năm 1968, siêu mẫu Anh Twiggy, bạn thân của Paul McCartney khi xem một cuộc thi tìm kiếm giọng hát trên truyền hình đã cực kỳ có ấn tượng với giọng ca của nữ ca sĩ xứ Wales là Mary Hopkin. Cô quyết định giới thiệu giọng ca này với McCartnaey. Paul McCartney sau khi nghe thử giọng, đã quyết định ký hợp đồng với nữ ca sĩ vô danh mới 18 tuổi này. Và Those were the days là bài hát được McCartney đưa ra đầu tiên với Mary Hopkin. Đĩa đơn bài hát này do hãng Apple Records ghi âm và được phát hành rộng rãi ngày 20/8/1968.

Bài này trước kia đã nhiều người hát, nhưng dưới sự dàn dựng của Paul danh tiếng của The Beatles và tất nhiên cả tài năng của cô gái trẻ măng có giọng hát đầy cảm xúc đã truyền đến người nghe về nỗi buồn cuộc sống trôi qua mà bao ước vọng thời trẻ chẳng còn có thể thực hiện được. Bản ghi âm đã trở nên nổi tiếng toàn thế giới, chiếm vị trí số 2 của Mỹ, số 1 tại Anh, và top đầu của hàng loạt nước châu Âu.

Paul lập tức mua lại bản quyền sử dụng bài hát đó từ Raskin (và Raskin trở nên rất giàu có chỉ nhờ một bài hát này “của mình”) và dựng cho Mary Hopkin hát bằng 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Hàng loạt ca sĩ khác hát bài này, nó cũng được dịch ra hầu như tất cả thứ tiếng châu Âu, Nhật, Trung Hoa và cả tiếng Việt.

'Tinh ca du muc' va nhung con duong dai hun hut
Đường xa, xa ngái

Cũng không thấy ai viết nhiều về quan hệ thực sự giữa “ông bầu” Paul McCartney và ngôi sao lóe sáng Mary Hopkin ra sao (sau này hãng “Apple” không còn nhạc phẩm nào thành công được như thế nữa), ta chỉ biết khi cô đi lấy chồng năm 1971 thì Apple cấm tuyệt đối không ai được sử dụng những sản phẩm của mình có liên quan đến cô, và sau 1976 khi thời hạn cấm đã hết hiệu lực, cô được hát lại Those were the days thì thành công không còn như trước nữa.

Điều kỳ lạ, là rất nhiều năm sau, và có khi cho đến tận bây giờ, khán giả phương Tây vẫn không biết ai là tác giả đích thực của bài hát nổi tiếng này. Trên nhiều đĩa hát, vẫn chỉ ghi tác giả là... Gene Raskin, người đã viết lời tiếng Anh. Nhưng nào có hề chi. Điều quan trọng nhất, là bài hát do 2 tác giả người Nga viết từ năm 1924 đã nổi danh toàn cầu và có sức sống dài lâu. Có lẽ, đó là phần thưởng cao quý nhất cho hai cha đẻ của nó, nhạc sĩ Boris Fomin và nhà thơ Konstantin Podrevskyi. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI