Tình áo dài ở một vòng trái đất

19/03/2018 - 19:00

PNO - Kín đáo, duyên dáng, gợi cảm là những yếu tố đưa áo dài ngày càng vươn xa ra thế giới, điều này đã, đang và mãi mãi là niềm kiêu hãnh của người Việt.

Nhiều người cho rằng, áo dài Việt là một biến thể từ chiếc sườn xám Trung Quốc, nhưng theo tài liệu ghi chép thì sườn xám chỉ xuất hiện vào khoảng những năm 1920, trong khi tà áo dài đã có từ rất lâu trước đó.

Điều này chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa của riêng người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà mọi từ trong tiếng Việt đều có thể dịch sang một ngôn ngữ khác, riêng hai chữ áo dài khi được quốc tế ngữ vẫn giữ nguyên từng chữ cái lẫn âm điệu - là “aodai” chứ không phải “long dress” hay bất cứ từ ngữ nào có ý nghĩa tương đương. Tình yêu áo dài Việt của những người không thuộc dòng máu Việt chính là lý giải thuyết phục nhất cho sự ưu ái kỳ lạ này.

Tinh ao dai o mot vong trai dat
Đến Việt Nam vào năm 2005 trong vai trò giám khảo khách mời của cuộc thi Siêu mẫu 2005, diễn viên Hồng Kông Quách Khả Doanh dịu dàng với áo dài tím và nón lá.

Trong sự kiện kỷ niệm 40 năm thành lập Tổ chức Bảo vệ cuộc sống hoang dã do Hoàng gia Đan Mạch tổ chức, công nương Mary đã khiến nhiều người bất ngờ khi xuất hiện trong tà áo dài Việt Nam.

Bộ áo dài bà mặc là loại áo dài hở cổ cách tân, được thiết kế tại miền Nam Việt Nam từ cuối thập niên 1950. Chiếc áo có màu sắc rực rỡ với điểm nhấn là các họa tiết hoa hồng. Bức ảnh bà mặc áo dài duyên dáng bên cạnh Thái tử Frederik, Nữ hoàng Margrethe II và Hoàng thân Henrik tại sự kiện này đã được tạp chí Hello hết lời khen ngợi. “Công nương Đan Mạch rạng rỡ và nổi bật giữa gia đình hoàng gia trong tà áo dài được trang trí các họa tiết quý phái” - tạp chí này viết. Cái duyên toát ra từ chiếc áo dài đã khiến một phụ nữ nhẹ nhàng nữ tính cũng trở nên quyền uy mạnh mẽ và nét tính cách đó đã trở thành giá trị cốt lõi từ bao đời nay của người phụ nữ Việt.

Tinh ao dai o mot vong trai dat
Siêu mẫu Tyra Banks trong lần đến Việt Nam với vai trò là ban giám khảo của chung kết Vietnam’s Next Top Model 2011 đã chọn tà áo dài tím mộng mơ

Một trong những sở thích của bà Katherine Muller - Marin, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, một phụ nữ người Costa Rica gốc Đức là sưu tầm rất nhiều loại áo dài phù hợp với từng sự kiện, dịp lễ, tết… Và tất nhiên áo dài cũng chính là trang phục chủ đạo của bà trong hầu hết các sự kiện lớn tại Việt Nam. Bà là người thổi hồn áo dài truyền thống đến thế giới.

Cũng như cách mà bà Đại sứ Italia đã làm khi diện một chiếc áo dài họa tiết con tem Ý trong đêm nghệ thuật “Những thiên thần nước Ý” được tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm 70 năm quốc khánh Italia. Chỉ một tà áo lụa mong manh, nhưng tinh thần mà nó nêu bật mới thật sự làm người khác phải ngưỡng mộ: khái quát được sự phát triển trong 7 thập niên của đất nước Ý thông qua thời trang. Và nhờ vậy, nước Ý đã biết thêm về một loại trang phục mang tên áo dài.

Không riêng các chính khách, những người thường sử dụng áo dài Việt như một thiện chí trong việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, những nhân vật nổi tiếng khác trên thế giới như hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên cũng chọn áo dài để xuất hiện trên sân khấu trong hầu hết các chương trình lưu diễn của họ tại Việt Nam. Hành động này đã làm nức lòng biết bao khán giả Việt đang ngồi bên dưới. Và chắc chắn hình ảnh của họ càng đẹp lên nhiều lần. 

Tinh ao dai o mot vong trai dat
Chiếc áo dài họa tiết con tem Ý được Đại Sứ Italia diện trong đêm nghệ thuật “Những thiên thần nước Ý”

Tạp chí Diplomatics News Network của Argentina từng ca ngợi vẻ đẹp tà áo dài Việt Nam rằng, khác với kimono của Nhật Bản hay hanbok của Hàn Quốc, áo dài Việt Nam thông dụng hơn. Trang phục này không chỉ xuất hiện trong các lễ cưới, ngày tết hay quốc phục của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế, mà còn được sử dụng như một loại đồng phục. Các cô gái Việt Nam hầu hết đều chọn áo dài cho phần thi trang phục dân tộc tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Tác giả mô tả áo dài ở nam giới thường được may rộng, trong khi ở phụ nữ, áo dài thường được may ôm khít người nhằm tôn vẻ đẹp nữ tính. Áo dài được mặc với quần, do đó trang phục này giúp người mặc cảm thấy thoải mái hơn khi cử động.

Bài viết cũng nhấn mạnh để có được một bộ áo đẹp, người thợ may phải lấy số đo của từng người để cắt may thành một chiếc áo vừa khít với vóc dáng của họ, chỉ một và duy nhất. Công đoạn may áo cũng được làm rất tỉ mỉ và thủ công. Áo dài được may với vải tơ tằm, vải gấm cùng với những họa tiết thêu từ đơn giản tới cầu kỳ, được sử dụng kết hợp cùng với nón lá hay khăn xếp.

Tinh ao dai o mot vong trai dat
Công nương Đan Mạch trong tà áo dài Việt Nam

Trang Boredpanda ngày 30/5/2016 đã đăng tải bộ ảnh áo dài Việt Nam của nhiếp ảnh gia Pháp Réhahn. Anh chia sẻ: “Mọi người thường biết đến tôi qua những bộ ảnh chân dung. Nhưng khoảng 2-3 năm nay, tôi luôn bị thu hút để rồi bấm máy khi bắt gặp những cô gái trong trang phục áo dài”. Réhahn cũng giải thích lý do vì sao hầu hết các cô gái anh chụp trong những bức ảnh này thường không thấy rõ mặt: “Điều đó làm nên sự huyền bí và khác biệt cho các bức ảnh của tôi. Nó cũng tượng trưng cho sự e thẹn của phụ nữ Việt. Tôi muốn thông qua bộ sưu tập này làm nổi bật vẻ đẹp của họ, bởi nó khiến họ đẹp, quyến rũ và thanh thoát hơn. Tôi muốn cho cả thế giới biết vẻ đẹp của áo dài Việt”.

Riêng trang báo đăng tải bộ ảnh này nhận định: áo dài không chỉ là bộ trang phục truyền thống mà còn giúp tôn thêm vẻ đẹp những đường cong trên cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt phần thân dưới được xẻ tà giúp phụ nữ mặc thoải mái và di chuyển dễ dàng. Vẻ đẹp của những phụ nữ Việt trong tà áo dài truyền thống đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách đến Việt Nam.

Anh Shinggan Hyo, một người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM chia sẻ: “Tôi rất thích ngắm các cô gái Việt mặc áo dài bởi trông họ rất thanh lịch và duyên dáng. Áo dài của người Việt rất nổi tiếng tại Hàn Quốc”. Chị Ryoka (giáo viên người Nhật làm việc tại TP.HCM) cảm thấy rất thích thú với những mẫu áo dài hoa văn tinh tế được dệt từ những đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Chị cho biết, những người bạn Nhật của mình khi đến Việt Nam đều chọn áo dài để mang về Nhật làm quà. Chị nói: “Các cô gái Nhật thích mặc áo dài Việt truyền thống may bằng lụa tơ tằm, màu sắc tươi sáng, dáng áo không ôm sát eo và vai, có lẽ vì thói quen mặc đồ rộng và thuận tiện trong sinh hoạt. Chúng tôi thường mix áo dài với giày thể thao, điều mà có lẽ các cô gái Việt Nam ít dám làm, nhưng nó lại mang đến cho chúng tôi sự thoải mái và phóng khoáng. Mong rằng, sự hồn nhiên này không làm các bạn phật ý”. 

Nhà thiết kế Đức Hùng, người từng mang bộ sưu tập áo dài Đất rồng thiêng biểu diễn tại công viên Yoyogi ở trung tâm thủ đô Tokyo trong chương trình lễ hội “Xin chào, Việt Nam” (do Đại sứ quán Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam và UBND TP. Đà Nẵng phối hợp tổ chức) cho rằng, đây là nét hồn nhiên đáng quý hơn là đáng trách. Anh cho biết, tình cảm người Nhật dành cho áo dài Việt Nam rất nồng nhiệt. Họ coi trọng sự kín đáo, dịu dàng của người phụ nữ, nhưng nhịp sống của họ gấp gáp, bộ kimono truyền thống không thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày được.

Khi nhìn thấy bộ áo dài Việt, người Nhật ngỡ ngàng vì nhận ra sự hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và sự hội nhập. Mặt khác, người Nhật cũng dám sống theo sở thích của từng cá nhân, họ yêu áo dài Việt Nam là thể hiện luôn tình cảm của mình không úp mở - có điều kiện là mua một vài bộ và mặc luôn khi có dịp. Ngoài ra, vóc dáng người Nhật cũng không khác biệt lắm với phụ nữ Việt Nam. Nếu nhìn đằng sau thì không phân biệt được ai là người Việt, ai là người Nhật trong bộ áo dài. 

Kín đáo, duyên dáng, gợi cảm là những yếu tố đưa áo dài ngày càng vươn xa ra thế giới, điều này đã, đang và mãi mãi là niềm kiêu hãnh của người Việt... 

Nguyễn Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI