edf40wrjww2tblPage:Content
Bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh nhận hoa chúc mừng từ lanh đạo Viện Huyết học và truyền máu Trung ương - Ảnh : Bảo Thoa
Hồi sinh
Bước ra khỏi phòng bệnh, tự đi lại sinh hoạt bình thường, Hoàng Thị Thùy Linh (28 tuổi, ngụ Quảng Bình) nở nụ cười tươi khi đón nhận bó hoa từ lãnh đạo Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Nụ cười hạnh phúc, cùng đó là lời cảm ơn các bác sĩ đã đưa Linh trở lại với cuộc sống khỏe mạnh.
Nửa năm trước (tháng 9/2014), Linh có những đợt ốm, sốt cao dai dẳng không dứt. Tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương, kết quả xét nghiệm cho thấy, Linh mắc bệnh Lơ-mê-xi cấp thể M5a (ung thư máu). Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành hai đợt hóa trị cho bệnh nhân (BN). Tuy nhiên, họ cũng xác định Linh thuộc nhóm tiên lượng xấu nên chỉ định ghép tế bào gốc (TBG), phương án tối ưu để cứu sống BN.
TS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cho biết, Viện đã thống nhất ghép TBG đồng loại - phương pháp truyền tế bào tạo máu từ người cho phù hợp về HLA (các yếu tố phù hợp ghép). Em trai của BN đã sẵn sàng hiến TBG, nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp về HLA. Một hướng khác được đưa ra. Tất cả hy vọng đem lại sự sống cho BN trông chờ vào việc tìm được nguồn TBG phù hợp từ Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng tại viện.
“Thật may mắn, khi tiến hành đọ chéo kết quả HLA của BN với các mẫu TBG được lưu trữ trong Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng đã tìm thấy sáu mẫu phù hợp. Chúng tôi đã quyết định chọn mẫu tốt nhất, phù hợp nhất tiến hành ghép TBG cho BN Linh từ nguồn này”, TS Khánh nhớ lại.
Tuy Linh không thể nhận TBG từ em trai, nhưng Ngân hàng TBG máu dây rốn cộng đồng vừa được Viện Huyết học và truyền máu Trung ương cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ký cam kết về việc thu thập máu dây rốn trong cộng đồng, bắt đầu từ giữa năm 2014. Điều này đã giúp Linh hồi sinh. Thời điểm thực hiện ca ghép cho Linh, có hơn 700 mẫu máu dây rốn cộng đồng đang lưu trữ tại đây. Và may mắn đã có một mẫu phù hợp với BN với đủ số lượng TBG để tiến hành ca ghép.
Chia sẻ về ca ghép TBG này, GS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu Trung ương nói: “Đây là BN ung thư máu thuộc nhóm tiên lượng xấu nên cần phải can thiệp ngay. Nếu không ghép TBG, BN sẽ mất đi cơ hội được cứu sống. Quá trình ghép gặp không ít khó khăn. Đó là ca đầu tiên thực hiện ghép TBG từ máu dây rốn không cùng huyết thống”.
TS Khánh cho biết, hiện sức khỏe BN Thùy Linh bình phục tốt, có thể tự đi lại, sinh hoạt. Thời gian tới, BN sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe định kỳ.
Cơ hội mới
Hoàng Thị Thùy Linh dưỡng sức tại bệnh viện
Sau thành công của ca ghép đầu tiên này, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương đang thực hiện ca ghép từ TBG máu dây rốn thứ hai cho BN ung thư. GS Nguyễn Anh Trí vui mừng chia sẻ: “Thành công này không chỉ là tin vui đối với viện mà thực sự là tin vui đối với BN ung thư máu. Việc ghép TBG bằng nguồn TBG máu dây rốn không cùng huyết thống thành công mở ra cơ hội mới trong điều trị bằng phương pháp ghép TBG cho BN bị bệnh máu ác tính có chỉ định ghép”.
“Đối với những BN có chỉ định ghép TBG, nếu là sinh đôi cùng trứng, tỷ lệ phù hợp gần như 100%, nhưng nếu chỉ là anh chị em ruột (không sinh đôi) thì cơ hội chỉ 20-25%. Việc tìm người ghép phù hợp trong cộng đồng rất tốn kém, ví dụ tại Đức phải 4,5 triệu người đăng ký mới hy vọng tìm được người cho phù hợp. Một số nước khác ít nhất phải có 500.000 người đăng ký. Việc xây dựng ngân hàng TBG cộng đồng là một hướng đi rất quan trọng, mang lại cơ hội cho nhiều BN”, TS Khánh nói.
Thông tin thêm về việc sử dụng máu dây rốn trong điều trị bệnh, TS Bạch Quốc Khánh cho biết: “Các nước đa số dùng mẫu máu dây rốn ghép cho trẻ em, vì số lượng TBG thu được chỉ đáp ứng phần nào cho trẻ. Qua kinh nghiệm của Nhật, Viện cải tiến kỹ thuật để có thể thu TBG đủ ghép cho người lớn. Chi phí xét nghiệm cho một mẫu máu dây rốn là 20-25 triệu đồng, chưa kể việc lưu trữ, bảo quản. Chúng tôi quyết định dùng kinh phí của Viện để đầu tư, tính sơ bộ với 1.000 mẫu đang lưu trữ, khoản chi phí này đã không dưới ba tỷ đồng”.
Ca ghép đầu tiên này chi phí khoảng một tỷ đồng và được bảo hiểm y tế chi trả 50%.
BẢO THOA
TS Bạch Quốc Khánh: “Máu dây rốn không cùng huyết thống là nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào, nếu chúng ta biết tận dụng nó thì máu dây rốn sẽ trở thành “thần dược” quý giá, là nguồn tế bào gốc phong phú để phục vụ việc cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân mắc các bệnh máu nói riêng và nhiều bệnh khác nói chung”. Ca ghép tế bào gốc máu dây rốn đầu tiên tại Việt Nam tiến hành năm 2001 tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM. Nguồn máu dây rốn do Nhật Bản hiến tặng. Sau đó, Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM tiếp tục triển khai ghép máu dây rốn cho các bệnh nhân mắc bệnh về máu, nhưng nguồn tế bào gốc từ dây máu rốn cùng huyết thống. Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hai ca ghép tế bào gốc máu dây rốn cùng huyết thống cho bệnh nhi mắc bệnh Thalassemia. |