Tin vào chính mình

18/06/2015 - 16:39

PNO - PN - Với chị, bình yên là nền móng của hạnh phúc. Mà hạnh phúc là biết bằng lòng với những gì mình đang có. Chị có một người chồng không la cà nhậu nhẹt, không vợ bé vợ mọn, không đề đóm bài bạc, không đánh mắng con riêng...

edf40wrjww2tblPage:Content

30 tuổi, cuộc hôn nhân đầu thất bại sau nhiều hoài vọng của tuổi trẻ. Chị không được chia tài sản gì sau sáu năm làm vợ ngoài đứa con kèm câu kết luận của chồng “Dám ly hôn thì đừng đòi cấp dưỡng!”. Vậy nên, dù bản án ghi rõ khoản cấp dưỡng 300.000đ/tháng đến khi bé tròn 18 tuổi nhưng chưa lần nào chị được nhận loại tiền mang cái tên đầy trừu tượng đó.

Chị ở lại căn nhà tôn nền gạch tàu cũ kỹ, là đất của cha mẹ chị cho, gọi là “tài sản riêng”, nên chồng không đòi chia chác được. Chồng chị ra đi nhẹ tênh, không chia gì cả, xem như tặng luôn cho chị khoản nợ hơn chục triệu đồng để chị… tự lo.

Chị kết hôn lần hai ở tuổi “băm hai nhát” khi thu nhập tạm đủ sống. Chồng chị hứa sau cưới sẽ cất lại căn nhà lụp xụp thành một thiên đường hạnh phúc, một căn nhà cấp 2 tinh tươm. Chả gì anh cũng là sếp “to vừa vừa” ở một doanh nghiệp nhà nước, ly hôn vợ rồi gặp chị khi hai con anh đã vào đại học.

Sau cưới mấy tháng, anh nói với chị, lương anh để dành góp vốn cổ đông, mong chị “chia lửa” với anh chừng một-hai năm để vợ chồng được kha khá vốn. Chị cũng nhân viên ngày tám tiếng, nhưng làm thêm bằng cách mua quần áo mang đến tận cơ quan để giờ nghỉ trưa bán thêm cho bạn bè gọi là “Giúp các bồ khỏi đi chợ mệt nhọc”. Chiều tan sở, chị cùng túi đồ ra góc chợ nào đó, bán tầm hai bộ hoặc vài cái áo thôi, cũng đủ cơm cá một bữa rồi.

Anh không phải đưa tiền cho vợ mỗi tháng, bù lại vợ nấu gì anh ăn nấy, không đòi hỏi nọ kia, không đi sớm về muộn, không bia bọt la cà hay bồ bịch tít tít đêm khuya. Chị cho rằng mình hạnh phúc khi giữa năm 34 tuổi chị cấn bầu. Anh vui ra mặt, nói sinh con xong, anh sẽ sắm cho hai mẹ con một chiếc xe tay ga, làm cái máy nước nóng năng lượng mặt trời để chiều chiều chị khỏi tất tả nấu nước tắm con. À… còn lắp cái máy lạnh nữa chứ! Kế hoạch của anh nhiều lắm, hứa hẹn xôm tụ, y như rằng ngày mai sẽ kìn kìn kéo vật tư, kêu thợ lại làm vậy. “Nhưng đó là tương lai, còn bây giờ em cầm đỡ một triệu mua sữa nhé! Chưa tới kỳ rút vốn cổ đông nên nhà mình ráng chịu hẹp chút vợ yêu ạ”. Câu này có nghĩa là, lương chị vẫn phải lo cơm nước cho ba con người và một cái bầu.

Tin vao chinh minh

Con sinh ra, anh chỉ thanh toán đúng tiền bệnh viện, còn các khoản nuôi vợ nằm ổ thì… im re. Chị không buồn hỏi, vì nếu hỏi chắc anh vẫn điệp khúc “lương góp vốn cổ đông chưa tới kỳ rút”.

Con sáu tháng tuổi mà xe tay ga, máy nước nóng, máy điều hòa vẫn bặt âm vô tín. Cái nhà vẫn lụp xụp như thuở “một mái nhà tranh” ngày anh chưa về. Chị mở chiến dịch “đòi lại những gì chưa có" thì anh đánh bài ngửa: vậy chứ hai năm mấy nay tiền ăn, tiền học của hai con anh ai lo? Em làm mẹ kế không lo cho con chồng thì chớ, đằng này còn đòi anh đưa tiền cho em là sao? “Vậy… anh ăn gì để sống bấy lâu nay?”. "Em là vợ mà không nuôi được chồng à? Thôi bà xã yêu ạ, ráng chờ hai con anh ra trường, cả đời còn lại anh sẽ bù đắp cho mẹ con em tất cả. Không chỉ là mấy thứ anh hứa lúc trước, mà anh còn tính mở cho em một cửa hàng thời trang nữa, để ngoài giờ đi làm, em không phải bôn ba chợ đời gió bụi. Mà đời này anh còn ai ngoài mẹ con em nữa chứ?".

Anh hứa là hứa vậy thôi, chứ con ba tuổi rồi mà có thấy gì đâu. Chị làm dữ, anh miễn cưỡng đưa mỗi tháng vài triệu đồng gọi là “góp tiền cơm” với vợ. Đứa con riêng của chị đã vào cuối cấp II, tiền học thêm không ít, đứa con chung, tiền nhà trẻ cũng nhiều. Vậy là chị “bặm gan” vay ngân hàng mở cửa hàng quần áo thời trang như… lời anh hứa. Cửa hàng chỉ mở cửa từ đầu giờ chiều tới 9g đêm nhưng đông khách lắm. Thuê một nhân viên làm việc bán thời gian mất hai triệu đồng nhưng ngay tháng đầu tiền lời đã hơn cả tiền lương hàng tháng đi làm!

Chị mua chiếc xe tay ga cho ra dáng bà chủ, dù là xe trả góp. Máy nước nóng năng lượng mặt trời chưa đủ tiền lắp thì chị sắm cái bình đun siêu tốc tự ngắt điện cho có nước nóng đứa lớn tắm em mỗi khi mẹ bận rộn. Anh vẫn an nhiên ăn cơm vợ, mỗi tháng thích “góp” bao nhiêu thì góp, chị không càm ràm nhắc nhở hay đòi hỏi nữa.

Với chị, bình yên là nền móng của hạnh phúc. Mà hạnh phúc là biết bằng lòng với những gì mình đang có. Chị có một người chồng không la cà nhậu nhẹt, không vợ bé vợ mọn, không đề đóm bài bạc, không đánh mắng con riêng của vợ… đó đã là hạnh phúc. Còn mọi thứ “duy vật” cho cuộc sống này, chị bắt đầu chỉ tin vào chính mình, sẽ chắc chắn hơn là tin vào những hão huyền hứa hẹn của ai đó, dù là chồng chị.

Chị còn định vay tiền sửa nhà, có người bảo chị liều, nhưng chị tin vào chính mình, chứ mấy năm nay tin vào “người ta”, nào có được gì đâu?

 KIM CÚC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI