Tin nhắn lừa đảo ngày càng tinh vi

30/05/2013 - 10:50

PNO - PN - Thời gian qua, cơ quan quản lý đã mạnh tay hơn với tin nhắn rác, nhưng vẫn chưa thể dẹp bỏ được vấn nạn này. Không những thế, tin nhắn rác ngày càng tinh vi hơn.

Tin nhan lua dao ngay cang tinh vi

Ảnh minh họa: Báo Lao Động

Tính chất lừa đảo ngày càng nghiêm trọng

Chị Khánh Nguyên, chủ nhân số điện thoại 0938258XXX cho biết, gần đây, đều đặn mỗi tháng chị nhận được một tin nhắn từ một thuê bao mang tên một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM (không hiện số) với nội dung thông báo dư nợ thẻ MasterCard của chị ở ngân hàng này. Mới đây nhất, chị nhận được thông báo dư nợ trong tháng Năm lên tới hơn 71 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Số tiền thanh toán tối thiểu (yêu cầu của tin nhắn) cũng tăng gấp đôi trong tháng này, lên hơn 40 triệu đồng. Ở cuối tin, chị Nguyên được yêu cầu gửi tin xác nhận đến một đầu số trước ngày 25/5, nếu không sẽ mất số tiền nói trên. “Nhận tin nhắn lần đầu tiên, tôi vô cùng bất ngờ và điện cho chồng tôi để hỏi về tài khoản trên, vì có thể chồng tôi đăng ký nhận tin nhắn bằng số điện thoại của tôi. Sau đó, tôi biết mình bị lừa, vì tổng đài của MobiFone cho biết, tin nhắn có thể được gửi từ mạng internet. May mà tôi chưa nhắn tin xác nhận”, chị Nguyên nói.

Nhiều bạn đọc phản ảnh đã nhận được nhiều tin nhắn rác có gắn nhãn QC (quảng cáo ở phần đầu tin) với nội dung mời tải nhạc hoặc trò chơi. Ví dụ như: <QC> ban duoc TANG 1 bai hat tren tong dai 1900XXXX. Ban goi de nghe bai hat; <QC> 0906225XXX Nhan duoc mon Qua cung loi chuc mung sinh nhat tu nguoi than, de nghe va biet ten nguoi Tang goi 1900XXXX. Những tin nhắn này đều được gửi từ một thuê bao di động cá nhân. Thoạt nhìn, với nhãn QC, những tin nhắn này có vẻ như một tin nhắn quảng cáo hợp lệ theo quy định của Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, tuy nhiên trên thực tế, nó lại được gửi từ một thuê bao di động (trả trước) mà danh tính của người gửi không thể xác định. Không chỉ quảng cáo trái phép bằng cách lập lờ dán nhãn “QC” trước tin nhắn, một số tin nhắn còn trực tiếp lừa đảo bằng cách làm cho người sử dụng tưởng rằng mình đã có một giải thưởng nào đó và chỉ cần nhắn tin là sẽ giành được các phần quà có giá trị. Tuy nhiên, nếu nhắn tin, ngay lập tức sẽ bị trừ 15.000đ trong tài khoản.

Thực tế, trong những trường hợp trên, nếu không nhắn tin lại, những đối tượng lừa đảo không thể lấy tiền từ người dùng. Tuy nhiên, đối với những người hay cài đặt phần mềm (đối với máy smartphone dùng hệ điều hành android, iOS…) thì người dùng không thể lường trước được những thiệt hại từ những tin nhắn rác.

Quản lý được không?

Theo đại diện Công ty viễn thông Viettel, tình trạng kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại vẫn đang xảy ra. Ngoài việc thường xuyên gửi tin nhắn cảnh báo đến từng thuê bao, từ tháng 1/2013, Viettel đã chính thức đưa vào áp dụng hệ thống kiểm soát dịch vụ dựa trên quản lý cú pháp cung cấp dịch vụ (CP) với tất cả các đầu số ngắn. Kết quả trong tháng Một và tháng Hai vừa qua, Viettel đã quản lý, rà soát gần một triệu câu lệnh của gần 800 CP với hàng ngàn đầu số, đồng thời tiến hành khóa 16 đầu số vi phạm spam quảng cáo mời chào dùng dịch vụ trên tổng đài thoại, chặn cắt và thu hồi gần 200.000 thuê bao thực hiện các hành vi sử dụng sim di động để phát tán tin nhắn rác.

Tương tự, đại diện MobiFone cũng cho biết, hãng đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác tới khách hàng của mình, như chặn hoàn toàn tin nhắn rác được gửi từ các tổng đài nhắn tin nước ngoài; lọc, theo dõi và chặn tin nhắn rác, tin nhắn có nội dung phản cảm từ các số thuê bao gửi tin với tần suất cao trước khi tin được gửi tới khách hàng. Bên cạnh đó, MobiFone hiện đang rà soát các hình thức nhắn tin với nội dung phản cảm để phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, hãng đang kiểm tra việc thực hiện nhắn tin của các CP và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Việc chặn, cắt và thu hồi thuê bao di động của các công ty viễn thông chỉ là giải pháp tạm thời, chưa đủ “ép phê” vì chưa truy tới cùng của vấn đề. Bởi, trên mỗi tin nhắn rác, dù được gửi từ một thuê bao di động nhưng đều được dẫn tới một đầu số dịch vụ như 8XXX, 6XXX, 1900XXXX… Các công ty cung cấp các dịch vụ nội dung thường viện cớ tin nhắn rác được gửi từ một thuê bao di động và không liên quan tới họ. Tuy nhiên, không tự nhiên mà một thuê bao di động lại nhắn tin rồi dẫn dụ người dùng đến một đầu số chẳng liên quan tới mình? Phải chăng việc mạnh tay với tin nhắn rác sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của nhà mạng, bởi riêng trong tháng Hai, Viettel đã hoàn lại cước cho khách hàng với số tiền là gần 30 tỷ đồng, chưa kể rất nhiều dịch vụ các CP muốn cung cấp nhưng Viettel không phê duyệt. Với những nhà mạng khác, thiệt hại từ tin nhắn rác chắc chắn cũng không phải ít, do đó xóa bỏ tình trạng tin nhắn rác vẫn là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý.

 Ca Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI