Tin học và vật lý là 2 trong 9 môn được học sinh chọn nhiều nhất ở bậc THPT

15/08/2024 - 17:00

PNO - Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, tin học và vật lý là môn được học sinh yêu thích, lựa chọn học nhiều nhất trong 9 môn tự chọn ở bậc THPT.

Sáng 15/8, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 bậc trung học. Báo cáo tại hội nghị, Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) - cho biết, trong năm học 2023-2024, học sinh lớp Mười và Mười một đã học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên học sinh đã chọn 4/9 môn tự chọn.

Cụ thể, với cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 6 môn học bắt buộc, gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử. Học sinh sẽ chọn học 4/9 tự chọn, gồm: Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật.

Thống kê cho thấy, TPHCM có 91.119 học sinh lớp Mười, trong đó môn tin học được lựa chọn học nhiều nhất với 69.909 học sinh đăng ký. Tiếp đó là môn vật lý với 67.435 học sinh đăng ký… Ngược lại ở môn mỹ thuật và âm nhạc, vì thiếu giáo viên, không nhiều trường THPT tổ chức dạy nên số lượng học sinh đăng ký học rất ít. Cụ thể môn mĩ thuật có 2.274 học sinh theo học, âm nhạc có 1.631 học sinh theo học.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) trong tiết dạy môn tin học - Ảnh: Nguyễn Loan
Một tiết học tin học tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp) - Ảnh: Nguyễn Loan

Tương tự, ở khối Mười một có 85.343 học sinh. Trong đó, môn vật lý dẫn đầu số lượng học sinh đăng ký với 66.123 em, sau đó là môn tin học với 61.790 em, hóa học có 57.798 em… Môn âm nhạc cũng thấp nhất, khi chỉ có 1.455 học sinh đăng ký học, mĩ thuật là 2.274 học sinh.

Theo Sở GĐ-ĐT TPHCM, đa số các trường đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn giáo viên các môn tin học, âm nhạc, mĩ thuật. Điều này dẫn đến một số cơ sở giáo dục không có giáo viên môn những môn này tham gia chọn sách giáo khoa, nhất là các bộ môn năng khiếu như môn âm nhạc, mĩ thuật.

Ngoài ra, ở bậc THPT còn có môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Hai hoạt động giáo dục bắt buộc (Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); Nội dung giáo dục của địa phương. Với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động được ưu tiên phân công đảm nhận theo từng nội dung có trong chương trình; quá trình tổ chức thực hiện có phân định rõ nhiệm vụ thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định; các cơ sở giáo dục trung học tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong năm học.

Học sinh chưa hài lòng với môn khoa học tự nhiên

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã đề cập đến ý kiến của học sinh TPHCM tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo TP diễn ra ngày 1/6 vừa qua. Theo ông Hiếu, có gần 30 ý kiến của học sinh nói về môn khoa học tự nhiên (bậc THCS), các em chưa hài lòng, chưa thuận lợi trong việc tiếp nhận kiến thức liên môn.

Ông yêu cầu nhà trường không bố trí dạy nếu giáo viên chưa qua bồi dưỡng, chưa tham gia bổ sung bồi dưỡng chuyên đề giảng dạy khoa học tự nhiên. Theo ông Hiếu, từ năm 2019, sở đã làm việc chuyên môn với Trường ĐH Sài Gòn để thực hiện môn học tích hợp khoa học tự nhiên. Giáo viên TPHCM đã được bồi dưỡng và tiếp tục có những chuyên đề nâng cao để dạy môn học này.

"Chúng ta làm sao giúp giáo viên tự tin khi giảng dạy môn tích hợp, không xé nhỏ kiến thức, không đào sâu kiến thức môn khoa học tự nhiên thành môn đơn lẻ như lý, hóa, sinh như trước đây. Sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức chuyên đề bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao ở môn khoa học tự nhiên giúp giáo viên và học sinh đạt hiệu quả như mong muốn. TPHCM tiếp tục kiên trì và giữ vững định hướng dạy theo hướng tích hợp, một giáo viên dạy xuyên suốt một môn học, đáp ứng đúng mục tiêu của chương trình mới ", ông Hiếu nói.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI