Bảo vệ môi trường là một đề tài tưởng chừng khô khan với phim ảnh, nhưng dưới góc nhìn của các nhà làm phim trẻ tham dự cuộc thi làm phim ngắn “Màn ảnh xanh” lại hiện lên rất đa dạng, sinh động. Thông điệp về môi trường không chỉ được truyền tải qua ý tưởng kịch bản, mà còn qua các giải pháp “xanh” ứng dụng trong quá trình sản xuất phim.
|
Dự án phim hoạt hình Vượt thành Axima - một trong chín dự án được hỗ trợ kinh phí sản xuất - khiến các giám khảo ngạc nhiên vì ý tưởng độc đáo và hình ảnh vẽ chuyên nghiệp dù cả nhóm lần đầu làm phim hoạt hình stop motion |
Sau hơn một tháng sơ tuyển, cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh xanh” (Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và Netflix tổ chức) vừa chọn ra 21 dự án ấn tượng trong số 66 dự án dự thi hợp lệ để đi đến vòng thuyết trình. Trong đó, có chín dự án được hỗ trợ kinh phí sản xuất. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một cuộc thi làm phim chủ đề về môi trường, đồng thời mang đến khái niệm “điện ảnh xanh” khá mới mẻ.
Điện ảnh xanh là xu hướng các nền điện ảnh trên thế giới đang hướng tới, nhằm tạo ra quy trình làm phim thân thiện với môi trường, qua đó giúp ngành công nghiệp này phát triển bền vững. Những tiêu chí đánh giá một bộ phim “xanh” nằm ở việc khâu sản xuất giảm lượng xe di chuyển, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, giảm rác thải từ ăn uống, quản lý chất thải đúng cách…
Những tưởng chủ đề bảo vệ môi trường sẽ làm khó các thí sinh. Tuy nhiên thật bất ngờ khi đề tài này được nhà làm phim tương lai nhìn ở nhiều khía cạnh mới lạ, ý tưởng đa dạng. Ngạc nhiên hơn khi tỷ lệ phim tài liệu, phim hoạt hình lại chiếm ưu thế, trong khi đây là hai thể loại khó với người làm phim, và kén người xem.
|
Dự án phim hoạt hình Dimo và Plastic World được đánh giá cao vì sở hữu câu chuyện hấp dẫn |
Dùng góc nhìn của trẻ em, con vật, một chai nhựa cũ bị vứt đi; xây dựng nhân vật là những bao ni-lông, cao su, tờ giấy báo, hộp xốp, ly nhựa tượng trưng cho các giai cấp riêng trong xã hội thùng rác; ví von con người là những con dòi nhựa; đặt câu chuyện vào bối cảnh hành tinh 200 năm sau, hoặc ở một thế giới song song nơi rác thải đàn áp con người… là những ý tưởng mới mẻ cho thấy sức sáng tạo phong phú của các nhóm thi.
Ở thể loại tài liệu, nhiều dự án khiến ban giám khảo thú vị, vì các nhà làm phim phát hiện ra những nhân vật “người thật việc thật” và có câu chuyện ấn tượng. Đó là Thành - người phụ nữ 49 tuổi hành nghề thu mua ve chai đồng nát. Ban đầu chỉ xem rác thải là môi trường mưu sinh, dần dà chị đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác, và dùng hành động để lan tỏa nhận thức này đến mọi người. Đó là nhóm phụ nữ ở vùng ven biển Thái Thụy (Thái Bình) 30 năm qua âm thầm thức đêm trồng không công những cây sú vẹt để ngăn xói lở bờ biển, ngăn bão gió, và duy trì việc nuôi hải sản bền vững. Đó là người đàn ông 50 tuổi có tiền án 20 năm, hoàn lương bằng công việc lượm đồ phế thải…
Đi làm phim, thấy ai xả rác tôi la ngay Các đoàn phim của tôi đều có tổ hậu cần chịu trách nhiệm dọn dẹp rác, phân loại rác, vệ sinh… để khi đoàn phim rút đi, hiện trường sạch sẽ hơn lúc đầu. Nhà sản xuất sẽ giám sát việc này. Trước đây đoàn phim ăn cơm sử dụng hộp xốp, nhưng giờ đã chuyển sang dùng các khay nhựa có nắp, ăn xong rửa sạch lần sau dùng tiếp. Nước uống thì có thùng to và dùng ly giấy. Thùng rác được trang bị khắp nơi. Mỗi khi đến hiện trường, nhất là quay ở công viên hay trong rừng, chúng tôi luôn chú ý hạn chế kê máy móc lên cỏ. Chặt hay bẻ một nhánh cây để tránh vướng khung hình cũng phải xin phép người quản lý chứ không tự ý làm. Ở đoàn phim tôi, làm phim sai không bị tôi la, nhưng xả rác là tôi la liền. Nhất là khi quay gần bờ sông, kênh rạch, nhiều thành viên có thói quen hút thuốc vứt tàn hoặc tiện tay xả rác xuống nước. Đạo diễn Charlie Nguyễn |
Những vấn đề thường thấy trong xã hội, từ chuyện tiêu cực như khai thác du lịch sai trái bằng cách phá hoại tài nguyên thiên nhiên, phá rừng lấy gỗ, đốt rác, đánh bắt cá bằng thuốc nổ, cho đến việc tích cực như phong trào dọn rác cũng được đề cập. Không chỉ sáng tạo ra những ý tưởng độc đáo cho câu chuyện của mình, các nhà làm phim còn thể hiện ý thức bảo vệ môi trường bằng việc sử dụng những vật liệu tự nhiên thân thiện môi trường, tận dụng chất thải, đồ tái chế trong quá trình sản xuất phim. Chẳng hạn các dự án phim hoạt hình stop motion như Costume me death, Vượt thành Axima, Green Hope dùng bao ni-lông, giấy báo, chai nhựa, đất sét cho khâu tạo hình nhân vật.
Nhận xét về các sản phẩm dự thi, đạo diễn Charlie Nguyễn - thành viên ban giám khảo - cho biết: “Các dự án đều thể hiện sự sáng tạo trong cách chọn đề tài, góc nhìn, cho thấy nhiệt huyết của các bạn trẻ đối với chủ đề bảo vệ môi trường. Tiếc là kỹ năng làm phim chưa tốt, chưa có phương pháp kể chuyện. Mong rằng trong thời gian tới, đến thời hạn nộp phim, các nhóm sẽ cải thiện khuyết điểm này”.
Một hạn chế khác theo giám khảo nhà văn, biên kịch Phạm Hải Anh (Trưởng ban Biên kịch Galaxy Play) là các nhóm dùng mô-típ giấc mơ - tỉnh dậy nhiều, cách này tiện, gọn và dễ, nhưng chưa cho thấy nhiều sự sáng tạo.
Bảo vệ môi trường đang là vấn đề cấp thiết hiện nay. Phim ảnh với chức năng và nhiệm vụ của mình cũng không thể đứng ngoài cuộc, huống chi đây là ngành sử dụng nhiều nhân lực, máy móc, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều chất thải gây nguy hại môi trường.
|
Dự án vượt thành axima của nhóm sở thú được đánh giá cao |
Cuộc thi phim ngắn “Màn ảnh xanh” (chung kết trao giải ngày 2/9 tại Hạ Long, Quảng Ninh) cho thấy đề tài bảo vệ môi trường không khô khan như nhiều người nghĩ, đó cũng là cơ hội để những người làm nghề thể hiện tư duy làm phim mới, cụ thể là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đây là tín hiệu tích cực đến từ một sân chơi mới.
Điện ảnh Việt đang trong quá trình phát triển, hoạt động của các đoàn phim sẽ tạo ra sức ép rất lớn đến môi trường, nên rất cần chú trọng đến những giải pháp xanh trong khâu sản xuất. Làm được điều này cũng là cách điện ảnh Việt hướng đến sự chuyên nghiệp, phát triển bền vững.
Hương Nhu