Tín hiệu vui cho thời trang Việt Nam hội nhập quốc tế

26/01/2014 - 20:07

PNO - Được sự hỗ trợ của Trung tâm xúc tiến nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển (CBI) trực thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan và Hiệp hội Dệt May Việt Nam, lần đầu tiên, ba doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tham dự Hội chợ hàng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Đây là một hội chợ có tính chuyên nghiệp cao, được tổ chức hàng năm nhằm trưng bày và giới thiệu những xu hướng thiết kế thời trang, các bộ sưu tập về các mẫu thiết kế của các thương hiệu dệt may có uy tín đến từ nhiều nước trên thế giới.

Tin hieu vui cho thoi trang Viet Nam hoi nhap quoc te
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng thăm gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam
(Ảnh: Bích Hà/Vietnam+)

Hội chợ cũng là nơi các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu gặp gỡ, thảo luận để có thể tiến tới việc ký kết các hợp đồng cung cấp sản phẩm.

Năm nay, chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất, hội chợ quy tụ trên 1.000 doanh nghiệp dệt may đến từ hơn 30 nước.

Năm 2013, sự kiện tương tự đã thu hút 170.000 du khách thăm quan trong đó gần một nửa là khách quốc tế.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Paris, bà Tống Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty may và dệt len Vieba, có trụ sở tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia hội chợ Who’s Next tại Paris. Việc tham gia hội chợ mở ra một bước tiến mới cho doanh nghiệp đồng thời cũng buộc chúng tôi phải nghiên cứu sử dụng nguyên liệu và có các mẫu thiết kế ở mức cao cấp hơn để có thể tiếp cận thị trường châu Âu. Trong một thời gian dài, chúng tôi phải chấp nhận gia công cho các thương hiệu nước ngoài, nhưng lần này, với sự giúp đỡ của CBI, chúng tôi đưa đến đây bộ sưu tập của mình với các sản phẩm mang thương hiệu Casways để giới thiệu với các nhà nhập khẩu châu Âu."

Ông Louk Grauwen, chuyên gia phụ trách mảng thiết kế của CBI, đánh giá cao chất lượng may của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, để chinh phục thị trường châu Âu, các doanh nghiệp cần đầu tư thêm vào khâu thiết kế, lựa chọn nguyên phụ liệu và màu sắc sao cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu, đặc biệt là cần phải đưa ra được bộ sưu tập hoàn chỉnh theo hai mùa Đông-Xuân và Hè-Thu.

Nhận xét về sự kiện này, đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng vui mừng khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tham gia "sân chơi lớn," đánh dấu "sự chuyển hướng" từ gia công sản phẩm sang tự thiết kế mẫu mã và xây dựng bộ sưu tập riêng.

Đại sứ cũng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần phải liên kết và hợp tác xung quanh Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhằm từng bước xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm của mình, tìm kiếm các đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nhân dịp này, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã sắp xếp để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp gỡ lãnh đạo một số nhà nhập khẩu hàng may mặc của Pháp, trong đó có tập đoàn bán lẻ Casino nhằm giới thiệu các sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Casino là chủ của chuỗi siêu thị Monoprix của Pháp và cũng là chủ của tập đoàn Big C đang làm ăn nên làm ra tại Việt Nam.

Việc lần đầu tiên các doanh nghiệp dệt may tham dự một hội chợ lớn, được tổ chức tại Paris, vốn được mệnh danh là kinh đô của ngành thiết kế thời trang thế giới, là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, rất cần có thêm nhiều doanh nghiệp hơn nữa, với những thương hiệu có tên tuổi, có mặt tại các sự kiện tương tự vào những năm tới.

Để làm được điều đó, cần kết hợp sự năng động của các doanh nghiệp và sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành và các hiệp hội chức năng.

Theo BÍCH HÀ/PARIS (VIETNAM+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI