Tín hiệu vui

18/10/2024 - 06:50

PNO - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự mạnh khỏe do nhiều yếu tố quyết định, trong đó có 2 yếu tố tối quan trọng là sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Chúng ta không thể cảm thấy vui vẻ, thoải mái tinh thần khi mang trong mình những vấn đề về sức khỏe thể chất như vấn đề về da, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu… Những “vấn đề” này khiến người ta giảm sự tự tin, giảm sự kết nối, ngại giao tiếp với cộng đồng. Bên cạnh đó, sức khỏe tâm thần cũng tác động đến sức khỏe thể chất. Một người hoàn toàn khỏe mạnh, được chẩn đoán không có vấn đề gì về mặt thực thể nhưng khi có vấn đề về rối loạn lo âu, trầm cảm, suốt ngày chỉ nằm trong phòng thì sẽ bị “ngắt kết nối” giữa tinh thần và thể chất, từ đó gần như mất khả năng lao động. Nói vậy để thấy, giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần có mối liên hệ gắn bó, không thể tách rời.

áp lực và căng thẳng ở mức độ vừa đủ, vừa phải chính là động lực để thúc đẩy mỗi người cố gắng
Áp lực và căng thẳng ở mức độ vừa đủ, vừa phải chính là động lực để thúc đẩy mỗi người cố gắng

Cần nhìn nhận rõ rằng, áp lực và căng thẳng ở mức độ vừa đủ, vừa phải chính là động lực để thúc đẩy mỗi người cố gắng, nhưng khi người ta có dấu hiệu chững lại, không thể làm việc hiệu quả, không thể đảm bảo sức khỏe thể chất do căng thẳng, áp lực thì cần phải tìm đến các cơ sở y tế hoặc các đơn vị chuyên về tư vấn tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Ở Việt Nam, trước dịch COVID-19, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần rất ít được quan tâm. Mọi người thường nghĩ rằng, cảm giác lo âu là chuyện đương nhiên phải có trong học tập, công việc và cuộc sống. Nhưng mọi người cũng nên biết, việc để tình trạng lo âu diễn ra quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, làm cho con người gần như mất khả năng lao động và kết nối với xã hội. Hệ thống y tế lúc bấy giờ cũng chưa có những chính sách, hoạt động quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần. Sau đợt dịch COVID-19 năm 2021, chúng ta mới nhận ra rằng, cần để tâm hơn đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là khi sự mất mát diễn ra quá nhiều, quá nhanh trong một khoảng thời gian quá ngắn.

Một tín hiệu vui hiện nay là giới trẻ rất hiểu và rất cởi mở với vấn đề sức khỏe tâm thần. Điều cần thiết là làm cho cả cộng đồng cùng được nâng cao vốn hiểu biết về sức khỏe tâm thần. Tôi tin rằng, sự yêu thương, đồng cảm từ gia đình luôn là điều ngọt ngào và mềm mại nhất để nuôi dưỡng tâm hồn của con người. Các bậc cha mẹ nên để tâm đến con cái nhiều hơn. Ví dụ khi con mình bỏ ăn, chểnh mảng trong việc học, cha mẹ không nên tìm hiểu nguyên nhân một cách cơ học mà nên nhìn nhận ở góc độ đa chiều hơn, gần gũi con và tìm hiểu xem con có đang gặp vấn đề về tinh thần, cần được hỗ trợ, tháo gỡ hay không và đặc biệt là nên tạo không gian để con dám thể hiện suy nghĩ của mình.

Hiện nay, Sở Y tế TPHCM đang triển khai đề án hỗ trợ, nâng cao sức khỏe cộng đồng về bệnh mãn tính không lây cũng như sức khỏe tâm thần. Theo đó, ngành y tế sẽ tầm soát và nâng cao nền tảng hiểu biết về sức khỏe tâm thần của người dân; thúc đẩy phát triển các đơn vị chẩn đoán, điều trị, tư vấn sức khỏe tâm thần.
Trước đây, người dân chủ yếu chỉ biết đến Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Còn hiện nay, nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đã thành lập các khoa tâm lý, tâm thần. Ngay cả bệnh viện nhi cũng có các phòng, khoa điều trị vấn đề tâm lý cho trẻ nhỏ. Các phòng khám độc lập có hỗ trợ về sức khỏe tâm thần cũng phát triển khá nhiều. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tâm thần, giúp mọi người nhận biết, phòng ngừa và tìm kiếm sự hỗ trợ kịp thời khi cần thiết. Điều này sẽ giúp giảm đến mức tối thiểu những tác động tiêu cực của các vấn đề tâm thần đến bản thân, gia đình và xã hội.

Thạc sĩ, bác sĩ Hà Thanh Đạt - Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM,
giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Nhã Chân (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI