PNO - PN - Lô vải đầu tiên của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu sang Mỹ vẫn đang chờ phản hồi từ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, đã có tín hiệu tốt cho người trồng vải, cả xuất khẩu lẫn thị trường nội địa.
edf40wrjww2tblPage:Content
Giá vải xuất khẩu tăng hơn 50%
22g ngày 1/6, lô vải đầu tiên của huyện Lục Ngạn đã được vận chuyển tới Mỹ bằng đường hàng không. Trao đổi với PV báo Phụ Nữ, ông Trần Quang Tấn - Chủ tịch huyện Lục Ngạn cho hay, sáng ngày 4/6, lô vải Lục Ngạn đầu tiên đã được bày bán tại một số siêu thị của Mỹ. “Dù đây là lô vải thu hoạch sớm, chất lượng chỉ đạt 70% so với vải chính vụ nhưng thương nhân Mỹ vẫn đánh giá cao hơn vải Trung Quốc và Mexico - hai loại vải đang bán tại thị trường này” - ông Tấn chia sẻ.
Là hộ gia đình có những trái vải đầu tiên được “xuất ngoại”, ông Chu Văn Giáp (xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn) hồ hởi: “Gia đình tôi có năm mẫu vải, trong đó hai mẫu vải u hồng chín sớm. Với giá bán 30.000 đồng/kg, chúng tôi kỳ vọng, vụ mùa này sẽ thu về lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng”. Tại Bắc Giang, vải sớm u hồng có giá trung bình khoảng 20.000 đồng/kg. Như vậy, với mỗi ký vải xuất sang Mỹ, doanh nghiệp đã trả cao hơn so với giá thị trường tới 50%. Hiện, người trồng vải đặt nhiều kỳ vọng vào việc xuất khẩu.
Ông Giáp Văn Thành, hộ trồng vải theo tiêu chuẩn Global-Gap tại thôn Kép I, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn cho biết, còn khoảng hơn chục ngày nữa, vải chính vụ của Lục Ngạn mới chín, nhưng đã có tám doanh nghiệp về làm việc và hứa hẹn thu mua với mức giá thấp nhất từ 30.000 đồng/kg. “Theo tiêu chuẩn thu mua để xuất khẩu, vải mẫu mã đẹp phải đạt 40 - 45 trái/kg. Chúng tôi hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu này. Riêng với những thị trường khó tính, số lượng vải yêu cầu từ 30 - 35 trái/kg, chúng tôi vẫn có thể chọn lọc được khoảng 50% sản lượng” - ông Giáp thông tin.
Từ ngày 10/6, các công ty thu mua vải sẽ lần lượt về làm việc nhóm trồng vải của ông Giáp, trong đó, có một doanh nghiệp đăng ký mua hơn một tấn vải đưa sang Úc, một doanh nghiệp đăng ký năm tấn vải đưa sang Nhật và một doanh nghiệp đăng ký năm tấn vải đưa sang Pháp. Nếu đúng như hứa hẹn của các doanh nghiệp, ông Thành dự kiến, vải Lục Ngạn chất lượng Global-Gap có thể sẽ... cháy hàng.
Ông Trần Quang Tấn nhận định: “Giá vải Lục Ngạn năm nay chắc chắn sẽ cao hơn mọi năm. Khi các thị trường khó tính như Úc, Mỹ đồng ý nhập khẩu trái vải cũng có nghĩa thương hiệu của vải Lục Ngạn đã được nâng tầm. Lãnh đạo huyện nhận được đề nghị của một số công ty về việc bao tiêu hơn 60ha vải chất lượng cao với giá mỗi kilôgam 30.000 đồng”.
Lô vải sớm của xã Tân Mộc, H.Lục Ngạn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Mỹ
Vải chất lượng cao vào siêu thị
Mặc dù đặt nhiều kỳ vọng song ông Trần Quang Tấn khẳng định, sứ mệnh của trái vải xuất khẩu sang Mỹ hay Úc năm nay chỉ là “khơi thông thị trường”. Ngoài 68,38ha vải được quy hoạch theo tiêu chuẩn Global-Gap, Lục Ngạn còn hơn 16.000ha vải. Để tiêu thụ toàn bộ số vải này, thị trường lớn của vải Lục Ngạn vẫn là Trung Quốc. Đây cũng chính là nhận định của thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp báo ngày 1/6. Ông Tấn cho hay, hiện đã có doanh nghiệp Trung Quốc về làm việc, đăng ký mua 6.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm trước.
Trong các cuộc xúc tiến thương mại gần đây, sở công thương của các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có cam kết đưa trái vải Lục Ngạn vào siêu thị. Ông Trần Quang Tấn cho biết: “Năm 2015, sở công thương các tỉnh thành phố lớn đã cam kết đưa trái vải Lục Ngạn vào siêu thị và đề nghị có nhãn mác độc quyền để tránh tình trạng nhập nhèm xuất xứ. Chúng tôi gặp khó khăn vì việc in ấn nhãn mác rất dễ bị làm giả. Để giải quyết tình trạng này, huyện Lục Ngạn khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp mang hàng vào siêu thị, đồng thời có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu sản phẩm”.
Đưa vải chất lượng cao vào kênh siêu thị cũng là trọng tâm mà Công ty TNHH TMDV Rồng Đỏ đang hướng tới. Ông Mai Xuân Thìn - Phó giám đốc công ty cho biết, đơn vị này đã thu mua hai tấn vải u hồng sớm ở Hải Dương và đang tiến hành kiểm dịch. Ngoài mục tiêu đưa vải sang Mỹ, lô vải này còn được công ty chào hàng tại các siêu thị lớn của TP.HCM và Hà Nội. Vải đưa vào siêu thị sẽ đóng gói theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài Hải Dương, công ty này đã ký hợp đồng thu mua với một nhóm sản xuất vải sạch theo tiêu chuẩn Global-Gap tại Bắc Giang.
Hiện tại các hệ thống siêu thị lớn của TP.HCM, vải thiều bắt đầu được bán rộng rãi. Khảo sát tại hệ thống siêu thị Co.op Mart, giá vải bán ra ở mức 28.000đ/kg. Đại diện Co.op Mart cho biết, mức giá này sẽ còn giảm khi trái vải vào chính vụ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, toàn bộ hệ thống siêu thị Co.op mart cả nước cùng với hai đại siêu thị Co.op Xtra và chuỗi 87 cửa hàng Co.op Food tại TP.HCM đã chính thức đưa mặt hàng trái vải tươi Bắc Giang và Hải Dương lên kệ từ ngày 1/6 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người tiêu dùng. Nguồn trái vải do Saigon Co.op ký kết với các đầu mối uy tín thông qua đề xuất của Sở Công thương và Sở NN-PTNT của hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương nên khá dồi dào và đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Hiện sức tiêu thụ trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đối với mặt hàng trái vải đang ở mức từ 10-15 tấn/ngày và dự ước khi vào chính vụ, sức tiêu thụ có khả năng tăng gấp đôi. Co.op Mart đã đưa kế hoạch tiêu thụ khoảng 800 tấn trong vụ vải năm nay.
Dù chưa có số liệu chính thức sẽ tiêu thụ bao nhiêu tấn vải, nhưng ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị BigC cho biết, lượng bán sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng trên toàn hệ thống BigC.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Nhất Nam, chủ hệ thống chuỗi siêu thị FiviMart cũng cho hay, từ ngày 23/5, siêu thị đã bày bán vải u hồng, thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân tại Thanh Hà, Hải Dương. Mỗi ngày, lượng vải siêu thị cung ứng ra thị trường từ 1 - 1,5 tấn.
HUYỀN ANH - ĐĂNG THƯ
Khi các thị trường khó tính như Úc, Mỹ đồng ý nhập khẩu trái vải cũng có nghĩa thương hiệu của vải Lục Ngạn đã được nâng tầm.
Tổng thống Donald Trump không ban hành sắc lệnh thuế như dự báo đã đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trong nước tăng giá 2 lần trong buổi sáng.
Giá vàng trong nước và thế giới quay đầu giảm, giá vàng trong nước giảm 400.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên liền trước.
Ngày 16/1, Nutifood đã đồng hành với Hội LHPN TPHCM trong chương trình 'Xuân yêu thương-Tết nghĩa tình', trao 530 suất quà sữa NutiMilk với tổng giá trị gần 50 triệu đồng.