Tin giả: Lan nhanh và nguy hiểm như… virus

02/08/2020 - 12:07

PNO - Hòa theo dòng chảy cuồn cuộn của thông tin thì tin giả cũng có cơ hội sinh sôi nảy nở…

Chưa có một công trình nghiên cứu nào xác định được cụ thể tin giả (tiếng Anh: Fake news) xuất hiện đầu tiên từ khi nào. Tuy nhiên, có một điều mà ai cũng nhận thấy, đó là hiện nay, khi con người đang sống trong một thế giới ngồn ngộn thông tin, được cập nhật theo đơn vị tính bằng giây, thì tin giả cũng sinh sôi nảy nở. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.

Tin giả trong lịch sử

Theo ghi nhận trên trang từ điển bách khoa mở Wikipedia thì tin giả bắt nguồn từ thế kỷ XIII trước Công nguyên. Lúc đó, Ramesses Đại đế (vị pharaon thứ ba đầy quyền lực của Vương triều thứ 19 trong lịch sử Ai Cập) đã cho lan truyền tin giả về trận đánh Kadesh nhằm mục đích ca ngợi chiến thắng vĩ đại của người Ai Cập, trong khi thực tế không phải như vậy. 

Trận đánh Kadesh. Ảnh: Wikipedia
Trận đánh Kadesh - Ảnh: Wikipedia

Khi ngành công nghiệp in ấn ra đời từ năm 1439 thì các ấn phẩm được xuất bản và bắt đầu phổ biến cho dân chúng. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chưa có một tiêu chuẩn báo chí nào được xây dựng để các phóng viên phải tuân theo. Mãi đến thế kỷ XVII thì những người hành nghề viết lách mới bắt đầu thực hiện việc ghi chú nguồn trích dẫn dưới chân các bài viết (footnotes) của mình, và dần tiến tới yêu cầu xác minh tính chính xác của nguồn tin trích dẫn.

Một số trường hợp trong lịch sử đã được ghi nhận là lan truyền tin giả và bị phạt. Vào thế kỷ XVIII, Hà Lan được xem là quốc gia rất nghiêm khắc với vấn nạn tin giả, bị các chế tài nặng như phạt hoặc đình chỉ hoạt động các nhà xuất bản nếu để xảy ra tình trạng lan truyền tin giả. Gerard Lodewijk van der Macht - một chủ bút với nhà xuất bản riêng của mình đã bị tòa án Hà Lan tuyên đóng cửa tới 4 lần vì hành vi xuất bản và lưu hành tin giả.

Một trường hợp fake news điển hình khác xảy ra ở Mỹ vào thế kỷ XIX với loạt bài báo được tờ New York Sun đăng tải năm 1835 công bố đã phát hiện ra sự sống trên Mặt Trăng. Loạt bài với những chi tiết cụ thể như: tìm thấy bằng chứng về các dạng vật thể sống trên Mặt Trăng như kỳ lân, hải ly có hai chân và lông, người có cánh giống như dơi… đã gây sốc cho độc giả. Tất nhiên sau đó tờ báo đã phải xác nhận đó chỉ là những bài báo hư cấu với mục đích “chơi khăm” độc giả, nhưng cũng nhờ thế mà tờ New York Sun đã bán sạch tất cả các bản báo in và “chết tên” với danh xưng “Vua tin vịt” kể từ lúc đó cho đến khi bị sát nhập vào một tờ báo khác vào năm 1950.

Bức ảnh được tờ New York Sun đăng năm 1835 trong loạt bài công bố việc phát hiện ra sự sống trên Mặt Trăng. Ảnh Internet
Bức ảnh được tờ New York Sun đăng năm 1835 trong loạt bài công bố việc phát hiện ra sự sống trên Mặt Trăng - Ảnh Internet

Tin giả trong thế kỷ XXI 

Thế kỷ XXI với sự bùng nổ của Internet và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter thì việc tin giả xuất hiện và tồn tại cùng lúc với tin thật là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu như trước đây tin giả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, gây sốc, và thường vô hại thì hiện nay, mục đích của việc sản xuất và lan truyền tin giả không đơn giản chỉ như vậy, và tất nhiên là hậu quả của nó cũng nghiêm trọng tương ứng.

Nước Mỹ với nền tự do ngôn luận và báo chí phát triển vào loại bậc nhất thế giới cũng chính là mảnh đất màu mỡ cho sự tồn tại và phát triển của tin giả.  Trong một nghiên cứu mang tên “Mạng xã hội và tin giả trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2018”, hai tác giả Hunt Allcott và Matthew Gentzkow đã làm thống kê và cho biết, với số lượng 115 mẫu tin giả về ông Donald Trump được theo dõi thì có tới 30 triệu lượt share lại trên Facebook.

Fake news bùng nổ trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm 2018
Fake news bùng nổ trong đợt bầu cử tổng thống Mỹ năm 2018

Fake news không chỉ xảy ra trong môi trường chính trị mà còn cả ở các sự kiện khác có ảnh hưởng đến đời sống của con người, trong đó, các thảm họa thiên nhiên cũng là nơi sản sinh nhiều tin giả nhất.

Trong vụ động đất gây sóng thần xảy ra ở đảo Sulawesi, Indonesia vào năm 2018, vấn nạn tin giả đã khiến chính quyền sở tại phải chật vật đối phó không kém so với việc đối phó với thảm họa. Trong khi người dân Indonesia đang chưa hết bàng hoàng với thông tin hơn 1.400 người chết vì sóng thần thì liên tiếp những “tin động trời” khác được truyền đi theo kiểu “rỉ tai” cũng như tung ra trên mạng xã hội, như: thị trưởng thành phố Palu - nơi bị thiệt hại nặng nề bởi sóng thần - đã bị sóng thần cuốn đi mất xác, các chuyến bay miễn phí cho người dân có thân nhân bị mất tích đang được điều đến Palu đón họ, hay con đập Bili Bili ở phía Nam Sulawesi đang có nguy cơ vỡ do tác động của đợt động đất... Hàng loạt tấm ảnh với thi thể người chết chất đống được cho là do sóng thần gây ra cũng được post lên mạng xã hội… 

Tất nhiên các tin đồn ấy đều là tin giả nhưng đã gây ra sự xáo trộn khủng khiếp lên dân chúng. Vì vậy, chính quyền Indonesia phải liên tiếp tổ chức các cuộc họp báo để bác bỏ các tin đồn vô căn cứ này.

Tin giả giữa “tâm bão” COVID-19

Không hề là ngoại lệ, ngay thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp toàn cầu thì loài người cũng đang chứng kiến những con “virus fake news” hoạt động tích cực.

Nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cho biết, đã có hơn 50 triệu mẫu nội dung liên quan đến COVID-19 bị gỡ bỏ và gắn nhãn “tin giả” trong vài tháng gần đây. Với Twitter thì hơn 1,5 triệu người dùng bị cảnh báo đang lan truyền tin giả, và Tổng thống Donald Trump cũng là một trong những người bị Twitter “thổi còi” vì các đoạn tweet về coronavirus được cho là thiếu cẩn trọng của ông. Mới đây nhất, vào ngày 27/7/2020, Twitter đã mạnh tay gỡ bỏ một clip bị cho là chứa đựng thông tin sai lệch về một loại thuốc có thể chữa trị được COVID-19 mà Tổng thống Trump tweet trên tài khoản Twitter của mình với hơn 20 triệu lượt xem. Google cũng cho biết đã khóa hơn 18 triệu email lừa đảo và có nội dung tin giả liên quan đến COVID-19 được gửi đi trên hệ thống Gmail.

Tin giả gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền trong đợt động đất gây sóng thần ở Sulawesi, Indonesia năm 2018. Ảnh: The Atlantic
Tin giả gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền trong đợt động đất gây sóng thần ở Sulawesi, Indonesia năm 2018 - Ảnh: The Atlantic

Nội dung của các tin giả này cũng muôn hình vạn trạng. Từ phổ biến cách chữa trị coronavirus tại nhà bằng các “phương pháp bí truyền”; các lời khuyên vô thưởng vô phạt mạo danh bác sĩ hoặc chuyên gia y tế; cho đến việc xuyên tạc, diễn dịch các phát ngôn, tuyên bố của cơ quan chuyên môn với nội dung khác xa bản chất của phát ngôn gốc.

Bên cạnh đó, người ta còn truyền đi các thông tin hoàn toàn không có thực hoặc thiếu căn cứ, tiêu biểu như: trạm phát sóng 5G có thể phát tán COVID-19 qua sóng di động, hay tỷ phú Bill Gates - nhà sáng lập đế chế hùng mạnh Microsoft đang có kế hoạch sử dụng vắc-xin điều trị COVID-19 do tổ chức mang tên ông bào chế nhằm mục đích cấy những con chip siêu nhỏ vào cơ thể của tất cả 7 tỷ con người trên trái đất…

Những chiếc khẩu trang cũng có số phận thăng trầm khi không chỉ dân thường mà cả các chính trị gia hàng đầu ở một số nước vẫn truyền đi thông điệp đeo khẩu trang là hành động vô ích bởi chúng không hề có tác dụng gì với việc phòng chống COVID-19.

Chưa kể vô số các lời than thở theo kiểu “Toang đến nơi rồi mọi người ơi” kèm theo các thông tin không được kiểm chứng được post lên Facebook thu hút hàng ngàn lượt share, like, comment theo tốc độ tên lửa.

Một thống kê của UNESCO mới đây cho biết, đã có tới 40 trường hợp người dân ở Thái Lan bị phạt do có hành vi khởi tạo và phát tán tin giả liên quan đến COVID-19. 

Nguyễn Thuận

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI