Đã gần một năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho dân cư vùng nông thôn, vùng xa, vùng ven (gọi tắt là khu vực 1 - KV1 và khu vực 2 - KV2); song loại tín dụng tiêu dùng (TDTD) này chỉ phát triển chủ yếu ở mua sắm; trong khi đó nông dân, người kinh doanh nhỏ, muốn vay tiêu dùng để đầu tư thì khó tiếp cận.
Người dân trông chờ được nới lỏng điều kiện vay để dễ tiếp cận nguồn vốn vay tại các điểm giao dịch
|
|
Dù có nhưng khó…
Quan điểm của Ngân hàng (NH) Nhà nước là phải tăng cường mở rộng, phát triển TDTD đến KV1 - KV2, khuyến khích TDTD không phải mục đích tiêu xài mà còn cả đầu tư. Tại các NH, so với vay thế chấp, điều kiện vay TDTD (các NH gọi là vay tín chấp) được mở rộng: không cần tài sản đảm bảo, không cần bảo lãnh, có thu nhập hàng tháng… Song thực tế, việc tiếp cận TDTD tại các NH này vẫn còn một số yêu cầu “gây khó” cho người dân.
Ông Đoàn Minh Chiến - chủ một trang trại có tới 50ha đất dùng để trồng trọt, chăn nuôi với vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng cho biết: “34 năm lập trại, tôi chỉ được Nhà nước hỗ trợ vài chục triệu đồng để đăng ký VietGap. Muốn vay nhiều hơn, dù vay dạng thế chấp hay tín chấp thì NH yêu cầu phải có hóa đơn đỏ”. Theo ông Chiến, việc này làm khó người vay, bởi thuê thợ cày đất, lao động thời vụ, kể cả việc mua phân bò của nông dân cũng đòi hóa đơn thì làm sao có được. Mà không có, thì họ không cho vay”.
Các NH quảng cáo cho vay TDTD với thủ tục rất dễ, giải ngân nhanh nhưng khi tiếp cận, người dân thấy quá... đuối. Chị Liên - tiểu thương chợ Cầu Xáng (H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, chị muốn vay vốn để thuê thêm mặt bằng kinh doanh. NH yêu cầu chỉ cần thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng, trong khi chị bán ở sạp chợ, thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không chứng minh được thu nhập nên không đủ điều kiện vay.
Thấy vay tín chấp của ngân hàng quá khó nên nhiều người chạy sang khối công ty tài chính. Song, hình thức này cũng chỉ đáp ứng ở mức vay mua sản phẩm trả góp, còn muốn vay tiền mặt để đầu tư, kinh doanh cũng rất khó khăn. Anh Mạnh - kinh doanh tạp hóa (Bùi Văn Thủ, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, anh cần vay 70-100 triệu đồng để bổ sung nguồn hàng.
Thấy trên tờ rơi của nhân viên Fe Credit có ghi: lãi suất cho vay chỉ 1.0%, anh tìm đến vay thì công ty yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh hoặc hoá đơn tiền điện 2 triệu đồng/tháng. Do anh Mạnh kinh doanh tạp hóa nhỏ nên không có giấy phép kinh doanh, tiền điện của gia đình khoảng 500.000đ/tháng nên anh không đủ điều kiện vay số tiền trên.
“Tuy nhiên, các mức lãi suất cũng từ 1.66% đến 2.95%/tháng. Trường hợp để có lãi suất 1.0% thì người dân phải tham gia bảo hiểm nhân thọ, lương trên 10 triệu đồng (phải thuộc các công ty ưu tiên nhà nước). Điều kiện, lãi suất như thế, tôi không dám vay”. - anh Mạnh than thở.
KV1-KV2 là nơi tập trung nhiều đối tượng “dưới chuẩn” để vay NH… nhưng đa phần NH, công ty tài chính ở nước ta vẫn tập trung hoạt động chủ yếu ở khu vực thành thị khiến người dân khó tiếp cận đề án mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho dân cư vùng nông thôn, vùng xa, vùng ven.
Vì sao các bên ngán ngại?
Thực tế, các NH thương mại cổ phần vẫn đang rất e ngại trong việc cho người dân KV1-KV2 vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. ThS Nguyễn Thị Gấm - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, nguyên nhân là do khu vực này có mức lợi nhuận thấp, chi phí cao, nhiều yếu tố rủi ro khách quan như thiên tai, dịch bệnh; khả năng trả nợ thấp…
Theo ông Đàm Thế Thái - Phó tổng giám đốc HD Saison, gần 10 năm qua, hệ thống tài chính - ngân hàng chỉ mới phục vụ được 1/4-1/3 tổng lượng khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng (những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập trung bình dưới 10 triệu đồng/tháng), nhưng cũng chỉ chủ yếu tập trung tại thành thị. Trong khi đó, tác động của TDTD với người đi vay là rất lớn, đặc biệt là với người dân KV1-KV2, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là tư liệu sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, các công ty tài chính HD Saison, Fe Credit, Home Credit, ACS… đang dần mở rộng phạm vi hoạt động đến KV1-KV2. Nhiều nhân viên TDTD bắt đầu phủ sóng khắp các huyện vùng ven để tiếp cận người vay. Song, để người dân dễ tiếp cận TDTD, theo công ty tài chính Home Credit, tại các nước có nền tài chính phát triển, chính phủ sẽ lập ra các tổ chức bảo lãnh TDTD nhỏ. Những tổ chức này sẽ đưa ra chính sách hỗ trợ người dân vay vốn với các điều kiện thuận lợi. Họ sẽ giới thiệu hội viên của mình đến các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vay. Tại nước ta, những tổ chức như thế này chưa phát triển.
Để đề án mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho dân cư vùng nông thôn, vùng xa, vùng ven thật sự đến với NTD, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để có một chiến lược tài chính toàn diện, đảm bảo quản lý rủi ro tín dụng, hiệu quả cho vay là rất cần thiết. Không chỉ trông các NH, công ty tài chính mở rộng thêm các điểm giao dịch mà quan trọng hơn, người dân KV1-KV2 trông mong được nới lỏng điều kiện vay vốn và có thể vay với lãi suất thấp hơn hiện nay.
86% dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang phải vay tín dụng đen. Mức vay từ 50-240 triệu đồng, lãi suất tới 50-60%/năm để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Theo nhóm nghiên cứu tác giả Hoàng Cầm thuộc Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) và Trung tâm Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP).
Thanh Hoa