Tín dụng đen “tấn công” giáo viên mầm non

07/10/2023 - 15:12

PNO - Vấn nạn tín dụng đen "tấn công" giáo viên mầm non khiến doanh nghiệp lao đao được đặt ra tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức chiều 6/10.

“Lãi suất vay “cắt cổ”, lên đến 55%, 100%. Giáo viên của tôi chỉ vay 20 triệu đồng thôi nhưng phải trả đến cả trăm triệu đồng”- bà Đào Thị Như Quỳnh- Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư giáo dục ANGELKIDS bức xúc.

Theo bà Quỳnh, doanh nghiệp của bà là đơn vị có hệ thống trường mầm non với hơn 150 nhân sự. Sau dịch COVID-19 đơn vị gặp vấn nạn là đối tượng tín dụng đen đến tận trường để đòi nợ các cô giáo. Trong 2 năm dịch, các cô gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính nên đã vay tiền tín dụng đen và bị dính vào nhóm nợ xấu này.

Bà Đào Thị Như Quỳnh cho biết giáo viên mầm non đơn vị bà bị tín dụng đen khủng bố, đe doạ
Bà Đào Thị Như Quỳnh cho biết giáo viên mầm non đơn vị bà bị tín dụng đen khủng bố, đe doạ

Khi đơn vị làm hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội cho các cô giáo thì đối tượng đòi nợ chỉ cần tra từ căn cước công dân là biết các cô ở đâu, làm ở công ty nào. Bản thân bà là giám đốc công ty thường xuyên tiếp nhận những cuộc điện thoại đòi nợ từ các đối tượng tín dụng đen. Thậm chí các đối tượng này còn gửi tin nhắn đến từng phụ huynh để đe doạ tinh thần của các cô.

“Để bảo vệ các cô, chúng tôi phải báo ngưng đóng bảo hiểm xã hội thì sẽ được yên lặng một thời gian. Thế nhưng khi báo đóng trở lại thì các cô, nhà trường tiếp tục lại bị đòi nợ. Vấn đề này như vấn nạn, chúng tôi không biết phải giúp đỡ các cô như thế nào. Thậm chí, nếu các đối tượng đòi nợ tín dụng đen mà làm quá thì chúng tôi phải cho các cô ngưng việc. Đây là điều rất đau lòng và không hề mong muốn” - bà Đào Thị Như Quỳnh ngậm ngùi. 

Chủ doanh nghiệp này mong mỏi Công an TPHCM hướng dẫn cho đơn vị trong trường hợp người lao động gặp trường hợp như vậy thì phải hướng dẫn họ xử lý như thế nào. 

Đại diện Công an TPHCM cho biết tới đây sẽ có những biện pháp thông tin rộng rãi hơn nữa về tội phạm công nghệ đến cơ sở giáo dục ngoài công lập
Đại diện Công an TPHCM cho biết tới đây sẽ có những biện pháp thông tin rộng rãi hơn nữa về tội phạm công nghệ đến cơ sở giáo dục ngoài công lập

Về vấn nạn tội phạm tín dụng đen, Thượng tá Vũ Thị Thúy Hà - Phó Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA03, Công an TPHCM) thông tin, tình hình tội phạm trên các lĩnh vực hiện nay tương đối phức tạp, đặc biệt là tình hình tội phạm về tín dụng đen và tội phạm công nghệ. 

Thời gian qua, Công an TPHCM đã rất cố gắng nhưng để có thể giải quyết được vụ việc liên quan đến tội phạm tín dụng công nghệ thì gặp rất nhiều khó khăn. Có những vụ việc vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, nằm ở những vùng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

“Trước hết, đơn vi phải làm công tác giáo dục, tuyên truyền, quán triệt chung cho chính cán bộ giáo viên, nhân viên của đơn vị mình về các loại tội phạm tín dụng đen, tội phạm công nghệ. Với chức năng của Công an TP, thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với các cơ sở giáo dục công lập có biện pháp giáo dục thường xuyên rồi. Tuy nhiên, với khối ngoài công lập thì chưa có các buổi tuyên truyền sâu rộng. Sắp tới, Công an TPHCM sẽ có hướng nghiên cứu, có thể phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, ngành giáo dục có những biện pháp thông tin rộng rãi hơn về thủ đoạn của các loại tội phạm. Với riêng sự vụ trên, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị để nắm cụ thể hơn…”- Thượng tá Vũ Thị Thuý Hà chia sẻ.

Cũng trong hội nghị, nhiều doanh nghiệp giáo dục chia sẻ khó khăn sau dịch COVID-19 đã tác động đến việc tổ chức hoạt động tại đơn vị. Nhiều đơn vị giáo dục mầm non hiện trong tình trạng “số cô đông hơn số trẻ” do nhiều công ty, xí nghiệp trên địa bàn đóng cửa, giải thể hoặc chưa hoạt động trở lại đã khiến cho nhiều người lao động phải về quê, đưa con cái về cùng…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở GD-ĐT mở kênh tiếp nhận, giải đáp thông tin cho các doanh nghiệp giáo dục
Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở GD-ĐT mở kênh tiếp nhận, giải đáp thông tin cho các doanh nghiệp giáo dục

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ, Sở GD-ĐT luôn lắng nghe trao đổi với các doanh nghiệp để tháo gỡ, chứ không phải đến buổi đối thoại mới đặt vấn đề. Sở GD-ĐT sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giáo dục định kỳ 1 lần/năm. Tuy nhiên, thực tế nhiều nhà đầu tư chưa cập nhật kịp các văn bản của ngành, ông đề nghị Phòng Ngoài công lập tập hợp góc văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc định kỳ giao ban trao đổi các văn bản, chủ trương. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu Sở GD-ĐT TPHCM mở kênh tiếp nhận thông tin của các doanh nghiệp giáo dục và có phản hồi từng nội dung dựa trên ý kiến của các sở ngành liên quan, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất và luôn đồng hành với các doanh nghiệp, cùng nâng cao chất lượng giáo dục... 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI