PNO - Cuối năm, chủ các ứng dụng (app) 88 Credit, Artemis Dong ra sức quảng cáo các gói vay trên nền tảng YouTube bằng những thước phim ngắn được đầu tư bài bản, diễn viên chuyên nghiệp.
“Áp lực cuối năm. Tiền nhà, tiền sắm tết, trăm thứ phải lo. Vay nóng thì bị lãi cắt cổ, vay ngân hàng thì thủ tục rườm rà. Làm sao bây giờ?”. Lời thoại kèm gương mặt thất thần của người đàn ông trong đoạn quảng cáo trên YouTube khiến người xem giật mình. Đúng lúc đó, một giọng nói tự tin vang lên: “Đừng lo! Đã có 88 Credit. Vay nhanh từ 1 đến 30 triệu đồng, kỳ hạn linh hoạt từ 91 đến 180 ngày, lãi suất cạnh tranh, chỉ từ 24%/năm”.
Một đoạn video khác trên YouTube thì thuyết minh: “Bạn đang gặp khó khăn về tài chính? Đừng bỏ lỡ video này. Hãy để Artemis Dong đồng hành cùng bạn. Là ứng dụng vay tiền trực tuyến được tin dùng nhất năm 2024, Artemis Dong mang đến giải pháp tài chính an toàn, minh bạch và hiệu quả. Chỉ cần căn cước công dân và số điện thoại, bạn có thể vay từ 30-50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và thời gian trả nợ dài. Chúng tôi cam kết bảo mật thông tin khách hàng một cách nghiêm ngặt”.
Những mẩu quảng cáo kiểu này đang tràn ngập trên YouTube, đánh trúng tâm lý của những người gặp khó khăn về tài chính cuối năm. Theo ghi nhận của chúng tôi, chủ các ứng dụng cho vay tiền không phép đang thay đổi hình thức quảng cáo. Thay vì phát những đoạn phim tài trợ đơn điệu, dễ nhận biết, họ đầu tư quay những thước phim ngắn có kịch bản tốt, chất lượng hình ảnh giống như phim điện ảnh, với sự góp mặt của dàn diễn viên chuyên nghiệp. Đáng chú ý, họ thường phát những video này vào khung giờ vàng buổi tối - thời điểm mà giới công nhân, nhân viên văn phòng lướt mạng xã hội nhiều nhất.
Khi tải một số ứng dụng cho vay tiền, chúng tôi nhận thấy thực tế khác xa với lời quảng cáo. Theo quảng cáo của ứng dụng Artemis Dong, nếu khách vay 8 triệu đồng trong vòng 1 tuần thì tiền gốc và lãi chỉ 8.003.200 đồng, tức số tiền lãi chỉ 3.200 đồng. Nhưng trên thực tế, số tiền gốc và lãi mà khách phải trả là 8.748.000 đồng, phí phạt 8%/ngày.
Các nội dung quảng cáo về tín dụng “đen” đang xuất hiện dày đặc trên YouTube - ẢNH: T.H.
Là người đã vay tiền qua ứng dụng Artemis Dong, anh L.Đ. kể: “Hạn thanh toán là 9/12/2024, tôi dùng ví điện tử để thanh toán vào ngày 8/12/2024 nhưng do liên kết ví bị lỗi, ứng dụng chưa nhận được tiền liền trừ phí phạt 648.000 đồng, còn nhân viên của Artemis Dong liên tục gọi điện đe dọa”.
Trả hoài không hết nợ
Anh N.C.T. (quận 3, TPHCM) vay của ứng dụng Artemis Dong 16,8 triệu đồng, đã trả góp 7-8 lần mà số nợ vẫn ở mức 15,96 triệu đồng. Nghĩa là chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền lãi mà anh phải trả đã gần gấp đôi khoản vay ban đầu.
Bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo trên YouTube rằng lãi suất chỉ vài phần trăm mỗi tháng, chị L.P. (quận 5, TPHCM) đăng ký vay 9,7 triệu đồng từ ứng dụng Mar Vay. Tuy nhiên, với khoản vay được duyệt 9,7 triệu đồng, số tiền thực nhận chỉ 5,7 triệu đồng bởi đã bị trừ hàng loạt chi phí vô lý như phí làm hồ sơ, thẩm định.
Dẫn kết quả một cuộc khảo sát ở TPHCM của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội rằng, trên 60% người lao động thường không có tiền tiết kiệm, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu - cho rằng, khi gặp bệnh tật, sinh con, mất việc, những người này buộc phải vay nợ với lãi suất cao để trang trải. Càng về cuối năm, nhu cầu chi tiêu lớn, lại không tiếp cận được các nguồn vay chính thống, người có thu nhập thấp dễ tìm đến các dịch vụ tín dụng “đen”. Đây là cơ hội để các ứng dụng cho vay không phép hoành hành.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nhằm ngăn ngừa, hạn chế tín dụng “đen”, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỉ đồng với lãi suất từ 15 - 25%/năm, bằng phân nửa so với lãi suất vay tiêu dùng thông thường của các công ty tài chính. Tuy nhiên, số tiền giải ngân gần như đã chạm ngưỡng cho thấy nhu cầu vay vốn của người lao động vẫn rất lớn. Vì vậy, việc nâng hạn mức gói tín dụng này là vô cùng cấp thiết.
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc phát triển Kaspersky Lab Việt Nam (công ty chuyên về giải pháp bảo mật) - cho biết, nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật như quảng cáo tín dụng “đen”, tiền ảo, game cờ bạc, cá độ… đang xuất hiện nhan nhản trên YouTube và Facebook và thường gia tăng vào dịp cuối năm. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp các cơ quan chức năng triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới Facebook, Google, TikTok gỡ, chặn các quảng cáo vi phạm. Nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn tìm cách ứng phó để đăng tải những nội dung vi phạm.
Theo ông, cần tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc rà quét, phát hiện các mẩu quảng cáo, việc áp dụng công nghệ này vào rà quét và phát hiện vi phạm. Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn là nâng cao nhận thức của người dân về tín dụng “đen”. Phải giúp người dân cảnh giác, tỉnh táo trước những lời mời gọi đường mật từ các ứng dụng cho vay trực tuyến. Việc “nói không” với các ứng dụng cho vay không phép giúp người dân tránh bị lãi suất “cắt cổ”, bị đòi nợ ráo riết, bị đe dọa, đồng thời giúp bảo mật thông tin cá nhân bởi cài đặt những ứng dụng này giống như trao chìa khóa cho kẻ xấu xâm nhập vào thiết bị di động, đánh cắp và kiểm soát dữ liệu cá nhân.
Giá heo hơi tại nhiều địa phương trên cả nước đang dao động từ 65.000-70.000 đồng/kg (tùy theo chất lượng, khu vực…), tăng từ 3.000-6.000 đồng/kg so với 3 tuần trước.
Mở đầu năm 2025, Nhà máy Hà Nam của FrieslandCampina Việt Nam vinh dự là một trong 18 doanh nghiệp được trao bằng chứng nhận “Vì Môi trường Xanh Quốc gia”...