Chỉ cần vài cú “click chuột” là tiền vào tài khoản
Thượng tá Phạm Đình Ngọc, Phó trưởng phòng PC02, Công an TP.HCM, thông tin: 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP.HCM có gần 1.000 đối tượng cho vay nặng lãi. 800 số điện thoại chuyên quảng cáo cho vay được các lực lượng chức năng tổ chức câu nhử, bắt và xử lý. Với thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản, tín dụng đen ngày càng bùng phát, hoành hành và phát triển dưới nhiều hình thức, len lỏi khắp các khu dân cư. Chỉ cần alô là có thể vay từ một triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Tín dụng đen ngày càng tinh vi, biến tướng và núp bóng dưới pháp nhân các công ty thương mại, tổ chức tín dụng, ngân hàng... Người vay chỉ cần vài cú “click chuột” là tiền đã chảy vào tài khoản. Tuy nhiên, không ít “con nợ” còn ngây thơ nghĩ rằng sẽ quỵt được tiền vay, vì “chủ nợ” và “con nợ” không ai biết ai. Nhưng trên thực tế, trước khi cho vay các nhóm tín dụng đen đã xác minh thông tin, lai lịch của “con nợ”.
Tín dụng đen đang len lỏi và hoành hành khắc các khu dân cư |
|
Một số hình thức vay nặng lãi còn được thực hiện dưới hình thức hợp đồng giả cách: người cho vay và người đi vay sẽ ký kết với nhau thông qua hợp đồng mua bán, cho thuê xe hoặc điện thoại. Số tiền lãi sẽ được tính bằng tiền cho thuê hằng ngày, hằng tháng. Tất cả hồ sơ, giấy tờ đều được bên cho vay giữ.
Nếu người vay không trả tiền lãi đúng thỏa thuận, các nhóm đòi nợ sẽ tìm đến nhà. Không tìm được người vay, chúng sẽ tìm đến gia đình, cha mẹ, vợ/chồng, anh chị em để khủng bố tinh thần, chiếm đoạt tài sản. Thậm chí chúng còn đăng tải thông tin trên mạng xã hội để xúc phạm danh dự… dẫn đến nhiều hệ lụy và gây mất an ninh trật tự.
“Ai là khách hàng của tín dụng đen?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra tại hội thảo chuyên đề “Nhận diện và giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố” diễn ra ngày 5/11 vừa qua. Các cán bộ mặt trận và đoàn thể đang làm việc tại các quận, huyện cho rằng: “Khó mà biết được ai đi vay tín dụng đen. Chỉ khi thấy bị tạt sơn, bị người đến đe dọa, gây rối thì mới biết”.
Ông Nguyễn Văn Hải, P.3, Q.Gò Vấp, người từng chứng kiến nhiều vụ việc dính dáng đến tín dụng đen và bị đòi nợ theo kiểu “giang hồ” cho biết: “Có trường hợp, người con đi vay lúc nào không biết, đến khi bị nhóm người xăm trổ kéo đến nhà đòi nợ thì gia đình mới tá hỏa. Một số người, trong đó có cả sinh viên, lấy địa chỉ nhà trọ đi vay tiền rồi bỏ trốn. Vài tháng sau xuất hiện một nhóm người vác mã tấu đến đòi nợ. Cũng có trường hợp nửa đêm họ kéo đến nhà ném đá vỡ kính khiến bà con lối xóm nơm nớp lo sợ”.
Thượng tá Phạm Đình Ngọc cho biết thêm, theo kết quả điều tra của Công an TP.HCM, người đi vay tín dụng đen đa số thường không có khả năng hoàn trả, những người có nhu cầu bức thiết trong cuộc sống; các đối tượng tham gia các hoạt động trái pháp luật như cờ bạc, ma túy, các tổ chức buôn lậu… Không ít người đi vay mà không biết cách tính lãi và chưa kịp nhận ra đó là hình thức vay nặng lãi.
Gỡ chị em khỏi thòng lọng “tín dung đen”
Tháng Bảy vừa qua, chị N. cần tiền mua cho con trai một chiếc xe máy để chạy xe ôm. Vì hoàn cảnh khó khăn nên chị phải tìm đến tín dụng đen để vay 20 triệu đồng với lãi suất 4 triệu đồng/ tháng. Nhưng chỉ trả lãi được vài tháng thì mẹ con chị không còn khả năng. Nhận được tin này, Hội LHPN P.3, Q.Gò Vấp đã tìm hiểu rồi tìm cách thỏa thuận với bên cho vay tạm ngưng không tính lãi. Tiếp đó, Hội đã giới thiệu chị N. vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả dứt nợ.
Cũng thế, gặp lúc xui rủi, con bị tai nạn, mẹ già bị bệnh ung thư, chị H. (P.3, Q.Gò Vấp) phải tìm đến tín dụng đen. Tổng các khoản nợ cộng lại chỉ khoảng 15 triệu đồng, nhưng vì lãi suất cao (từ 10-30%/tháng) nên chị H. mất khả năng chi trả. Hay tin, Hội Phụ nữ đã vận động cán bộ đảng viên và hội viên trong chi hội cho chị vay (trả dần không tính lãi) để trả dứt nợ.
Mỗi nơi, mỗi cấp Hội đều có những cách làm hay để giúp đỡ chị em thoát khỏi thòng lọng “tín dụng đen”, vay nặng lãi. Đầu năm 2019, Hội LHPN Q.11 đã phát động phong trào “Thấy là xé” đối với những tờ quảng cáo dán trên tường, cột điện, cây xanh. Đến nay phong trào đã được nhân rộng ra 16 phường với khẩu hiệu “3 không”: không vay tín dung đen/nặng lãi; không cho những người không rõ lai lịch và làm nghề bất minh thuê nhà; không nhận tờ rơi và không cho dán quảng cáo cho vay tiền, vay trả góp lên tường nhà.
|
Các dì, các chị hội viên phụ nữ Q.11 tích cực tham gia phong trào “Thấy là xé” |
Chị Nguyễn Thị Mai Trang, Chủ tịch Hội LHPN Q.11, cho biết: “Hằng tuần các chi hội ở 16 phường đều ra quân cạo xóa, xé các mẩu quảng cáo, rao vặt, nhất là các mẩu quảng cáo cho vay nhanh không thế chấp”.
Theo một cuộc khảo sát của Hội LHPN TP.HCM thực hiện liên quan đến việc chơi hụi và vay tín dụng đen, có trên 45% không biết đến các nguồn vốn vay của Hội. Để giúp chị em không phải tìm đến tín dụng đen, Hội đã triển khai nhiều nguồn vốn vay với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Thủ tục vay cũng ngày càng được tinh giản nhằm giải quyết nhanh chóng.
Hội Nông dân TP.HCM cũng cho biết hiện có nguồn quỹ lên tới 200 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân bên cạnh nguồn vốn nghĩa tình khoảng 6 tỷ đồng dành hỗ trợ nông dân nghèo. Thời gian qua, đã phối hợp cùng Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay trên 820 tỷ đồng.
Để các nguồn vốn vay được hội viên và nhiều người biết đến, các ngành và các đoàn thể cần giới thiệu, hướng dẫn thủ tục vay cũng như kịp thời hỗ trợ đột xuất cho những trường hợp đau ốm, bệnh tật.
Thiên Ân