Quýt làm, cam chịu
Chiều 5/8, nhiều nhà dân tại hẻm 52 đường Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM vẫn loang lổ những vệt sơn đủ màu, mắm tôm và chất bẩn sau trận “oanh tạc” của nhóm đòi nợ. Trước đó vài tuần, cư dân hẻm này luôn sống trong bất an vì bị kẻ lạ tạt chất bẩn vào nhà, trong đó, nhà bà Đ.G.B. bị nặng nhất. Ngoài ra, nhóm này còn đổ keo vào ổ khóa để đe dọa chủ nhà.
Tìm hiểu, bà B. biết được nguyên nhân nhà bà bị “khủng bố” là do con trai bà có vay mượn “tín dụng đen”, không có khả năng chi trả, đã bỏ đi biệt tích. Tìm không ra con nợ, nhóm “tín dụng đen” quay sang tấn công gia đình bà B. để gây sức ép. Thậm chí, chúng còn đe dọa con gái và mấy đứa cháu ngoại, khiến gia đình bà B. hết sức khổ sở.
|
Hình ảnh “tín dụng đen” truy bức một con nợ trong chuyên án ở Q.Tân Phú |
Không chỉ bà B. một số nhà dân trong hẻm 52 Lãnh Binh Thăng cũng bị “tai bay vạ gió” từ khoản nợ của người đã bỏ trốn. Không biết vì nhầm nhà hay cố gây sức ép từ nhiều phía, nhóm người lạ mặt còn ném cả chất bẩn vào nhà hàng xóm của bà B. Không còn cách nào khác, nhiều nhà dân trong hẻm 52 phải treo biển xin kẻ đòi nợ đừng tấn công nhà mình. “Ai nợ thì đòi người nấy, sao lại ném chất bẩn vào nhà chúng tôi” - bà H., một cư dân hẻm này, bức xúc.
Tương tự, nhiều tháng qua anh N.M.S. - ngụ tại hẻm 247 Lạc Long Quân, Q.11 - cũng khốn đốn vì nạn “khủng bố” bằng chất bẩn. Những ngày đầu, anh S. nghĩ bị “tấn công” nhầm địa chỉ nhưng về sau, anh mới biết nhà mình bị tấn công là do khoản nợ của người chị gái. “Chị gái tôi đã bỏ đi nơi khác, tôi đã lập gia đình riêng, chẳng liên quan gì đến nhau, vậy mà chúng vẫn tấn công gia đình tôi” - anh S. bức xúc. Cứ khoảng 1-2 tháng, nhóm người lạ mặt lại đến nhà anh S. ném chất bẩn. Chúng còn đổ keo vào ổ khóa “nhốt” cả gia đình khiến anh S. phải cầu cứu hàng xóm.
Bi hài hơn, vào khoảng tháng 5/2018, gia đình ông V.T. - ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM - vô cớ bị kẻ lạ tấn công bằng chất bẩn dù không nợ nần gì. Nhờ người tìm hiểu, ông T. mới biết, căn nhà của ông đang ở trước kia có liên quan đến người vay “tín dụng đen”. Tưởng ông T. là người thân, nhóm này tạt sơn “khủng bố”. Ông T. phải nhờ người “có quen biết” đàm phán mới thoát nạn.
Phí dịch vụ 20%, lãi suất 60%/tháng
Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TP.HCM - cho biết, việc các băng nhóm tạt sơn, tạt chất bẩn vào nhà dân đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, nhưng hành vi này lâu nay chỉ bị xử phạt hành chính, rất khó khởi tố do vướng quy định pháp luật.
|
Nhiều nhà dân phải treo bảng xin “tín dụng đen” đừng tạt chất bẩn |
Thế nhưng, sau chuyên án số 118C, Công an Q.Tân Phú đã bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây “tín dụng đen”, mở màn cho cuộc truy quét các băng nhóm này và tháo gỡ vướng mắc trong việc xử lý các đối tượng tín dụng đen. Từ những chứng cứ thu thập được, công an đã khởi tố hàng loạt đối tượng. Sau chuyên án trên, Ban giám đốc Công an TP.HCM đã họp rút kinh nghiệm, ra quân truy quét mạnh các băng nhóm này.
Mới đây, bà N.T.B.P. (56 tuổi, ngụ tại Q.11, TP.HCM) đã được cơ quan chức năng giải cứu khỏi vòng xoáy nợ nần. Theo đó, do cần tiền làm ăn, bà P. vay của nhóm Hoàng Quốc Tuấn và đối tượng tên Khánh tổng cộng 1,5 tỷ đồng. Đến giữa năm 2018, bà B. đã trả cho nhóm này 5 tỷ đồng nhưng vẫn còn nợ khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời gian đó, bà P. vay của Nguyễn Huy Long 500 triệu đồng nhưng tính ra, đến nay, bà P. đã phải trả góp cho Long hơn 3 tỷ đồng mà vẫn chưa hết nợ.
Tiếp đó, Long giới thiệu cho bà P. vay của Phạm Văn Khu 500 triệu đồng. Bà P. cũng đã trả Khu gần 3 tỷ đồng nhưng hiện vẫn còn nợ 474 triệu đồng. Khu lại tiếp tục giới thiệu bà P. gặp Lê Chí Thắng và được người này cho vay 200 triệu đồng. Sau đó, bà P. đã trả Thắng gần 1 tỷ đồng nhưng nay vẫn còn nợ Thắng 36 triệu đồng.
Lãi mẹ, lãi con liên tục tăng, bà P. liên tục bị các nhóm giang hồ đến quấy rối, đe dọa nên đã đến công an trình báo. Tiếp nhận vụ việc, Công an Q.Tân Phú đã lập chuyên án triệt phá. Đến nay, công an đã bắt giữ 16 đối tượng có liên quan và nhiều tang vật. Thủ đoạn của nhóm tín dụng đen nói trên là ép người vay phải chịu “phí dịch vụ” 20%, lãi suất 60%/tháng. Khi người vay trả gần hết nợ, nhóm này chuyển qua thu lãi trên ngày. Với cách tính “cắt cổ” như trên, người vay có trả cả đời cũng không hết nợ.
Một cán bộ điều tra cho hay, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định: chỉ cần cho vay với lãi suất 8,4%/tháng và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là cơ quan tố tụng có thể xử lý hình sự người cho vay mà không cần phải chứng minh các dấu hiệu khác. Quy định này đã góp phần tháo gỡ vướng mắc trong việc xử lý “tín dụng đen”. Vị này khuyến cáo, người dân không nên tin vào các tờ rơi cho vay nhanh hay tìm đến các đối tượng “tín dụng đen” để vay tiền.
Chuyên án điểm truy quét “tín dụng đen”
Vào giữa năm 2017, một số người dân đã vào các trang mạng chovaytiennong24h, alovaytien, vaytragop24h, vaytiennongsaigon để vay “nóng”. Khi người dân đến vay, một số “chuyên viên tài chính” đã đến nhà yêu cầu người vay ký giấy mua hộ xe máy.
Người vay phải đưa giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu bản chính và nhận từ 5-50 triệu đồng tiền vay. Sau khi vay, người vay sẽ bị các thanh niên xăm trổ yêu cầu trả lãi từ 15-90%/tháng. Có trường hợp người vay đã trả hết gốc lẫn lãi, vẫn bị các đối tượng trên yêu cầu đưa tiền và dùng vũ lực uy hiếp.
Nhận được trình báo, Công an Q.Tân Phú đã lập chuyên án 118C để điều tra, từ đó khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng cho vay nặng lãi. Đây được xem là chuyên án điểm, mở màn cho cuộc truy quét tội phạm “tín dụng đen” tại TP.HCM.
|
Hoàng Lâm