Tin con gái, cha mẹ mất căn nhà thờ tự

08/11/2022 - 12:34

PNO - Gần 5 năm kể từ ngày người lạ đặt chân lên miếng đất và lấy căn nhà, An vẫn không quên câu nói của bố: “Mai mốt tao chết, tụi bây đừng cho nó đội tang, đừng cho vợ chồng chúng nó về”.

 

Gia đình từng có những tháng năm ấm êm (Ảnh minh họa)
Gia đình từng có những tháng năm ấm êm trước khi lòng tham của cô con gái út và chàng rể nảy sinh (Ảnh minh họa)

Ở các làng quê bây giờ, cơn sốt đất khiến nhiều ao vũng đầm lầy ngày nào trở thành thứ có thể bán được. Không phải là là năm - mười triệu đồng, mà có khi là hàng trăm triệu, là tiền tỉ... Vậy nên, dưới những mái nhà tưởng như êm đềm đang phát sinh những tranh chấp, chiếm đoạt. Câu chuyện nhà An cũng tương tự như thế.

Bố mẹ An xuất thân trong một gia đình trí thức, nền tảng kinh tế khấm khá. Tuy nhiên, vì muốn tự thân lập nghiệp nên ông bà chọn vùng kinh tế mới. Bố mẹ thường kể, hồi đó khu đồng hoang này toàn chim kêu vượn hú, đất nhà đầy thỏ và chim. Những lúc khó khăn, cả gia đình chỉ việc ra sau vườn hái rau, lội đồng bắt cá.

Lúa tự trồng ra quanh năm ăn không hết. Cả gia đình sống bằng nghề nông, anh em An được bố mẹ cho ăn học đàng hoàng. Cuộc sống êm ả cho đến khi bé Út ra đời, kinh tế bỗng dưng sa sút. Bố mẹ An dần bán bớt đất và ruộng, chỉ giữ một phần nhỏ để tương lai cho con, lấy vốn để làm ăn và chăm lo cho con cái ăn học.

An trở thành đứa con niềm tin, hi vọng của gia đình, vì sự thông minh và sáng dạ. An chăm học và biết vâng lời nên hay được bố mẹ động viên ăn học, ít phải động tay động chân mấy việc ruộng vườn. Sau này, An thành công ở Sài Gòn, anh đưa em Út lên cho ăn học, cho đến lúc dựng rạp gả chồng.

Cơn sốt đất những năm sau 2010 biến làng quê trở thành điểm nóng của các khu du lịch. Là vùng đất kế cận, đất nhà An nhanh chóng tăng giá. Nhưng An cũng không mảy may quan tâm về điều đó.

Có lần bố mẹ gọi An bảo thu xếp quay về ngồi lại với gia đình. Dù bố mẹ không nói ra, nhưng An biết, có thể đây là buổi họp để chia của, chia gia tài. Vốn không thích chuyện chia của, An cáo bận để mặc bố mẹ ở quê "muốn sao cũng được".

Sau này, An mới biết, lấy cớ An không tha thiết quê nhà, chẳng để tâm của cải ông bà cha mẹ nên vợ chồng cô em Út đã tìm cách tiếp cận, thường xuyên rủ rỉ, xin xỏ. Ngỡ con gái Út và chàng rể có hiếu, trong lúc thiếu tỉnh táo, bố mẹ An đã đồng ý ký sang tên ngôi nhà thờ tự cho con gái vì tin lời hứa: “Con trai của con đến tuổi đi học, tụi con cần có nơi ăn chốn ở ổn định, sẽ về đây ở để gần bố mẹ, cho cháu gần gũi với ông bà”.

An nhớ hoài những tháng ngày sắp mất đất, mất nhà. Bố mẹ An cãi nhau, vì ông cho rằng đã xuôi theo ý bà nên mới đồng ý ký sang tên bởi mẹ An đã ký tên rồi.

Mẹ thì chỉ biết khóc. Bà giải thích vì nghe và tin con gái sẽ về ở chung, chăm lo cho ông bà khi tuổi già nên bà mới nghe lời trao của, trao nhà. Còn An tức lặng người. Nhưng làm sao có thể thay đổi được khi việc sang tên và sổ đỏ đã hợp thức hóa chủ mới là vợ chồng cô em Út.

An còn nhớ, khi đó qua điện thoại, bố đã nói trong tức tưởi: “Tao hổng đi đâu hết, tao chết ở đây cho vợ chồng nó mang tiếng cả đời”. Lúc này, An đành gác việc về quê chăm sóc và khuyên nhủ ông bà.

Rồi chuyện cần đến cũng đã đến. Vì muốn chiếm đất gia đình và của bố mẹ để bán mua xe hơi, xây nhà trên thành phố, nên vợ chồng cô em Út ngay lập tức bán mảnh đất cho người khác mà không về ở dù chỉ một ngày. Bố mẹ An buồn đến tức tưởi. Hàng xóm láng giềng nhìn nhìn cảnh đó chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: "Thứ con bất hiếu!".

Trước ngày người ta vào đập nhà, lấy đất, dù rất bận rộn do công việc không thể bỏ dở, nhưng An cũng kịp ghi lại những thước phim hình ảnh cuối của căn nhà để lưu lại kỷ niệm.

Bây giờ, bố mẹ An đã có được một nơi ở gần căn nhà cũ. Cỏ đã lên xanh, cây lá cũng tốt tươi và hoa đã nở sau những ngày ông bà cày cuốc gầy dựng căn nhà mới.

Gia đình xưa đã không còn như ngày xưa nữa và mãi mãi, sẽ là những vết thương khó xóa. Nhà không còn đông người, nhưng An nghĩ, nó cũng không quá quan trọng, khi mọi thứ đã bạc màu. Miễn sao bố mẹ còn khỏe mạnh, còn sống đời, an hưởng và vui vẻ những ngày tuổi vàng.

Khi bình tĩnh nghĩ lại, An nhận ra kết cục câu chuyện không phải chỉ ở lỗi của người tham tiền quên mất nghĩa tình, mà còn do An. An đã quá vô tâm và hững hờ với những diễn biến nơi quê nhà.

Biết rằng là con cái thì không nên tham của cải trong gia đình nhất là gia sản của ông bà cha mẹ dành dụm cả đời, tuy nhiên, An cũng không nên tỏ ra thái độ bất cần của nả, dửng dưng với mọi thứ. Không phải cứ bôn ba mưu sinh mang tiền gửi về quê là đã báo hiếu. Quan trọng là phải biết cận kề, để hiểu cha mẹ già đang cần gì. 

Ngoài ra, sự rõ ràng minh bạch trong việc phân chia tài sản, thừa kế cũng rất quan trọng. Con cái có thể không cần phần tài sản của mình khi bố mẹ đề cập đến việc chia của, nhưng có thể nhận để đó nhằm phòng thân hoặc lo xa cho hậu sự bậc sinh thành.

Từ chối nhận của cải dễ khiến bị hiểu lầm là từ chối nhận trách nhiệm và đây có thể là điểm mấu chốt để lòng tham của thành viên khác có cơ hội biểu hiện.

Trường Duy (TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI