Tín chỉ các bon sẽ đem đến nhiều thay đổi

28/03/2024 - 06:34

PNO - Trước mắt, nông dân cần biết rõ các thông tin về thị trường tín chỉ các bon, cách để tham gia và những việc cụ thể mà họ cần làm.

Một số nông dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nhận được tiền bán tín chỉ các bon rừng. Những nông dân trồng lúa, trồng dừa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng mong sớm bán được thứ hàng hóa vô hình này. Nhưng, hầu hết họ thừa nhận mình chưa hiểu về thị trường tín chỉ các bon.

Cộng đồng rừng ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng mây dưới tán rừng tự nhiên - Ảnh: Thuận Hóa
Cộng đồng rừng ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng mây dưới tán rừng tự nhiên - Ảnh: Thuận Hóa

Carbon dioxide (CO2) là khí nhà kính thải ra từ nhiều hoạt động sản xuất và được xem là nguyên nhân chính khiến trái đất nóng lên, kéo theo hàng loạt biến đổi bất thường về khí hậu, thời tiết. Để ngăn chặn đà gia tăng nguồn khí thải này, từ lâu, Liên hiệp quốc đã kêu gọi các nước chung tay giảm phát thải các bon và được đa số nước hưởng ứng.

Để tránh tình trạng các nước hứa suông, một cơ chế giám sát đặc biệt đã được hình thành. Các nước tham gia sẽ cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0, hay còn gọi là trung hòa các bon, là trạng thái mà lượng các bon (được tính theo tấn, 1 tấn tương đương 1 tín chỉ) thải ra bằng với lượng các bon bị loại bỏ khỏi khí quyển. Các quốc gia sẽ trung hòa các bon bằng cách thay đổi công nghệ, phương thức sản xuất, tăng diện tích rừng…

Các nước sẽ không đầu tư xây mới các nhà máy nhiệt điện vốn sử dụng than gây phát thải carbon dioxide mà tập trung phát triển các nhà máy sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường như điện gió, điện mặt trời. Một số nước đã đánh thuế hoặc áp trần lượng khí được phép phát thải tối đa hằng năm, nếu vượt trần thì doanh nghiệp phải tự bỏ tiền mua tín chỉ các bon từ những nơi dư thừa, tức là tham gia thị trường tín chỉ các bon bắt buộc.

Thị trường tín chỉ các bon tự nguyện lại gắn với việc loại bỏ các bon khỏi khí quyển, với hình thức phổ biến là bảo tồn và phát triển rừng. Cây cối là nơi hấp nạp, lưu trữ các bon và trả lại ô xy cho môi trường hữu hiệu nhất. Lượng các bon lưu trữ trong cây cũng được tính bằng tín chỉ và người trồng, giữ hay bảo vệ rừng có thể bán những tín chỉ các bon này cho các bên phát thải các bon vượt trần. Các tổ chức độc lập sẽ đảm nhận việc đánh giá, đo lường các bon; các sàn giao dịch hàng hóa đảm trách việc bán mua, giao dịch tín chỉ các bon giữa các bên.

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc lần thứ 26 (COP26) hồi tháng 12/2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng các bon về mức 0 vào năm 2050. Để hiện thực hóa cam kết này, sàn giao dịch các bon dự kiến sẽ được vận hành thử nghiệm từ năm 2025 và hoạt động chính thức từ năm 2028. Các bước chuẩn bị cho thị trường tín chỉ các bon đã được manh nha.

Chẳng hạn, theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn đồng thời sẽ lên danh mục những doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê lượng khí nhà kính phát thải, doanh nghiệp nào phát thải vượt trần sẽ phải mua lại hạn ngạch từ các tổ chức, cá nhân dư hạn ngạch...

Chưa tổ chức được thị trường các bon trong nước nhưng Việt Nam đã gia nhập nhóm các nước tạo tín chỉ các bon và đã thu được 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ các bon rừng. Điều này tạo sự phấn khởi, hy vọng không chỉ cho những người trồng, bảo vệ rừng mà cho cả những nông dân trồng lúa, trồng cây ăn quả hay cây công nghiệp.

Thế nhưng, ngoài việc có thêm tiền bán tín chỉ các bon, điều mà nông dân quan tâm là để bán được tín chỉ, họ sẽ phải thay đổi phương thức trồng trọt, như hạn chế dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sử dụng nguồn nước tưới tiêu tiết kiệm, hợp lý, xử lý phụ phẩm sau thu hoạch. Họ sẽ trồng khoa học hơn, giảm chi phí đầu vào, nâng chất lượng và độ an toàn của nông sản cũng như môi trường sống.

Nhưng trước mắt, họ cần biết rõ các thông tin về thị trường tín chỉ các bon, cách thức tính toán, cách để tham gia, những thứ họ được hỗ trợ và những việc cụ thể mà họ cần làm.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI