Tin bão “live”

28/09/2022 - 06:20

PNO - Với cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra, các cơ quan chuyên môn sẽ tận dụng triệt để lợi thế của công nghệ để giúp người dân phòng chống bão hiệu quả.

Những ngày qua, không chỉ những vùng ven biển, tại nhiều khu vực ở miền Trung người dân cũng bảo nhau tải các ứng dụng dự báo thời tiết, đặc biệt là ứng dụng (app) Windy để theo dõi diễn biến của bão Noru - cơn bão được dự báo là mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây.

Người dân Quảng Nam gia cố nhà cửa để phòng, chống bão Noru
Người dân Quảng Nam gia cố nhà cửa để phòng, chống bão Noru

Căn cứ theo xếp hạng trên App Store (kho ứng dụng dành riêng cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS như iPhone, iPad, iPod…), chỉ trong vài ngày, ứng dụng Windy đã vươn lên đứng thứ hai trong số các ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Việt Nam, chỉ sau TikTok. Trên hệ điều hành Android, Windy cũng là ứng dụng xem thời tiết được tải về nhiều nhất. 

Theo thống kê của Google Trends, các từ khóa như “windy”, “cách xem dự báo thời tiết trên windy”, “windy noru” được tra cứu nhiều trong hai ngày gần đây. Trong đó, lượng người tìm kiếm nhiều nhất tập trung ở các tỉnh được dự báo có bão đổ bộ, như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên.

Trước khi bão Noru đi vào Biển Đông, thông tin về cơn bão này đã được người dân cập nhật thường xuyên. Trên các trang Facebook kết nối người đồng hương ở miền Trung hay các nhóm trên Zalo của các gia đình quê miền Trung, thông tin về đường đi của bão được cập nhật liên tục.

Ở nhiều tỉnh miền Trung, người dân khẩn trương chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây cối, dọn dẹp đồ đạc để ứng phó với bão. Trong nhiều năm đi thực tế để đưa tin về bão, đây là lần đầu, tôi chứng kiến cảnh người dân chủ động phòng chống bão mà không đợi đến sự nhắc nhở của các cấp chính quyền. Điều đó cho thấy, những thay đổi từ công nghệ và phương thức báo tin về bão đã có những tác động tích cực, giúp người dân chủ động ứng phó thiên tai.

Trước đây, người dân tiếp cận bản tin dự báo thời tiết, thiên tai chủ yếu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông qua các đài, báo chính thống. Do chỉ có một nguồn tin báo bão duy nhất nên khi nguồn tin này thiếu chính xác, công tác phòng chống bão gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, việc dự báo sai hướng của cơn bão Chanchu năm 2006 đã khiến khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng nề. Hay như cơn bão số 9 năm 2009 (bão Ketsana), khi nhà đài dự báo bão vào tỉnh Quảng Ngãi thì bão đã chạy sang Campuchia.

Những năm gần đây, ngoài bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các báo, đài trong nước còn đưa tin dự báo từ các đài Hải quân Mỹ, đài Nhật Bản và Hồng Kông để người dân và cơ quan quản lý có nhiều nguồn dữ liệu tham khảo, lên kế hoạch ứng phó phù hợp.

Từ hai năm trước, các chuyên gia về các hiện tượng thời tiết cực đoan như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy (tài khoản Huy Nguyễn trên Facebook) hay Nguyễn Thị Lan Oanh (Lana Nguyen Ktg HK) đã đăng lên mạng xã hội những dự báo với độ chính xác cao kèm các khuyến cáo dễ hiểu, có tương tác với người dân vùng bị thiên tai. 

Những bản tin này đã nhận được hàng ngàn lượt thích (like), chia sẻ (share), lan tỏa đến nhiều người. Người dân cũng gửi hình ảnh trước, trong và sau bão vào ô bình luận (comment), cung cấp thông tin cho chuyên gia thời tiết. Nói cách khác, các dòng trạng thái (status) và bình luận trở thành nơi cung cấp dữ liệu thời gian thực về cơn bão. 

Bây giờ, nhiều người dân ở các vùng có bão, lũ cũng biết cách tải và dùng các ứng dụng Windy, Storm Radar. Tuy nhiên, các ứng dụng này đều của nước ngoài. Nếu Việt Nam cũng có những ứng dụng tương tự, hiệu quả về phòng chống thiên tai cũng sẽ được cải thiện dần.

Với những ứng dụng theo dõi thời tiết cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh (smartphone) sẽ giúp người người, nhà nhà nắm được tình hình bão ở địa phương mình và vùng lân cận ngay cả khi mất điện. Đây là điều mà các nền tảng thông tin truyền thống không thể làm được. 

Các thông tin dự báo đa chiều và hình ảnh, đoạn phim do người dân quay, chụp và chia sẻ lên mạng xã hội cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin về diễn biến bão, thiệt hại trong và sau bão chân thực nhất, từ đó đưa ra các hành động ứng phó, ứng cứu kịp thời.

Hy vọng rằng, với cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta, các cơ quan chuyên môn cũng như lực lượng phòng chống thiên tai của các địa phương sẽ tận dụng triệt để những lợi thế của công nghệ để giúp người dân phòng chống bão hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Trà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI