Time to Hunt: Một thế giới hậu tận thế tài chính

02/05/2020 - 13:10

PNO - “Time to Hunt”, bộ phim thuộc thể loại kinh dị - tội phạm của điện ảnh Hàn Quốc, đặt trong bối cảnh hậu tận thế tài chính, như một thế giới không hình dung.

Thế giới sẽ ra sao trong thời buổi khi nền tài chính của một quốc gia sụp đổ, như tình cảnh Hàn Quốc trong bộ phim Time to Hunt (tựa Việt: Giờ săn đã điểm)? Đồng won của xứ sở này hoàn toàn mất giá, đến độ người dân chỉ có thể sử dụng đồng USD để giao dịch trong các sinh hoạt thường thức.

Một cảnh trong
Một cảnh trong Time to Hunt

Người dân liên tục biểu tình phản đối Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund/ IMF) trong quang cảnh lúc nào cũng mù mịt lửa khói của hơi hướng phiến loạn, chen lẫn những bức vẽ Graffiti đầy nổi loạn khắp đường phố, những khuôn mặt người trẻ chất chứa ức chế thù hận phản đối xã hội…

Mầm mống của tội phạm ngây thơ và hành trình tuyệt vọng

Jun-Seok, một thanh niên còn măng sữa, luôn mơ mộng tự mãn, cho dẫu vừa mới ra tù sau khi thụ án 3 năm về tội cướp tiệm nữ trang, đã được đồng bọn là hai người bạn thân đến đón tận cổng nhà tù và kéo về cuộc sống đời thường.

Nghĩ rằng 3 năm qua từng cố gắng sống rất đàng hoàng cũng chẳng thay đổi được tình thế, những gã trai lêu lổng quyết định cùng nhau đánh cướp thêm một vụ nữa - phi vụ cuối cùng để thoát khỏi thực tế ảm đạm vây bủa.

Những người trẻ này mong muốn gì khi một lần nữa dấn thân vào con đường tội lỗi ấy? Đơn giản chỉ để mua một căn nhà ở vùng biển Hawaii thuộc Thái Bình Dương, ngày ngày câu cá vui chơi.

Vụ cướp sòng bạc thành công như ý, bất kể cách họ đánh cướp như thể có đám trẻ nít đã tràn vào cửa hàng bánh kẹo, đòi quà.

Nhưng thế giới “người lớn” thì không đơn giản, nhất là khi mấy gã trai mới lớn dám đụng vào một sòng bạc có ăn có chịu với nhiều mối quan hệ VIP mờ ám tại địa phương. Một cuộc truy sát chính thức bắt đầu, mở ra những trường đoạn hành động nghẹt thở và đẫm máu, dù luôn phơi bày những hành xử đấu chiến rất nghiệp dư từ những “chiến binh đường phố” bất đắc dĩ - những gã trai vốn dĩ chỉ là băng nhóm tội phạm ngây thơ - đối mặt với một thế lực bóng tối thuộc hàng “săn mồi” quái đản.

Và tất nhiên, máu me không phải là tất cả những gì mà Giờ săn đã điểm muốn chào mời người xem. Cảm thức về nỗi tuyệt vọng cùng cực mới chính là thứ xúc cảm rõ nét nhất mà nhà làm phim dành cho khán giả khi trở thành "chứng nhân" đồng hành cùng “đám trẻ” buộc phải đối đầu trong thế “bị săn” với kẻ thiện chiến quá sức trên cơ.

Đó là một gã sát thủ với lai lịch bí ẩn, liên quan cảnh sát mật, có sở thích đùa giỡn kiểu mèo vờn chuột trước khi giết thịt với mấy gã trai “trẻ trâu” mỗi lúc cầm đến súng còn run bần bật, dù đã được trang bị đủ đầy các loại vũ khí.

Bị săn đuổi bởi thế lực hắc ám, không còn đất sống dễ dàng giữa đời thường, nơi một thế giới vô pháp loạn tâm, đó phải chăng là tình cảnh ngỡ rằng khó thể hình dung về con người trong kỷ nguyên hậu tận thế? Trong bối cảnh câu chuyện phim này là tận thế tài chính, điều ấy xem chừng đã là cực thực (hiện thực đến cực điểm - NV).

Thất lạc cõi người và đường về

Đạo diễn Yoon Sung-hyun có vẻ như rất biết cách trêu ngươi trong trò chơi thử thách tình yêu điện ảnh với chính người xem phim của mình, về việc khai thác tâm lý nhân vật. Bởi lẽ, mạch phim được kể trong khoảng nửa giờ mở đầu câu chuyện vừa hơi có phần nhẩn nha, cũng ít có cảnh hành động mạnh nhằm tạo căng thẳng, hầu như chỉ là những hội thoại giữa nhóm nhân vật chính với nhau.

Thậm chí, đó còn là những cuộc trao đổi tưởng chừng chỉ xuất hiện trong thể loại phim “học đường tuổi teen” với tâm tình của những đứa trẻ mới lớn, mô tả thói quen cùng tính cách từng nhân vật theo lối tỉa hình bắt bóng khá chi tiết, chậm rãi.

Phương cách khắc họa nhóm nhân vật mang tính cá nhân hóa như thế dường như cũng dễ khiến cho phim mất đi một số lượng khán giả đáng kể, nếu họ chỉ có thói quen dừng lại ở những cách kể chuyện phim hành động với kiểu va đập dồn dập về kịch tính, ngay từ lúc bắt đầu.

Nhưng đời sống luôn cần có những quy luật tối thiểu chi phối. Xuất phát điểm của câu chuyện phim chỉ là nhóm nhân vật không lấy gì hoàn thiện về tính cách, so với quy chuẩn thường thức của một cộng đồng bất kỳ.

Họ luôn yếu đuối, thậm chí sẵn sàng bị sa ngã về phương diện đạo đức khi cần chọn lựa cho mình lối sống vị kỷ với xã hội xung quanh. Điều này có thể vô thức gây nguy cơ là sự góp phần làm tha hóa quan điểm sống của một bộ phận khán giả, một khi tiếp cận bề mặt câu chuyện phim.

Chỉ khi thực sự đồng hành cùng những nhân vật như thế cho đến cuối phim, cuối câu chuyện; cũng là xem như đã từng thấy và biết những khoảnh khắc cuối đường tuyệt vọng của họ, người xem thực sự của bộ phim mới có thể thấu cảm cho nhau hơn, về một thế giới gần như không có ngày mai, nơi nhóm nhân vật phải cùng hiện hữu giữa lằn ranh sống chết ngoài tầm kiểm soát và dự liệu.

Và chỉ khi ấy, những phân cảnh phim với hình ảnh chủ đạo dưới làn lửa đạn xuyên suốt nửa cuối câu chuyện phim mới có thể là lẽ sống được chấp nhận, đồng cảm. Bởi, khi nhân vật buộc phải làm sai, để sống, họ đương nhiên phải trả giá. Vì chuyện gì có bắt đầu thì cũng cần phải có kết thúc, dù đớn đau.

Tận cùng của bi kịch ấy, kể cả khi Jun-Seok đã đến được với thế - giới - mới, một vùng biển đảo, anh cũng khó thể an ổn sống trong căn nhà ven bờ biển như đã từng mơ ước đổi đời. Jun-Seok nhận ra rằng mình phải trở về Hàn Quốc, bất kể quê nhà đã trở thành chốn loạn lạc hỗn mang, vì đó là nơi anh mãi mãi thuộc về.

Có lẽ điểm nhìn này của người làm phim là điều khiến giới phê bình phim quốc tế đánh giá khá cao tác phẩm điện ảnh Time to Hunt, ngay khi được ra mắt khán giả thế giới lần đầu tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 70, trở thành bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hàn Quốc được trình chiếu trong Gala đặc biệt Berlinale, vào đêm 22/2/2020.

Time to Hunt từng có lịch phát hành dự kiến tại các rạp chiếu từ 26/2, tuy nhiên, bộ phim đã bị hoãn chiếu vô thời hạn do đại dịch COVID-19. Sau nhiều thương thuyết, hiện phim đã phát hành trên Netflix kể từ 23/4.

Phước Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI