Tìm việc làm ở tuổi xế chiều

28/02/2024 - 06:06

PNO - Trong một cuộc khảo sát vào tháng 5/2023 của Hàn Quốc, 55,7% số người được hỏi ở độ tuổi 65-79 cho biết họ mong muốn được tiếp tục làm việc.

Vào một buổi sáng trời u ám, tại một cửa hàng tiện lợi ở Ogawa, Nhật Bản, bà Harumi Kashiwa (71 tuổi) chậm rãi dọn dẹp, lau chùi những món hàng trên kệ. Đây là công việc bán thời gian của bà với thu nhập khoảng 100.000 yen/tháng. “Tôi và chồng vẫn đi làm 4-5 ngày/tuần. Thu nhập cũng đủ chi trả tiền thuê nhà, ăn uống” - bà kể.

Số người cao tuổi ở các nước châu Á tìm việc làm đang ngày càng tăng - Nguồn ảnh: Nikkei
Số người cao tuổi ở các nước châu Á tìm việc làm đang ngày càng tăng - Nguồn ảnh: Nikkei

Tại trung tâm việc làm Hello Work ở quận Ikebukuro, nhiều cụ ông, cụ bà đến đây để điền hồ sơ xin việc. “Tôi muốn làm việc cho đến khi 70 tuổi” - một cụ ông 66 tuổi nói.

Dữ liệu của trung tâm việc làm Chính phủ Nhật Bản đầu năm 2024 cho thấy, số người từ 65 tuổi trở lên tìm việc ở nước này đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, tạo ra khó khăn trong việc tìm việc làm phù hợp cho họ, giữa bối cảnh lực lượng lao động đang ngày càng thu hẹp. Bên trong trung tâm việc làm Hello Work có quầy dành riêng cho người cao tuổi. Theo trung tâm này, một số người cần công việc để tăng thêm thu nhập, nhưng nhiều người khác chỉ muốn duy trì hoạt động.

“Tôi đã nghỉ hưu từ tháng 11/2023 và hiện đang tìm kiếm một công việc khác. Tôi sẽ kiệt sức nếu cứ ở nhà suốt và ý nghĩ phải ngừng làm việc hoàn toàn khiến tôi bất an” - một người đàn ông 66 tuổi nói.

Theo trung tâm việc làm Hello Work, mỗi ngày có hơn 100 người tìm việc đến quầy để xin lời khuyên. “Chúng tôi tiếp nhận nhiều người tìm việc ở độ tuổi 70 và 80. Công việc văn thư rất phổ biến ở người cao tuổi, bên cạnh đó là những công việc như quản lý tòa nhà chung cư và dọn dẹp” - đại diện trung tâm này cho biết.

Tỉ lệ người già tìm việc từ 65 tuổi trở lên tại Nhật Bản là 13%, tăng mạnh so với mức 5% của 10 năm trước. Nếu tính cả những người từ 55 tuổi trở lên thì nhóm này chiếm 1/3 tổng số người tìm việc.

Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, vào năm 2022, có 52% những người từ 65-69 tuổi ở Nhật Bản tham gia thị trường lao động. Đây là mức cao nhất trong số 37 quốc gia mà tổ chức này có dữ liệu. Tỉ lệ này ở Mỹ là 33%, Anh là 26% và Đức là 20%. Ở những người từ 70-74 tuổi tại Nhật Bản, tỉ lệ này là 34%, chỉ đứng sau Hàn Quốc (41%).

Lương hưu có thể không đủ sống cho người cao tuổi là một trong các nguyên nhân của tình trạng này. Theo ước tính của Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản vào năm 2019, 1 người chỉ cần khoảng 20 triệu yen (139.000 USD) là đủ cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu nhưng nhiều người cho rằng con số này là không đủ.

Tại Hàn Quốc, tính đến tháng 1/2024, có 24,5% người từ 70 tuổi trở lên vẫn đang làm việc (khoảng 1,55 triệu người). Theo Cơ quan Thông tin thống kê Hàn Quốc (Kosis), người từ 70 tuổi trở lên đang làm việc đã tăng 11,4% so với 1,39 triệu của năm trước. Nhóm này chiếm 5,6% tổng dân số lao động của cả nước vào năm 2024, tăng từ mức 5,1% vào tháng 1/2023.

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 30% lao động từ 70 tuổi trở lên làm việc trong ngành nông, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Các lĩnh vực phổ biến tiếp theo là: công nghiệp dịch vụ với 22,8%; khoảng 42,1% làm công việc đơn giản, không cần chuyên môn, chỉ cần vài giờ đào tạo.

Ở nhiều nước phát triển, khi xã hội đối mặt với tình trạng già hóa dân số, ngày càng có nhiều người lớn tuổi tham gia lực lượng lao động. Trong một cuộc khảo sát vào tháng 5/2023 của Kosis, 55,7% số người được hỏi ở độ tuổi 65-79 cho biết họ mong muốn được tiếp tục làm việc. “Hơn một nửa trong số đó cho biết họ cần tiền để trang trải cuộc sống, trong khi 38% nói họ thích làm việc, miễn là sức khỏe cho phép” - trích báo cáo từ Kosis. 

Thu Thanh (theo Japan Times, Nikkei Asia, Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI