Tìm về nguồn cội

17/04/2016 - 07:50

PNO - Ngày giỗ Tổ là dịp để nhìn lại, để tìm về, để có thêm niềm tin mà sống, mà tiếp tục đối diện với những thách thức của thời hiện đại.

Bất chấp cái nắng, cái nóng như đổ lửa của những ngày tháng Ba âm lịch, tạm quên đi những lo toan của cuộc sống đời thường, con dân nước Việt từ khắp nơi vẫn đang thực hiện những chuyến hành hương về đất Tổ Phú Thọ, để tưởng nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng. Già cũng như trẻ, họ phải leo lên cả ngàn bậc thang bằng đá để lên đến mộ vua Hùng - những bậc thang đã được đúc kết lại thành thành ngữ - mệt thấy mồ tổ. Nhưng đó chính là không gian tâm linh của người Việt - đi để nhớ mình là ai, đi để thấy quê hương, để biết yêu nguồn cội, để từ đó bước tiếp vào tương lai.

Mảnh đất Việt Nam nhỏ bé, trải cả ngàn năm vẫn giữ vững tên mình trên bản đồ thế giới dù biết bao lần chịu cảnh ngoại xâm. Người Việt Nam hiền hòa vẫn kiên cường giữ gìn từng tấc đất, tấc biển. Người ta hẵn không nói quá về máu thịt của cha ông trong từng mảnh vườn, con sông để lại, trong miếng cơm manh áo mỗi ngày. Trong cuộc mưu sinh, mỗi bước ta đi đều thấp thoáng bóng tiền nhân trong đó, mỗi việc ta làm đều là sự đúc kết của truyền thống ngàn xưa.

Những ngày này, cả nước như đang sống trong chảo lửa. Nông dân miền Tây Nam bộ kiệt sức chống chọi với ruộng đồng khô hạn, nước mặn lấn sông. Miền Bắc nắng cháy da. Miền Trung oằn mình bỏng rát. Ngay giữa lòng TP.HCM, chẳng cần phải đợi đến trưa, những cơn gió nóng táp vào mặt, thốc vào sau gáy cũng đủ khiến cư dân muốn nổ tung vì bức bối. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả.

Tim ve nguon coi
Ảnh: TTXVN

Những căn bệnh mùa nóng có thể chữa được. Nhưng cái nóng từ những món nợ công lên đến 29 triệu đồng trên mỗi đầu người Việt thì e khó mà tránh nổi. Cái nóng hiện diện trên bàn ăn gia đình trước nguy cơ bị đầu độc vì thực phẩm bẩn; nóng trong nỗi lo cơm áo, nóng vì sự xuống cấp, băng hoại của tình người thì giải nhiệt bằng gì đây?

Cái nóng rầm rập lan vào từ biển, khi chính quyền Trung Quốc quân sự hóa các đảo chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, tiếp tục xua đuổi dân ta khỏi biển quê mình thì giờ đây hai tiếng Tổ quốc đã trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết - trên cả cuộc mưu sinh, trên cả tiết trời khó chịu.

Ngày giỗ Tổ là dịp để nhìn lại, để tìm về, để có thêm niềm tin mà sống, mà tiếp tục đối diện với những thách thức của thời hiện đại. Về để nhớ, chúng ta cùng một tổ, cùng một giống nòi, để học lại những bài học yêu thương để đối đãi với nhau bằng những chan hòa. Về để nhớ trong mỗi tế bào của mình, nguồn sức mạnh thiêng liêng vẫn đang cuồn cuộn, không thể bị quật ngã, không thể bị vùi lấp.

Một cái nhìn, một điều nhắc nhớ, một suy nghĩ không làm biến mất những gian nan, thử thách. Chưa kể những nỗi lo mang tính toàn cầu theo hiệu ứng cánh bướm đang lan nhanh đến Việt Nam. Nhưng với tri thức, sự nhân bản và trách nhiệm, chúng ta sẽ xử lý những vấn đề của mình và bắt tay cùng thế giới để dựng nên một xã hội tốt đẹp hơn như trong ca khúc Heal the World của Michael Jackson - “Think about the generations, and say we wanna make it a better place for our children and our children’s children, so that they know it’s a better world for them”.

Những ước mơ, những tâm niệm quá đẹp đẽ! Chúng ta không chỉ sống cho hôm nay mà cho cả mai sau, cho con của cháu chúng ta như cách ông cha ta đã từng nghĩ về con cháu. Chúng ta sẽ cùng nhau hát về Tổ quốc - Tổ quốc tươi đẹp hơn vào ngày mai. Mà, ngày mai ấy chẳng xa đâu, bởi nó đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI