Tìm ký ức qua những vở diễn
Chương trình đã lên sóng kỳ đầu tiên vào 31/10 với cuộc trò chuyện của NSND Kim Cương về vở kịch Lá sầu riêng. Được phát sóng từ 10g-11g30 và 15g-16g30 thứ Bảy hàng tuần trên HTVC Thuần Việt. Trong đó, phần trò chuyện của nghệ sĩ chiếm khoảng 30 phút, còn lại là nội dung vở diễn.
Trong 13 số còn lại, khán giả sẽ được gặp gỡ NSND Bạch Tuyết với hai vở diễn kinh điển: Đoạn tuyệt, Thái hậu Dương Vân Nga. NSND Kim Cương sẽ tái ngộ khán giả với vở kịch Vực thẳm chiều cao.
Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh sẽ được chiếu lại cùng cuộc giao lưu với nghệ sĩ Kim Hương (vai nàng Tía). NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Kim Huệ lần lượt đến với khán giả với những câu chuyện trong Ngao Sò Ốc Hến và Sân khấu về khuya. NSND Kim Xuân xuất hiện với vở kịch Ngôi nhà không có đàn ông.
|
NSND Kim Cương trong vở Lá sầu riêng (trái). NSND Bạch Tuyết trong vở Đoạn tuyệt (ảnh trên bên phải) và NSND Kim Xuân trong vở Ngôi nhà không có đàn ông |
Những vở diễn chọn giới thiệu không chỉ là những tác phẩm được công chúng yêu thích mà còn có nhiều câu chuyện ý nghĩa khác.
Chẳng hạn, khán giả có thể xem lại Đoạn tuyệt với sự kết hợp thú vị giữa NSND Bạch Tuyết và người thầy mà bà vô cùng kính trọng - cố NSND Phùng Há, đồng thời nhìn lại những sự thay đổi của NSND Bạch Tuyết trong ca diễn, dàn dựng sau thời gian du học tại Bulgaria. Trong khi đó, NSND Kim Cương trong vở Lá sầu riêng được xem là dấu son của sân khấu kịch miền Nam, cán mốc hơn 1.000 suất diễn, con số không nhiều vở diễn sau này đạt đến.
“Chúng tôi vẫn tiếc vì có nhiều vở kinh điển khác nhưng không tìm được tư liệu do không được ghi hình lại, hoặc nghệ sĩ đã qua đời hết. Nhưng chúng tôi đang cố gắng hết sức để có được nhiều tác phẩm nhất. Chương trình mong muốn ghi lại một thời vàng son của nghệ thuật sân khấu để thế hệ sau tự hào và có thêm nỗ lực để giữ lửa, làm nghề”, BTV Cẩm Linh chia sẻ.
|
NSND Bạch Tuyết hát lại một đoạn trong Thái hậu Dương Vân Nga trong chương trình |
Những kỷ niệm sống lại
30 phút ngắn ngủi nhưng cả một thời thanh xuân huy hoàng, rực rỡ của các nghệ sĩ được sống lại. Vở diễn Đoạn tuyệt được NSND Bạch Tuyết dàn dựng vào năm 1988, khi nhắc lại, bà vẫn hồ hởi như thuở nào.
Với NSND Bạch Tuyết, đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là tác phẩm của lòng biết ơn. Ngần ấy năm nhưng cảm giác hạnh phúc khi được đóng cùng NSND Phùng Há vẫn còn vẹn nguyên trong NSND Bạch Tuyết. Bà bảo đó là những khoảnh khắc thăng hoa nhất, hạnh phúc nhất trong chặng đường làm nghề.
|
NSND Phùng Há và NSND Bạch Tuyết từng kết hợp trong vở Đoạn tuyệt |
Một trong những ký ức khác được NSND Bạch Tuyết nhắc nhớ là vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga trong vở diễn cùng tên (tác giả Hoa Phượng, Chi Lăng, Thể Hà Vân phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường) do đạo diễn Chi Lăng dàn dựng trên sân khấu đoàn cải lương Trần Hữu Trang.
"Tôi được sự ủng hộ, giúp sức của rất nhiều cô chú, anh chị để có thể tập luyện cho vai diễn này. Khán phòng đông nghẹt khán giả, dàn nhạc có khi hơn 20 nhạc công khiến sân khấu như một thánh đường. Thời điểm đó, muốn xem Thái hậu Dương Vân Nga, khán giả phải đặt chỗ trước 1 tháng. Không còn niềm hạnh phúc, tự hào nào hơn”, NSND Bạch Tuyết nhớ lại.
|
NSND Bạch Tuyết trong vai Thái hậu Dương Vân Nga |
Ký ức của bà vẫn còn in đậm chuyến lưu diễn phục vụ bộ đội ở miền Bắc hay biểu diễn cho các đại sứ quán. “Tôi đứng hát trên sân khấu không chỉ với niềm hân hoan của một nghệ sĩ, mà còn là niềm vui chiến thắng, tự hào của dân tộc. Cũng từ vở diễn này, tôi ngộ ra một chân lý, trong cuộc chiến có tướng điều khiển và binh lính, nhưng trong chiến công chung thì sự hy sinh của họ là to lớn ngang nhau. Vì thế, ở đời, chúng ta cũng đừng quá sợ trước người quá lớn, và cũng đừng xem nhẹ người nhỏ”, NSND Bạch Tuyết tâm sự.
Nghệ sĩ Kim Hương nhớ lại phải đi xin vai trong Tiếng trống Mê Linh vì còn là gương mặt trẻ. Trong vở diễn có phân cảnh nhân vật nàng Tía gánh nước, bà phải gánh nước thật trên sân khấu, vừa diễn, vừa hát trong 1 tuần. Đến khi diễn đạt, đạo diễn thấy động tác giống như thật mới cho đổ nước trong thùng ra. Điều này khiến nữ nghệ sĩ ấn tượng mãi và luôn nhắc nhớ bản thân phải chỉn chu, nghiêm túc trong nghề.
|
Nghệ sĩ Kim Hương (phải) đóng vai nàng Tía trong Tiếng trống Mê Linh |
Ngao Sò Ốc Hến khiến khán giả thích thú với những màn tung hứng hài hước nhưng ít ai biết rằng có lần NSƯT Thanh Điền (huyện Trìa) và NSND Giang Châu (Trùm Sò) diễn hài nhưng không ai cười. Sau đêm diễn, ai cũng mang một nỗi buồn sâu thẳm vì một đêm diễn chưa trọn vẹn với khán giả.
“Tôi nói với Giang Châu: 'Tối nay anh quậy đó nghen!'. Giang Châu nghe thấy vậy cũng nói: 'Anh quậy, em cũng quậy theo anh à'. Và kết quả, lối ca với cách nhả chữ không giống ai của Giang Châu trong vở Ngao Sò Ốc Hến ra đời và trở thành vai diễn độc đáo đến bây giờ không ai thay thế được”, NSƯT Thanh Điền chia sẻ. Khi nhắc đến người đồng nghiệp quá cố, ông im lặng, rơi nước mắt.
|
NSƯT Thanh Điền trong vở Ngao Sò Ốc Hến |
Trong dòng hồi ức, NSƯT Thanh Kim Huệ nhớ về vai diễn trong vở Sân khấu về khuya: “Đó là lần đầu tiên tôi đóng vai một người phụ nữ giàu sang, có phần đỏng đảnh nhưng không bị khán giả ghét, trái lại, họ còn cảm thông và thương rất nhiều. Có lẽ, khán giả hiểu cho tình cảm của nhân vật này, cũng chỉ vì một tình yêu quá lớn”, nữ nghệ sĩ nói.
Nhắc đến đây, bà lại nhớ đến cố NSƯT Thanh Sang, đảm nhận vai kép chính trong vở này. Sự khó tính, nghiêm túc và chỉn chu trong từng chi tiết của đàn anh khiến NSƯT Thanh Kim Huệ không thể nào quên. Và đó luôn là kim chỉ nam của bà trong sự nghiệp.
Điều thú vị nhất ở Chuyện về những vở diễn một thời là NSX chỉ tập trung khai thác những chuyện về nghề, về các vở diễn mà tránh những câu chuyện về đời tư nghệ sĩ.
Mỗi tập phát sóng như một chuyến tàu với hành trình ngược về quá khứ để người nghệ sĩ nổi tiếng một thời được trở lại với những hồi ức tuyệt đẹp của thời tuổi trẻ; để hậu bối được "nhìn" lại thời huy hoàng của sân khấu mà họ chỉ được nghe qua lời kể và cũng để công chúng hiểu hơn về những tác phẩm sân khấu kinh điển từng khiến trái tim người mộ điệu thổn thức.
Trung Sơn