Tìm về góc bếp “thời ông bà ta”

17/11/2024 - 08:22

PNO - Gần đây, mặt hàng gia dụng nhà bếp bắt đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu hướng hoài cổ. Những món đồ dùng gia đình thân thuộc với nhiều thế hệ chứa đựng sức hút vượt thời gian. Song song đó, vẻ đẹp truyền thống của căn bếp phương Đông đang được khéo léo hiện đại hóa bởi không ít thương hiệu và nhà thiết kế tài năng.

Chai Chi Pang muốn gắn bó dài lâu với “cửa hiệu tạp hóa cũ” của anh  ở Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) - Nguồn ảnh: Financial Times
Chai Chi Pang muốn gắn bó dài lâu với “cửa hiệu tạp hóa cũ” của anh ở Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) - Nguồn ảnh: Financial Times

Ở Hồng Kông (Trung Quốc), hàng dãy thương xá đồ sộ, rực ánh đèn mỗi đêm đã trở thành biểu tượng. Xen kẽ là các cơ sở kinh doanh nhỏ, độc đáo chiếm lĩnh phố xá chật hẹp.

Dẫu quy tụ đủ loại nhãn hiệu hàng tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, mới lạ hàng đầu trên thế giới, nơi đây vẫn có một số điểm đến đậm chất cổ điển. “Tôi thích nhìn ngắm từng chi tiết thiết kế đã làm nên sự vô giá ở đồ gia dụng xưa cũ” - Chau Chi Pang - người sáng lập Hắc Địa (một cửa hàng kết hợp giữa kinh doanh và sáng tạo nghệ thuật) - chia sẻ. Quanh quầy hàng nơi anh đứng đón khách treo chổi cỏ quét nhà, rổ rá, xửng hấp bánh bằng tre. Mấy cái bàn lớn kề bên bày chén dĩa, đũa sứ. Tuy trông giản dị, tất cả vật dụng ấy dễ dàng nhắc nhớ chúng ta về một gian bếp Á Đông ấm cúng trong quá khứ.

Hoài niệm và tự hào văn hóa

“Những món đồ tôi bán đã được dùng bởi bao thế hệ đi trước. Nhưng ngày nay, không phải ai cũng trân trọng nét mộc mạc ở chúng” - Chau nói.

Vị doanh nhân trẻ từng là nhà thiết kế đồ họa. Năm 2016, cảm thấy cạn kiệt cảm hứng với công việc này, anh muốn tìm ngã rẽ khác. Lúc đó, anh chợt nảy ý tưởng mở một điểm kinh doanh đồ dùng thiết thực hằng ngày.

Sản phẩm gia dụng và phụ kiện nhà bếp Chau bày bán có điểm chung là bền, rẻ, kiểu dáng cổ điển, mộc mạc, giản dị. Phần lớn chúng đến từ các doanh nghiệp gốc Á còn đang hoạt động nhưng gần như đã bị lãng quên trên thị trường hàng gia dụng phát triển sôi động.

Tách trà bằng sứ, muỗng và nhiều phụ kiện  nhà bếp với thiết kế cổ điển được bày bán  tại Hắc Địa - Nguồn ảnh: Financial Times
Tách trà bằng sứ, muỗng và nhiều phụ kiện nhà bếp với thiết kế cổ điển được bày bán tại Hắc Địa - Nguồn ảnh: Financial Times

Không gian bên trong Hắc Địa gợi liên tưởng đến một tiệm tạp hóa cũ mà bạn có thể tình cờ trông thấy nơi phố cổ của nhiều quốc gia Á Đông. Cửa hàng nhỏ tọa lạc tại một tòa nhà xây dựng từ thập niên 1960 thuộc phố Thượng Hải (quận Du Tiêm Vượng, nam Cửu Long). Qua lớp cửa kính, dãy ấm trà bằng đồng xếp ngay ngắn, đồ dùng trên bàn ăn bằng chất liệu gỗ, tre, sành, sứ mang vẻ đẹp hoài cổ hấp dẫn cả du khách lẫn người dân địa phương.

Chau nhắc tới vài mặt hàng gia dụng bếp xuất xứ từ Hương Cảng hãy còn “bám trụ” đến nay như: cốc nước đủ màu sặc sỡ của nhà sản xuất đồ nhựa Star Industrial, bình giữ nhiệt của hãng Camel (thành lập cách đây hơn 80 năm) và hàng loạt cái tên lâu năm khác. “Vì sở thích riêng, tôi cũng bán thử nghiệm một số sản phẩm hiện đại hơn như phụ kiện bếp để cắm trại ngoài trời và dụng cụ pha cà phê kiểu dáng khá tân tiến. Điều thú vị là nhiều người trẻ tới mua dụng cụ cắm trại cuối cùng lại ra về với một bộ đồ ăn truyền thống…” - anh kể.

Mặt hàng hút khách thuộc dòng sản phẩm Truyền thống của Our Place là một mẫu chảo chuyên dùng để chế biến cơm cháy theo  phong cách Ba Tư, có thể mua kèm nắp đậy kiêm đĩa lật bằng gốm - Nguồn ảnh: Our Place
Mặt hàng hút khách thuộc dòng sản phẩm Truyền thống của Our Place là một mẫu chảo chuyên dùng để chế biến cơm cháy theo phong cách Ba Tư, có thể mua kèm nắp đậy kiêm đĩa lật bằng gốm - Nguồn ảnh: Our Place

Sức hút đa thế hệ Chau đề cập chính là giá trị phản ánh chiều sâu của trào lưu hoài cổ trong ngành sản xuất hàng gia dụng. Ở thị trường Bắc Mỹ, Our Place được xem như một minh chứng sống động. Công ty đặt trụ sở tại bang California (Mỹ), mong muốn truyền tải những câu chuyện văn hóa thú vị đến thế hệ người tiêu dùng trẻ thông qua dụng cụ nấu nướng đậm nét cổ truyền.

Bộ sưu tập đồ gia dụng bếp với tên gọi Truyền thống ra mắt năm 2019 của Our Place tới nay vẫn được ưa thích nhờ thông điệp “trân trọng nguồn cội”. Nổi bật trong đó là một mẫu chảo đặc chế cho tahdig - loại cơm cháy đặc sản thường được người Ba Tư dùng để đãi khách. Chảo đi kèm nắp đậy bằng gốm, tạo hình vừa trang nhã vừa tiện dụng, giúp lật món cơm nhanh gọn hơn khi nấu.

Nữ doanh nhân kiêm nhà hoạt động xã hội người Pakistan - Shiza Shahid - Giám đốc sáng lập Our Place - nói về dòng sản phẩm bán chạy này: “Nền ẩm thực quê hương Nam Á của tôi hiếm khi được tạo cơ hội vươn mình ra thế giới. Amir - đồng sáng lập Our Place cũng là chồng tôi, một người Mỹ gốc Ba Tư - có chung nỗi băn khoăn về việc làm thế nào để quảng bá văn hóa ẩm thực phương Đông đến người tiêu dùng quốc tế”.

Phụ kiện cho bàn ăn Plycelain là một phiên bản mới mẻ hơn của đồ gia dụng gốm sứ truyền thống - Nguồn ảnh: DesignWanted
Phụ kiện cho bàn ăn Plycelain là một phiên bản mới mẻ hơn của đồ gia dụng gốm sứ truyền thống - Nguồn ảnh: DesignWanted

Vợ chồng Shahid kỳ vọng thương hiệu họ chung tay xây dựng có thể góp phần tôn vinh ẩm thực châu Á thông qua việc khuyến khích khách hàng, nhất là người trẻ xa xứ, hồi sinh nhiều món ngon truyền thống của đất nước họ. “Một số khách quen tiết lộ với tôi họ dùng chảo chiên tahdig để chế biến phiên bản cơm cháy thơm ngon không kém kiểu Hàn, cơm chiên rau củ kiểu Tây Á và nhiều hơn thế nữa. Đây chính là sự kết nối văn hóa tôi luôn muốn tạo ra ở đồ gia dụng nhà bếp” - Shahid cho biết.

Biến tấu với nghệ thuật truyền thống

“Bạn có thể tìm thấy đường kẻ sọc hoặc hình vẽ trang trí màu trắng đan xen xanh lam trên hầu hết sản phẩm gia dụng truyền thống bằng gốm sứ. Trong lịch sử đồ gốm Trung Hoa, có thể nói 2 sắc màu này được sử dụng lâu đời hơn cả. Giữa thời đại hiện nay khi hầu hết đồ sứ đã được công nghiệp hóa về tiến trình sản xuất, tôi muốn thử làm mới hình ảnh đã rất phổ biến của chúng” - Chang Yuting - nhà thiết kế gốc Đài Loan (Trung Quốc) chuyên ngành gia dụng và nội thất - chia sẻ.

Bộ sưu tập Plycelain của Chang được tô điểm họa tiết sọc 2 màu cả phía trong, đem lại ấn tượng bất quy tắc lạ mà quen. Chang - cũng là một nghệ nhân gốm thủ công lành nghề - áp dụng thủ pháp đúc trượt (tạo hình gốm sứ từ đất sét hóa lỏng trong khuôn thạch cao) để thể hiện hiệu ứng xếp tầng phá cách.

Bộ sưu tập ly, tách, bình hoa phong cách trang nhã của Tickle Quo làm hoàn toàn thủ công  từ thủy tinh thổi - Nguồn ảnh: DesignWanted
Bộ sưu tập ly, tách, bình hoa phong cách trang nhã của Tickle Quo làm hoàn toàn thủ công từ thủy tinh thổi - Nguồn ảnh: DesignWanted

Tickle Quo - một thương hiệu đồ gia dụng theo phong cách tối giản từ Trung Quốc có nỗ lực biến tấu giàu tính thẩm mỹ không kém với chất liệu thủy tinh. Slowly Rising - dòng phụ kiện nhà bếp và bàn ăn hãng vừa ra mắt - chịu ảnh hưởng bởi triết lý wabi-sabi (hướng tới lối sống mộc mạc, tự nhiên) nổi tiếng trong văn hóa Nhật Bản.

Điểm nhấn nơi Slowly Rising nằm ở kết cấu mặt ngoài hơi thô ráp, lốm đốm, gợi lên xúc cảm “như đang chạm tay vào mặt đất mềm xốp” - đội ngũ thiết kế của Tickle Quo mô tả. Phối với chi tiết phụ (tay cầm, đế ly…) bằng kim loại cùng sắc xanh ngọc bích nền nã, bộ sản phẩm mang vẻ đẹp cổ điển xen lẫn hiện đại.

Dù là thiết kế thuần thủ công hay sản xuất hàng loạt, đồ gia dụng hoài cổ tiềm tàng sức sống rất riêng. “Có lẽ vì bản thân chúng ta luôn vô tình hoặc hữu ý ký thác ý nghĩa nào đó vào từng món đồ dùng thân quen trong đời sống” - ông chủ Chau của Hắc Địa lý giải.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI