Tìm về cội nguồn lịch sử để thêm yêu Tổ quốc mình

29/06/2024 - 06:16

PNO - Những cảm xúc nghẹn ngào biết ơn xen lẫn tự hào khi hơn 100 đại biểu được đặt chân đến các địa danh lịch sử gắn với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, như đồi A1, hầm Đờ Cát, nhà tù Sơn La... trong hành trình về nguồn “Tự hào Tổ quốc tôi” do Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM tổ chức từ ngày 23 đến 26/6.

Máu cha anh thấm đẫm từng tấc đất

Đồi A1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đón chúng tôi bằng những dấu tích lịch sử vẫn vẹn nguyên sau 70 năm chiến thắng “chấn động địa cầu”. Đi theo con đường dẫn lên đỉnh đồi, 2 bên là những hàng dây thép gai, hầm hào công sự, lô cốt, đoàn dừng chân trước xác chiếc xe tăng của Pháp đã bị bộ đội ta bắn cháy.

Bên cạnh chiếc xe tăng ấy là ngôi mộ tập thể của 4 chiến sĩ đã hy sinh trên A1, không biết tên, tuổi, chỉ biết các anh thuộc 2 trung đoàn đã chiến đấu tại đây trong 39 ngày đêm ác liệt.

Cách đó vài chục mét, một hố hình phễu to bằng cái ao cạn là dấu tích trận nổ khối bộc phá ngàn cân của bộ đội ta. Tháng 5/1954, để đánh sập hầm trú ẩn của Pháp trên đỉnh A1, quân ta đã đào đường hầm dài 47m để đặt khối bộc phá. Suốt 15 ngày đêm đào đường hầm ấy, gần 300 chiến sĩ đã hy sinh.

Các đại biểu lặng người khi nghe hướng dẫn viên đọc bức thư của chiến sĩ Trần Quý viết gửi mẹ trước khi chính thức cho nổ khối bộc phá:

“Mẹ ơi, con biết mẹ không buồn sao được. Cha con đã hy sinh gần 7 năm rồi, mẹ vẫn đành sống trong những năm tháng đau thương, buồn tủi. Con biết mong ước lớn nhất của mẹ bây giờ chính là ngày con trở về. Ngày con trở về có thể là ngày thành đô đỏ rực cờ hoa, nhưng trong trận chiến đấu quyết liệt lần này, nếu con có hy sinh, con mong mẹ hiểu cho con, đó là tình yêu quê hương Tổ quốc, đó là điều con đã làm đúng, mẹ à”.

Đúng 20g30 ngày 6/5, khối bộc phá phát nổ, làm rung chuyển cứ điểm kiên cố của địch trên đồi A1. Bộ đội ta đã nhanh chóng tiến lên giải phóng cứ điểm này và sau đó bắt sống tướng Đờ Cát, giành thắng lợi hoàn toàn chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954 lịch sử. Chiến thắng vĩ đại ấy được đánh đổi bằng sự hy sinh của 2.500 chiến sĩ trên cứ điểm A1.

Hiện nay, trên cứ điểm này cũng như trên mảnh đất Điện Biên Phủ, còn vô vàn hài cốt liệt sĩ nằm lại trong lòng đất, chưa thể tìm thấy để quy tập về các nghĩa trang.

Nhiều đại biểu rơm rớm nước mắt khi nghe chị Ngô Lai - hướng dẫn viên thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên - đọc bài thơ của tác giả Văn Hiền:

Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Anh có tên như bao khuôn mặt khác

Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc

Tên làng, tên đất theo anh

Bình yên sau cuộc chiến tranh

Anh trở về không tên, không tuổi

Trắng hàng bia những ngôi sao không nói

Rưng rưng cỏ mọc dưới chân...

Cách đồi A1 vài trăm mét, nghĩa trang liệt sĩ A1 là nơi an nghỉ của 645 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây, mới chỉ có 53 phần mộ đã có thông tin, còn lại đều chưa xác định danh tính. Các đại biểu tay cầm những bó nhang nghi ngút khói, kính cẩn nghiêng mình trước từng ngôi mộ và thắp cho các anh nén nhang lòng.

Đứng lặng thật lâu trước ngôi mộ vô danh, chị Nguyễn Thị Hoài Phượng - Bí thư Đoàn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - rưng rưng:

“Nghĩ về những anh hùng liệt sĩ cả khi sống và hy sinh cũng chưa từng có gì cho riêng mình, mà cống hiến trọn vẹn cho độc lập dân tộc, tôi bỗng thấy những khó khăn trong công việc, cuộc sống của tôi thật bé mọn. Từ những chuyến về nguồn thế này, thế hệ trẻ chúng tôi như được tận mắt chứng kiến lịch sử hào hùng của dân tộc, để thấy bản thân phải cố gắng hơn nữa”.

Các đại biểu tham quan đồi A1 - nơi diễn ra trận chiến ác liệt nhất trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
Các đại biểu tham quan đồi A1 - nơi diễn ra trận chiến ác liệt nhất trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Thấm thía và trân trọng lịch sử

Đoàn tiếp tục đến đồi Khau Cả (TP Sơn La, tỉnh Sơn La). Bước qua chiếc cổng vòm bằng gạch đá đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi vào di tích nhà tù Sơn La. Nơi đây, cây đào Tô Hiệu vẫn vươn lên xanh tốt, mãnh liệt bên tường xà lim năm xưa, bất chấp 2 đợt ném bom của Pháp và Mỹ vào năm 1952 và 1965. Cây đào ấy cứ mỗi mùa xuân lại nở hoa rực rỡ, trở thành biểu tượng cho ý chí của người cộng sản trung kiên.

Bước vào bên trong, đập vào mắt chúng tôi là những phòng giam chật hẹp đã đổ nát vì bom đạn nhưng vẫn còn nguyên giá trị minh chứng cho tội ác dã man của quân thù.

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây, gồm 49 phòng giam to nhỏ khác nhau, trong đó có những phòng giam đặc biệt, được gọi là “xà lim nổi trên mặt đất” chỉ dài khoảng 1,6m, rộng và cao hơn 1m, giữa các phòng là 1 thùng đựng chất thải không nắp đậy để tù nhân phải sống trong cảnh chật chội, hôi thối. Trong mỗi phòng, có lúc chúng giam đến 4 người, tù nhân chỉ có thể đứng khom, ngồi bó gối hoặc thay nhau nằm co.

Chị Hà Thị Hằng - hướng dẫn viên Di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La - kể: “Tại đây, thực dân Pháp không dùng biện pháp tra tấn như ở nhà tù Côn Đảo hay Hỏa Lò mà chúng dùng bệnh tật để làm hao mòn tù nhân. Bấy giờ, Sơn La nổi tiếng là chốn rừng thiêng nước độc.

Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, môi trường độc địa, sức khỏe tù nhân giảm sút nhanh chóng, bị sốt rét ác tính, thương hàn, kiết lị, ghẻ lở giày vò. Những năm 1930-1936, có hàng trăm chiến sĩ cộng sản và người yêu nước bị giết hại, chết do bệnh tật, bị gửi xác ở nghĩa địa Gốc Ổi. Nhà tù Sơn La lúc đó được ví như chiếc quan tài mở nắp, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”.

Chỉ tay vào một xà lim hình tam giác chật chội, hướng dẫn viên cho hay, đó là nơi đã giam cầm liệt sĩ Tô Hiệu. Vượt lên sự khắc nghiệt và bệnh tật chốn lao tù, người chiến sĩ ấy vẫn âm thầm hoạt động cách mạng, đã vận động, cảm hóa được nhiều binh lính ở đây giác ngộ và tham gia cách mạng.

Lần theo những bậc thang bằng đá chênh vênh, chúng tôi bước xuống khu xà lim ngầm sâu 3,5m dưới lòng đất. Nơi đây chật chội, ngột ngạt, mỗi khi cánh cửa sắt khép lại, phòng giam sẽ trở thành hộp kín thiếu ô xy, không ánh sáng, để giam những tù nhân mà thực dân Pháp cho là “đặc biệt nguy hiểm”.

Nơi đây, có lúc, chúng dồn 156 chiến sĩ của ta xuống, giam cầm, bỏ đói, bỏ khát để triệt tiêu ý chí đấu tranh. Từ năm 1930-1945, thực dân Pháp đã đày 14 đoàn tù chính trị với 1.013 lượt người đến nhà tù Sơn La, trong đó có nhiều cán bộ cốt cán của Đảng.

Thế nhưng, chính nơi khắc nghiệt ấy đã ươm mầm cho những hạt giống đỏ đầu tiên của cách mạng Việt Nam như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tô Hiệu và nhiều anh hùng khác, thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, góp phần lớn vào sự thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TPHCM - chia sẻ: “Từng nghe, từng đọc về nhà tù Sơn La nhưng chỉ khi được đến đây, tôi mới cảm nhận sâu sắc tinh thần bất khuất của những người tù cộng sản. Đây là tư liệu sống động để tôi đưa vào bài giảng, làm lan tỏa hơn nữa lòng tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến trong học viên”.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó bí thư thường trực Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM - cho biết: “Chuyến về nguồn năm nay càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Chúng tôi mong muốn, qua chuyến đi, mỗi đại biểu hiểu hơn, thấm thía và tự hào hơn về lịch sử dân tộc, để mỗi người thấy được trách nhiệm của mình với công việc, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của TPHCM và cho đất nước”.

Phương Thanh

Tuyên dương 108 cá nhân điển hình học Bác

Trong chuyến về nguồn, tối 23/6, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM đã tổ chức lễ biểu dương 108 cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024.

Trong hành trình qua 2 tỉnh Điện Biên, Sơn La và TP Hà Nội, các đại biểu được thăm các địa danh lịch sử như: đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khu di tích đồi A1, hầm Đờ Cát, nhà tù Sơn La...

Các cơ quan và đại biểu đã đóng góp gần 548 triệu đồng và trao tặng 140 suất học bổng, 2 nhà tình thương, 2.000 lá cờ Tổ quốc, 202 phần quà cho gia đình chính sách, 2 giếng khoan cho người dân... ở 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI