Tìm về chốn bình yên

20/07/2024 - 10:10

PNO - Nếu bạn muốn tìm về chốn bình yên nơi cửa chùa kết hợp tham quan, Tam Chúc và các chùa xung quanh mùa thấp điểm du lịch là sự lựa chọn đáng để cân nhắc.

Một ngày hè oi ả, chúng tôi gần như kẹt cứng giữa những con đường đông đúc của thủ đô. Sau khi thoát khỏi khu vực nội thành, vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường đi thoáng hơn hẳn. Di chuyển khoảng 30km tới điểm giao Cầu Giẽ, xe ra khỏi cao tốc, rẽ xuống Quốc lộ 1A cũ rồi quẹo vào đường tỉnh lộ 977. Chạy thêm khoảng 10km nữa là tới chùa Tam Chúc.

Ngôi chùa giữa trùng điệp núi non

Đình Tam Chúc ở giữa hồ nước  trước cửa chùa - Nguồn ảnh: Internet
Đình Tam Chúc ở giữa hồ nước trước cửa chùa - Nguồn ảnh: Internet

Chùa Tam Chúc nằm ở thị trấn Ba Sao của huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội chỉ khoảng 60km. Con đường dẫn vào chùa có rất nhiều cây thiên tuế và cây hoa sứ; lại thoáng đãng rộng rãi tạo nên cảm giác thư thái dễ chịu.

Tháng Bảy có lẽ là tháng thấp điểm nhất, trước khi bước vào khoảng thời gian du lịch đông đúc là tháng Tám tới tháng Mười, khi thiên nhiên Tam Chúc vào thời điểm đẹp nhất và khoảng thời gian lễ hội xuân từ tháng Một tới tháng Ba hằng năm. Dù là mùa hè nhưng giữa vùng thiên nhiên nằm trong quần thể núi đá vôi, cái nóng nơi đây đã dịu đi rất nhiều. Thêm nữa, chùa Tam Chúc nằm ở sát chân núi cao và ngay phía trước có hồ Tam Chúc rộng tới 545ha điều hòa nên không khí có phần dễ chịu.

Trước khi tới đây, tôi đã đặt phòng ở Khách xá của chùa nên xe có thể chạy thẳng tới khu vực nghỉ qua đêm. Xe chạy vòng quanh con đường ven hồ tuyệt đẹp, qua cổng tam quan nội rồi rẽ trái lên một con dốc ngắn để tới Khách xá. Đây là một khu nhà với kiến trúc mái vòm cong cong cao vút đặc trưng của chùa Bắc Bộ, nằm ngay bên một vạt sườn đồi của khu chùa Tam Điện.

Khách xá có 5 tầng với khu sảnh tiếp đón ở chính giữa, các phòng nghỉ chạy dài 2 bên, ấn tượng với những bờ tường gạch không trát vữa, một màu nâu trầm cổ kính của mái chùa và dãy phòng có khung cửa cong tròn bên cạnh những hàng cây cổ thụ cao lớn ở khu vườn phía trước. Không gian yên lặng và trầm mặc bao trùm tất cả.

Tối đến, Khách xá lên đèn với những chiếc đèn lồng treo cao, các bóng đèn nơi những gốc cây ở khu vườn phía trước tạo nên một khung cảnh huyền ảo. Nhà ăn Tam Chúc rộng rãi. Các món ăn được phục vụ theo phần với giá cả khá bình dân.

Khách xá có dịch vụ du lịch tâm linh vào ban đêm cho khách lưu trú. Đêm vắng lặng không một tiếng động. Chúng tôi như lọt thỏm vào một vùng tối êm dịu ru mình vào giấc ngủ.

Vãn cảnh chùa một sớm tinh mơ mùa hè

Điện Tam Thế - ẢNH: LNS
Điện Tam Thế - Ảnh: LNS

Tôi chủ ý dậy từ sớm tinh mơ, một mình dạo bước trong không gian chùa. Không gian ríu ran tiếng chim, không khí vô cùng trong lành. Sau một đêm ngon giấc, mọi mệt mỏi như tan biến, tôi cảm thấy thư thái và nhẹ nhõm hẳn.

Bước qua khu vườn Khách xá, tôi lên những bậc thềm đi về phía tay trái để đến Điện Pháp Chủ - nơi thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, với pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 200 tấn lớn nhất Đông Nam Á. Ngôi điện có các bức phù điêu bằng đá núi lửa nói về cuộc đời của Đức Phật. Đó là những câu chuyện về lúc Ngài đản sinh, thành đạo hay nhập cõi niết bàn.

Điều kỳ công nhất ở 3 ngôi điện Tam Thế là các bức phù điêu được tạc thủ công từ những tảng đá lấy từ miệng núi lửa ở Indonesia. Những bức phù điêu này nhìn giống như gỗ thật, được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ bởi bàn tay tài hoa của những người thợ lành nghề. Những khối đá chữ nhật xù xì thô ráp được tạc hình sống động và ghép nối với nhau một cách chính xác. Từ điện Pháp Chủ, tôi rẽ lối lên Điện Quan Âm - thờ Quán Thế Âm Bồ Tát với bức tượng bằng đồng rất lớn, ước chừng 150 tấn, cùng các bức phù điêu xung quanh kể về việc cứu khổ cứu nạn của Người.

Nghỉ đêm tại Khách xá ngoài việc có 1 đêm ngon giấc còn rất thuận tiện cho việc tham quan. Chỉ cần đi thang máy lên tầng 5 của Khách xá, gia đình tôi tới ngôi điện rộng lớn nhất của khu chùa Tam Chúc - Điện Tam Thế. Ở sân trước điện có 1 cây bồ đề đặc biệt. Theo truyền thuyết Phật giáo, vào khoảng 500 năm trước Công nguyên, Đức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề suốt 3 ngày, 3 đêm và giác ngộ, thành chính quả. Trong khoảng năm 300 trước Công nguyên, một nữ tăng ni lấy một nhánh cây bồ đề được chiết từ cây gốc Đức Phật đã ngồi thiền định và giác ngộ rồi mang tới Sri Lanka trồng. Cây bồ đề ở chùa Tam Chúc được chiết từ cây gốc 2.125 năm tuổi này.

Điện Tam Thế có 3 tượng Phật lớn làm từ đồng đen, tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai. Phía sau mỗi bức tượng Phật là một bức phù điêu hình chiếc lá bồ đề. Rời khỏi khu chùa Tam Điện, chúng tôi theo xe điện đi tham quan chùa cổ Ba Sao với hình ảnh ấn tượng là ngôi thủy đình rất cân xứng giữa hồ nước bốn bề núi đá bao quanh một màu xanh ngắt.

Chùa Bà Đanh liệu có vắng vẻ như lời đồn?

Gia đình tác giả chụp hình lưu niệm trước Khách xá Tam Chúc - ẢNH: LNS
Gia đình tác giả chụp hình lưu niệm trước Khách xá Tam Chúc - Ảnh: LNS

Tôi không có chủ ý ghé thăm chùa Bà Đanh. Thế nhưng trên đường về, ngang qua ngôi chùa có cái tên gây tò mò này, tôi đã dừng lại và ghé thăm. Chùa Bà Đanh chỉ cách chùa Tam Chúc 6km. Bên ngoài cổng vào ghi rõ là chùa Bà Đanh nhưng tên chữ đầy đủ của chùa này là Bà Chúa Làng Đanh. Chùa tọa lạc trên một vùng đất rộng của thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Dân gian thường gọi tên theo lối tắt cho tiện nên chùa được biết đến với tên Bà Đanh và… nổi tiếng bởi một câu nói xưa được truyền tụng: “vắng như chùa Bà Đanh”. Bước vào chùa, tôi nhận thấy đúng là ngôi chùa này vắng thật, không rõ có phải do đang trong mùa du lịch thấp điểm.

Tò mò hỏi một vài người dân quanh chùa, tôi được biết rằng chùa Bà Đanh không phải lúc nào cũng vắng. Dịp lễ hội mùa xuân, du khách thập phương đổ dồn rất đông về chùa Tam Chúc nên cũng có một lượng lớn người ghé thăm chùa Bà Đanh do tiện đường. Còn câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” có lẽ xuất phát từ vị trí xa xôi của chùa khi xưa: 3 mặt giáp sông Đáy, lại nằm trong khu vực rừng rậm có nhiều thú dữ. Người ta còn truyền tụng rằng chùa này rất linh thiêng, tới cổng tam quan mà không hạ nón, kính cẩn là sẽ bị “quở”, thế nên chùa đã vắng lại càng thêm vắng.

Chùa Bà Đanh có tầm nhìn rất đẹp, hướng ra sông Đáy với cảnh quan hiền hòa, thoáng đãng. Những cánh cổng gỗ lim nhuốm màu thời gian, mái chùa cổ kính, sân chùa rộng thoáng, nhiều cây xanh. Vào đây, cảm giác mọi thứ như lắng đọng.

Cách chùa Tam Chúc chỉ khoảng 12km còn có một ngôi chùa rất nổi tiếng khác là chùa Hương (Hà Nội).

Chùa Hương không chỉ là một ngôi chùa mà còn là tên gọi chung cho quần thể văn hóa và tôn giáo bao gồm hàng chục ngôi chùa, đền, đình như chùa Thiên Trù, đền Trình, chùa Giải Oan... Trung tâm của quần thể này là chùa Hương, nằm trong động Hương Tích, thờ tượng Phật Bà Quan Âm. Năm 1770, chúa Trịnh Sâm đi thắp hương, ngắm cảnh ở động Hương Tích và đã khắc dòng chữ “Nam thiên đệ nhất động” (Động đẹp nhất trời Nam) lên tảng đá bên ngoài cửa động. Chùa Hương thật sự nổi danh từ đây.

Và chỉ cần di chuyển 50km là sẽ tới một ngôi chùa rất lớn khác là chùa Bái Đính (Ninh Bình), gần đó là quần thể di sản Tràng An, Tam Cốc - Bích Động tuyệt đẹp. Nếu bạn muốn tìm về chốn bình yên nơi cửa chùa kết hợp tham quan, Tam Chúc và các chùa xung quanh mùa thấp điểm du lịch là sự lựa chọn đáng để cân nhắc.

Lê Ngọc Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI