|
Chùa Keo |
Cảm giác của tôi khi lần đầu tới vùng quê này như thể đang gặp gỡ một người già đã trải qua nhiều sóng gió. Người ta thường hào hứng viếng thăm những vùng đất trẻ như gặp gỡ cô gái xuân thì tràn đầy sức sống, thế nên Nam Định hầu như không thu hút khách du lịch, có chăng chỉ một số ít khách hành hương về những nhà thờ có lịch sử vài thế kỷ.
Những cuộc viếng thăm ấy hết sức chóng vánh. Sau một lần thả mình vào không gian bình yên ấy, tôi tự hỏi tại sao mình không biết đến vùng đất này sớm hơn.
Chuyến đi miền Bắc của tôi lần này khá dài ngày. Cho đến lúc lên đường, tôi vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Cô bạn tôi đưa ý kiến đi Nam Định, rằng mùa này lúa đang đẹp, vậy là chúng tôi “chốt đơn” ra bến, đón xe và đi.
|
Nhà thờ giáo họ Thôn Bắc |
“Lạc” vào những thước phim xưa
Sau tầm 4 giờ ngồi xe, chúng tôi đến nơi cần đến - xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đường làng được đúc bê tông sạch sẽ, nhà cửa khang trang rộng rãi, cánh đồng lúa chín vàng ươm rộng bạt ngàn, thỉnh thoảng có những cụm nhà, thôn xóm san sát nhau. Buổi chiều sau giờ cơm, người già ra các con đường bê tông dọc theo những con mương thủy lợi ngồi hóng mát, chuyện trò trong hương lúa chín thơm lừng ngoài đồng theo gió đưa vào. Chúng tôi về đây cứ trầm trồ vì hoàng hôn rực rỡ, mặt trời như hòn lửa rơi chậm trên đồng lúa, trên mương nước. Một cụ già mách nước: “Chiều mai hãy chạy lên đê mà xem mặt trời”.
Chiều hôm sau, mượn chiếc xe máy, theo hướng dẫn của những người già, chúng tôi từ xóm 4, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường rẽ trái, đi dọc bờ đê sông Hồng. Hai bên đường, người ta trồng chuối tốt tươi, cỏ dại mọc xanh um, hoa dại, cỏ lau trổ hoa. Chiều đến trên đường đê, học sinh tan trường, bò no cỏ đủng đỉnh về nhà trong ánh chiều buông làm tôi bỗng thấy mình là người lữ khách may mắn quá đỗi, bởi trên đường rong chơi được chứng kiến điều bình thường đẹp đẽ và bình yên đến vậy.
Đi thêm một đoạn là đến sông. Sông chiều phẳng lặng. Tôi đến ngồi dưới gốc cổ thụ bên bến nước ngắm mặt trời loang loáng đỏ dưới mặt nước. Hai bên bờ sông là bờ cỏ xanh, trong sương chiều có chút ưu tư xa vắng. Tôi ngắm mặt trời rơi dần trước mắt, thỉnh thoảng có bác nông phu đi thăm rẫy về, chở theo mấy buồng chuối dừng xe xuống bến nước rửa tay. Cảnh tượng bình yên ngỡ như trong phim nay hiện ra ngay trước mắt tôi vào một chiều không định trước.
|
Hoàng hôn nơi bến sông |
Tìm về bình yên
Thật trùng hợp, ngay trên đường đê sông Hồng, bên phải là sông thì bên trái là ngã rẽ vào ngôi chùa nhuốm màu cổ kính, lợp ngói, mái cong, có tên là chùa Keo - Hành Thiện (Hành Thiện là tên làng). Tương truyền chùa do ngài Không Lộ Thiền Sư - một quốc sư thời Nhà Lý đã có công phò trợ Lý Công Uẩn lên ngôi - cho xây dựng và làm trụ trì. Qua nhiều lần tu sửa và di dời do thiên tai lũ lụt, nước sông Hồng dâng cao phá hủy, đến nay chùa Keo - Hành Thiện có diện mạo bề thế với nhiều dãy nhà kiên cố bằng gỗ. Đi trên đường đê sông Hồng nhìn thấy cổng chùa, bên trong là sân chùa với hàng cổ thụ, hồ nước.
Chùa được xem là nơi sinh hoạt cộng đồng nên chiều xuống, người dân quanh đó thường đến hóng mát và trò chuyện rôm rả ở các ghế đá dưới gốc cây. Đi qua cổng gác khá cao, bên trong là các dãy nhà ngang thờ Phật, thờ thánh Không Lộ; các dãy nhà dọc thiết kế mở không vách là nơi chứa những chiếc ghe gỗ phục vụ cho lễ hội đua ghe trong những dịp lễ trọng đại.
Ngoài ra, huyện Xuân Trường không chỉ nổi danh với chùa Keo hay “làng tiến sĩ” Hành Thiện mà còn gây ấn tượng bởi các nhà thờ. Nếu lần đầu đến vùng đất này, hẳn bạn sẽ không khỏi bất ngờ bởi chỉ cần chạy xe hóng mát trên đường làng, phóng tầm mắt ra xa trong vòng bán kính 1-2km, bốn phương tám hướng đâu đâu cũng có thể bắt gặp đỉnh chóp, gác chuông nhà thờ.
Một buổi sáng, tôi theo hướng dẫn của người dân đến Vương cung thánh đường Phú Nhai nhưng rồi mải mê la cà trên đường quê, chốc lát lại thấy chóp nhà thờ phủ màu rêu phong nên không ngăn nổi mình lại ghé vào. Nhà thờ nhỏ ở các thôn không có cha xứ ở cố định mà phải chia giờ để linh mục có thể đến làm lễ. Dẫu vậy, giáo dân quanh đó gìn giữ và coi sóc nhà thờ rất chu đáo. Thông thường, những nhà thờ này đều có một cái hồ rộng sát bên, có nơi còn có hàng cây rợp bóng mát.
Đến Nam Định mà không tham quan Vương cung thánh đường Phú Nhai là một thiếu sót. Hôm sau, tôi quyết tâm đến nhà thờ Phú Nhai. Công trình này được xây dựng vào năm 1866 nguy nga, tráng lệ theo phong cách Gothic với mái vòm cao, lắp kính lấy ánh sáng tự nhiên; bên trong được trang trí cầu kỳ với nhiều tượng Đức Mẹ được tạc rất tinh xảo.
Rời nhà thờ Phú Nhai, vẫn lối đi cảm tính dẫn dắt, tôi đã lạc bước đến nhà thờ giáo họ Thôn Bắc. Đây chính là điều bất ngờ thú vị nhất trong chuyến hành trình bởi khi tìm kiếm trên mạng, tôi không hề thấy thông tin nào về ngôi nhà thờ độc đáo này. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1901; từ cột kèo, cửa, vách và các chi tiết trang trí đều làm bằng gỗ lim. Đến nay, sau hơn 120 năm tồn tại, hiện trạng công trình vẫn còn rất tốt. Nhà thờ được thiết kế theo lối kiến trúc nhà Việt, mái ngói, cửa gỗ rất tinh tế. Các chi tiết trang trí ở mặt trước và hiên bên hông nhà thờ là các họa tiết mai, lan, cúc, trúc...
|
Ở Nam Định, chỉ cần phóng tầm mắt ra xa trong vòng bán kính 1-2km, bốn phương tám hướng đâu đâu cũng có thể bắt gặp nhà thờ |
Nếu yêu thích các kiến trúc đình, chùa, nhà thờ cổ cũng như tận hưởng không khí làng quê Bắc Bộ, huyện Xuân Trường là điểm đến rất phù hợp với bạn. Tuy nhiên, quanh huyện, xã không có các dịch vụ lưu trú, ăn uống dành cho khách du lịch. Ở đây chỉ có các khách sạn, nhà nghỉ bình dân, gần các chợ thì có vài hàng quán bán đồ ăn. Thuận tiện nhất cho những chuyến đi như thế là xin ở nhờ nhà người quen, đi chợ, nấu ăn cùng họ. Nếu không có người quen ở đó, bạn có thể chọn cách lưu trú tại thành phố Nam Định. Nơi đây có nhiều khách sạn tốt, dịch vụ ăn uống phong phú... Huyện Xuân Trường cách thành phố Nam Định chỉ khoảng 30-40km. Đường sá rộng rãi, thoáng đãng, đi lại khá thuận tiện.
Bài và ảnh: Nguyệt Phạm