Tìm văn hóa trong câu chuyện cậu bé kéo đàn

31/07/2017 - 08:27

PNO - Đã có khá nhiều góc nhìn của báo giới cũng như cộng đồng mạng về việc cậu bé 15 tuổi chơi violin ở bờ Hồ (Hà Nội) bị “đòi giấy phép biểu diễn

Đã có khá nhiều góc nhìn của báo giới cũng như cộng đồng mạng về việc cậu bé 15 tuổi chơi violin ở bờ Hồ (Hà Nội) bị “đòi giấy phép biểu diễn”. Kỳ thực, vụ việc này chỉ như món tráng miệng, không bõ bèn gì với sự phàm ăn “scandal” và tính hiếu kỳ của dân mạng xứ ta. Thế nhưng, nó cũng có vài điều thú vị liên quan đến hai phạm trù được coi là nền tảng của bất cứ xã hội nào: dân và luật.

Tim van hoa trong cau chuyen cau be keo dan

Cậu bé kéo vĩ cầm ở Hà Nội đang là đề tài "hot" của cư dân mạng, nhưng bao lâu?

Tạm quên việc ai đúng ai sai để nhìn vào phản ứng của đám đông. Rất đông người chơi Facebook hả hê chia sẻ thông tin từ góc nhìn lên án hành vi thiếu chuyên nghiệp, cứng nhắc, văn hóa cư xử kém của cán bộ công quyền. Vài người từng đi Đông đi Tây bàn chuyện từng thấy ở Paris, Vienna… người ta trân trọng nghệ sĩ đường phố ra sao; rồi cám cảnh cho tình hình văn hóa quê mùa, bị “kìm kẹp” xứ mình.

Màn chê bai, ném đá tạm lắng khi có tường thuật khác về vụ việc, rằng lực lượng chức năng làm việc thế nào, người cha và đứa con phản ứng ra sao… Vài comment xác nhận sự thật đúng là thế. Thế rồi hai bên lại nhảy vào cuộc cãi vã. Nhiều mối quan hệ ngỡ như tốt đẹp, thủy chung son sắt đổ vỡ qua những cú bấm unfriend. Cuộc sống thật của chúng ta rõ càng lúc càng khó khăn, buồn chán, lo âu; nhưng đời sống mạng lại thật vui sướng. Quyền lực bung tràn trên 10 đầu ngón tay share tin lên án, khen ngợi hoặc lên lớp kẻ khác là thiếu văn hóa, thiếu văn minh, đi ngược thuần phong mỹ tục…

Quan sát tập tính của đám đông trên mạng, có thể thấy dân ta là những tổ hợp vô vàn đám đông trong tình trạng liên kết mở - sẵn sàng sẻ chia “con mồi” mới, để cúng tế cho đám đông cắn xé, lên án, vu cáo, thóa mạ tập thể… Ở đó, người anh hùng phút chốc có thể trở thành kẻ tội đồ vì chẳng ai có đủ thời gian kiểm tra lại anh ta từng tốt đẹp ra sao. Trước đám đông đói khát, cái gì đang nóng sốt thì cứ làm tới. Chỉ vài ngày thôi, người ta sẽ quên cậu bé kéo vĩ cầm mà mình đã đấu tranh, chuyển sang (có thể) lên án cái đũng quần ai đó chưa… đúng chuẩn văn hóa.

Tim van hoa trong cau chuyen cau be keo dan
Chơi nhạc trên đường phố tại nước ngoài

Dân ta cần những câu chuyện biến ảo như thế để giải khuây, cho qua ngày đoạn tháng. Khác chăng là nếu cách đây vài năm, con mồi đa số chỉ là nghệ sĩ, showbiz, mẹ bỉm sữa lặt vặt… thì gần đây, người dân quan tâm nhiều hơn đến chính trị, thủ tục hành chính, chủ quyền quốc gia, các luật lệ ảnh hưởng đến họ. Do đó, cần nhìn nhận sòng phẳng: cư dân mạng Việt Nam đang “phát triển ổn định” và dần nắm những “quyền lực” to lớn hơn. 

Đã có một số nhân vật quyền lực, vì phản ứng của người dân trên mạng, mà bị xử lý, dù không ai thừa nhận. Sự nghiêm minh của pháp luật đang được người dân đòi hỏi phải áp dụng cho cả quan lại chứ không chỉ dành cho thứ dân. Thủ tục hành dân nhiều năm qua đã bắt đầu nhận lãnh những hệ lụy từ xã hội. Dân phản ứng với luật và nhìn giới hành pháp đầy phiến diện.

Hãy nhìn lại phản ứng đầu tiên của đám đông về cậu bé kéo vĩ cầm! Tại sao nhiều người lại hồ hởi nhục mạ và chê bai cán bộ công quyền? Nếu mang luật/văn hóa ra thì ai cũng có phần lý, dù rất cứng nhắc và chưa rõ ràng. Nghệ thuật đường phố là một nét văn hóa. Biểu diễn là một nhu cầu và một quyền. Hà Nội là “thành phố vì hòa bình” thì càng nên khuyến khích nghệ sĩ đường phố mới phải. Không nên lấy hành vi, phản ứng của cha con cậu bé để định đúng sai; cũng không nên mang luật ra để nói lực lượng chức năng đúng. Vấn đề ở đây là thái độ của cán bộ công quyền đối với dân và ngược lại.

Tim van hoa trong cau chuyen cau be keo dan
 

Hệ thống hành pháp sinh ra để đảm bảo trật tự, công bằng xã hội; nhưng cũng là để phục vụ nhân dân. Đó nên là một “ngành dịch vụ” chuyên nghiệp, công chính và nghiêm minh. Có thế dân mới không ác cảm với nhân viên công quyền làm nhiệm vụ (vì nhiều người dân hay mặc định công quyền là hành dân). Điều cần chú trọng là định vị lại từ bản chất mối quan hệ giữa nhà nước - nhân dân. Việc dân chưa tin yêu hệ thống công quyền phải được xem là vấn đề trọng yếu của quốc gia ta lúc này.

Khi luật pháp thực sự nghiêm minh, tự khắc dân sẽ ủng hộ. Rồi chúng ta cũng bỏ hay điều chỉnh dần những quy định chưa phù hợp như việc biểu diễn nơi công cộng. Luật pháp, thực chất cũng chính là văn hóa - văn hóa công quyền. Khi ta quản lý xã hội bằng sự nghiêm minh và tinh thần văn hóa thì xã hội sẽ đi theo hướng văn minh, nghĩa tình. Lúc đó, văn hóa sẽ trở thành thứ kỷ luật đối với từng người chứ không chỉ là mấy biểu ngữ chăng khắp ngõ xóm.

Khi bạn đọc đến hết bài viết này, rất có thể cư dân mạng đã bắt đầu chuyển sự quan tâm sang một chủ đề nóng bỏng (nhưng tào lao) khác. Hãy cân nhắc khi tham gia một vụ nhục mạ tập thể! Nên “share có ý thức” và phát ngôn cẩn trọng, bởi đó là cuộc đời của những con người. Họ cũng có thể là bạn một lúc nào đó. 

Thiên Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI