Tìm tương lai cho nghệ thuật dân gian, dân tộc: Nói phải đi đôi với làm

23/10/2020 - 18:58

PNO - Nhiều giải pháp đưa ra gắn với thực tế, nhưng có được áp dụng hay vẫn sẽ nằm trên giấy và bị lãng quên sau những cuộc hội thảo?

Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, dân tộc: Chật vật để tồn tại

TPHCM đang phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng "số phận" của các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, dân tộc lại mờ mịt.

Chẳng hạn, đờn ca tài tử hiện có hơn 200 câu lạc bộ, nhưng hoạt động hiệu quả hay không? Hát bội thiếu nhà hát, không có lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa... Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, đại diện Nhà hát Hát bội TPHCM cho biết, loại hình nghệ thuật này đang trong tình trạng 3 không, mà lớn nhất là không có tương lai.

Nghệ thuật hát bội chật vật để tồn tại
Nghệ thuật Hát bội chật vật để tồn tại

Nhạc lễ, nghệ thuật múa bóng rỗi... cũng không khá hơn. Không thể phủ nhận tác động của những thành tố xã hội đến sự tồn vong của các loại hình nghệ thuật này, đặc biệt khi TPHCM là đô thị phát triển với tốc độ rất nhanh, dẫn tới văn hóa truyền thống dần bị mai một như một quy luật hiển nhiên.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là yếu tố con người bao gồm 3 thành phần chính: nghệ sĩ, khán giả và nhà quản lý. Để tìm phương hướng giữ gìn, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật này, sáng 23/10, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM tổ chức toạ đàm khoa học với sự tham gia của các nghệ nhân, nhà quản lý cấp địa phương và thành phố.

Các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ dân tộc:

 

Đừng để chỉ là những cuộc toạ đàm                                           

Vướng mắc thứ nhất cần tháo gỡ là vấn đề đào tạo nghệ sĩ, bởi những hạn chế của luật định hiện hành. Cần tạo ra cơ chế mới để hỗ trợ, đảm bảo phúc lợi cho nghệ sĩ, từ đó có thể thu hút thêm người trẻ theo nghề. Cơ sở vật chất, vấn đề trầm kha nhất là nhà hát, phải được giải quyết đến nơi đến chốn.

Theo luật hiện hành, để vào đại học chính quy, người dự thi phải có trình độ văn hoá lớp 12, nhưng nhiều ngành nghệ thuật cần đào tạo sớm hơn, đặc biệt là với những tài năng. Trong khi đó, Thông tư 36/2018/TT-BCT lại khiến việc đào tạo của các nhà hát truyền thống bị khựng lại do quy định chỉ được đào tạo công chức, viên chức. 

"Đào tạo" khán giả cũng quan trọng không kém. “Nghệ thuật tồn tại phụ thuộc khán giả. Công tác đào tạo khán giả phải cần có sự đột phá trong bối cảnh rất nhiều ngổn ngang hiện nay”, bà Lê Tú Cẩm (nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM) phát biểu.  

Con đường tốt nhất là giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho người xem ngay từ khi họ còn nhỏ. Những năm qua, chương trình đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường đã được thực hiện, nhưng chưa sâu. PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm cho biết, Sở GD-ĐT TPHCM đã ra sách, chương trình giảng dạy nhưng còn manh mún, chưa đồng bộ, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

“Văn hoá dân tộc là những giá trị đáng quý trong mắt người làm nghề, nhà khoa học, nhưng bản thân người dân từ nhỏ không được biết điều đó nên làm sao đòi hỏi họ xem trọng”, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm chia sẻ trong toạ đàm
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm chia sẻ trong toạ đàm

Xác định lại giá trị, mục đích, người xem, không gian sống của các loại hình nghệ thuật, để chọn đường hướng phát triển phù hợp là những vấn đề được đặt ra. Loại hình nghệ thuật nào có thể phát triển thành “đặc sản” gắn với du lịch, thương mại, loại hình nào sẽ phải giữ trong cộng đồng? Không thể cào bằng. Ví dụ, đờn ca tài tử vốn xuất hiện, tồn tại, phát triển trong cộng đồng dân cư nhỏ (theo đúng tiêu chí được UNESCO công nhận) thì việc phát triển đại chúng, đặc biệt với những không gian hiện đại ở trung tâm có phù hợp hay không?

TPHCM có hệ thống trung tâm văn hóa ở khắp 24 quận huyện, là một thuận lợi lớn để phát triển bởi các loại hình nghệ thuật dân gian đều phát triển trong cộng đồng. Nhưng nguồn lực này đang bị lãng phí. Ông Huỳnh Anh Tuấn từng thất bại khi thuyết phục các trung tâm văn hóa quận huyện hợp tác, đưa chương trình thiếu nhi về biểu diễn và chia đôi doanh thu.

“Trung tâm văn hóa phải là nơi phát triển đời sống tinh thần cho người dân, chứ đừng nghĩ chỉ chờ kế hoạch, phê duyệt từ bên trên”, bà Lê Tú Cẩm khẳng định.

Trung tâm văn hoá TPHCM phải làm đầu tàu, thực hiện mô hình thí điểm để từ đó khắc phục hạn chế, nhân rộng. Phải có mô hình mới tạo được thói quen cho người dân. Các trung tâm văn hoá địa phương cũng không thể hoạt động biệt lập, mà cần liên kết với nhau, với cấp thành phố. 

Nghệ thuật múa bóng rỗi được trình diễn kết hợp với một số loại hình khác tại đường đi bộ Nguyễn Huệ
Nghệ thuật múa bóng rỗi được trình diễn kết hợp với một số loại hình khác tại Đường đi bộ Nguyễn Huệ

Cơ chế quản lý là điều quan trọng cần phải nhìn lại. Tư duy nhiệm kỳ đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của các loại hình nghệ thuật này. Có người đương nhiệm 2-3 năm đã phải thuyên chuyển công tác, trong khi kế hoạch phát triển văn hoá là một chặng đường dài hơi. Cũng có cán bộ trong lĩnh vực quản lý văn hoá nhưng không am hiểu về thực tế, dẫn đến không có đường hướng phát triển phù hợp, hoặc tạo ra những sai lầm. Điều này vô cùng nguy hại.

Các loại hình nghệ thuật thuộc định chế văn hoá, nhưng có liên hệ mật thiết với giáo dục và du lịch. Vì thế, Sở VH-TT TPHCM, Sở GD-ĐT, Sở Du lịch cần có cái bắt tay để cùng tạo ra một đường hướng chung, thống nhất.

Theo Sở Du lịch, có 26% du khách đến TPHCM quan tâm đến các giá trị văn hoá lịch sử. Theo kế hoạch đến năm 2030, sở sẽ tiếp tục gắn du lịch với các giá trị văn hoá truyền thống, xem đó là một trong những nội dung chủ đạo.

Nghệ thuật truyền thống nói chung đang khá chật vật, buộc có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển. “Chúng ta có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động văn hoá hay không, con số là bao nhiêu? Người dân được hưởng phúc lợi văn hoá hàng năm ra sao, phải có con số minh bạch cụ thể”, ông Huỳnh Anh Tuấn đặt vấn đề. Nhưng đây vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.

Bà Lê Tú Cẩm cho rằng khái niệm xã hội hoá đang bị hiểu sai, đó không đồng nghĩa với tư nhân hoá, kêu gọi tài trợ, mà chỉ là trả không gian văn hoá về cho người dân, Nhà nước giữ vai trò bà đỡ.

Ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức những chuyên đề riêng để thảo luận cho từng loại hình. Hiện tại, sở cũng đang và sẽ có những đề án để tiếp tục phát triển văn hoá trong thời gian tới. Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM sẽ được thành lập trong tương lai.

Ông Võ Trọng Nam chia sẻ
Ông Võ Trọng Nam chia sẻ

Các bên đã thẳng thắn đưa ra những giải pháp gắn với thực tế. Tuy nhiên, những giải pháp này có được hiện thực hóa hay vẫn chỉ nằm trên giấy, cất trong ngăn tủ? Liệu những cuộc hội thảo sẽ còn tiếp tục được tổ chức với những chuyện nói mãi không xong trong khi việc cần nhất là nói phải đi đôi với làm.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI