Có đến 42% nam giới cho biết họ cảm thấy áp lực lớn nhất là làm người trụ cột trong gia đình. "Lo cho gia đình", "sợ mất việc", "áp lực bị so sánh"... tựu chung đều là nỗi lo mang tên "TRỤ CỘT". Trụ cột dĩ nhiên sẽ cần mọi phương diện phải "khỏe mạnh", từ công việc, ví tiền, sức khỏe đến phẩm chất...
Áp lực, trách nhiệm đang khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vẫn được xem như đặc quyền của phái yếu, buộc người thuộc phái mạnh phải thật mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Báo Phụ Nữ mở diễn đàn "Áp lực đàn ông phụ nữ biết không?" để là nơi giãi bày, chia sẻ những mệt mỏi, muộn phiền cũng là nơi phân tích sâu hơn những góc khuất ẩn giấu bên trong các quý ông, cũng là để chị em phụ nữ hiểu hơn, cảm thông hơn, sẻ chia hơn với người đàn ông đầy lo toan đang ở cạnh mình.
Bài vở tham gia diễn đàn, bạn đọc gởi về email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn
|
Chết thôi chứ còn cách nào…
Ngày 13/7, một người đàn ông khoảng 50 tuổi đi bộ lên cầu Rạch Tra (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Sau một lúc tần ngần, người này bất ngờ trèo qua lan can, nhảy xuống kênh. Tối 21/8, một người đàn ông khác cũng lao mình xuống dòng kênh đen kịt từ cầu chữ Y (Q.8). Ngày 4/9, một người đàn ông nước ngoài nghi nhảy lầu tự tử ở một khách sạn trên đường Phạm Ngũ Lão (Q.1).
Không riêng ở TP.HCM, chuyện đàn ông tự tử xảy ra ở khá nhiều địa phương trong cả nước. Chỉ cần tra Google từ khóa “đàn ông tự tử”, có thể tìm thấy có ít nhất bốn vụ đàn ông tự sát mỗi tháng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tỷ lệ tự tử của đàn ông ở hầu hết các quốc gia cũng luôn cao hơn phụ nữ.
|
Ảnh minh họa |
Trong cuộc sống hiện đại, áp lực, trách nhiệm đang khiến những người đàn ông oằn vai. Trong khi đó, cảm xúc vẫn được xem như đặc quyền của phái yếu, buộc người thuộc phái mạnh phải thật mạnh mẽ. Cách nghĩ này khiến cánh mày râu phải chối bỏ những cảm xúc “bẩm sinh” của con người, không được yếu mềm, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Áp lực chồng chất đẩy người trụ cột vào trầm cảm và nhiều hệ lụy tâm sinh lý khó lường.
Nhiều nghiên cứu và phân tích của các nhà xã hội học cũng nhận diện ba áp lực lớn nhất của đàn ông ở mọi thời đại là: kinh tế, chính trị và cuộc sống. Chịu nhiều áp lực trong đời sống hằng ngày, trong khi từ bé, cánh mày râu đã được trang bị tư duy “nam tính, mạnh mẽ”. Nam giới thường rất ít khi bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình, ngay cả với người bạn đời đầu ấp tay gối.
Đặt câu hỏi “có thường xuyên chia sẻ khó khăn với người thân, gia đình về những khó khăn trong cuộc sống, công việc?”. Câu trả lời chung của hầu hết quý ông là “không” với hai lý do: “không muốn người thân lo lắng” hoặc “không muốn bị nhìn như một kẻ yếu đuối, thất bại”.
|
Ảnh minh họa |
Việt Nam gần như chưa có một công trình nghiên cứu nào về vấn đề áp lực tâm lý, tỷ lệ trầm cảm và vấn nạn tự tử ở nam giới, nhưng nghiên cứu ở một số quốc gia lại cho thấy, tỷ lệ trầm cảm ở nam giới rất cao. Tuy nhiên, hiện tượng trầm cảm ở nam giới lại không dễ phát hiện do đàn ông không sẵn sàng chia sẻ và không chấp nhận điều trị tâm lý.
Những con số thống kê từ các trung tâm tư vấn tâm lý cũng thể hiện, tỷ lệ nam giới tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên viên tư vấn tâm lý không cao so với phái nữ. Tuy nhiên, nghiên cứu đơn lẻ của một số chuyên gia tư vấn đã cho thấy, một bộ phận không nhỏ đàn ông tự tìm cách giải tỏa áp lực tâm lý của bản thân bằng bia, rượu hoặc những mối quan hệ “ngoài luồng”.
Chia sẻ với người thân - dễ không?
Từng suýt đánh mất hạnh phúc gia đình, anh N.H.C. (Q.7, TP.HCM) chia sẻ: “Vốn không có thói quen chia sẻ khó khăn với vợ con phần vì nghĩ vợ cũng không giúp được gì mà lại thêm lo lắng; phần vì tự ái đàn ông, không muốn trở thành người chồng thiếu bản lĩnh trong mắt vợ. Thất bại trong việc làm ăn, không thể chia sẻ khó khăn với vợ con, tôi đi nhậu để quên bớt nỗi buồn. Thường xuyên đi nhậu về trễ, mâu thuẫn vợ chồng bắt đầu nảy sinh càng khiến cảm giác buồn chán tăng gấp bội. Trong cơn buồn chán, thất vọng đó, tôi đã “mắc lưới tình”, với suy nghĩ chỉ để tìm một nơi trú ngụ an toàn giữa những bộn bề lo toan, áp lực từ công việc, từ cuộc sống, gia đình”.
Thực tế không hiếm những trường hợp như anh N.H.C. Điều này lý giải vì sao rất nhiều ông chồng vốn rất hiền lành, có trách nhiệm, thương yêu vợ con, có công việc, vị trí xã hội ổn định, bỗng một ngày “đổ đốn”.
|
Ảnh minh họa |
Theo dõi thông tin về những trường hợp tự tử ở nam giới, không khó để nhận diện một điểm rất giống nhau trong nhiều trường hợp. Khi được hỏi về người thân của mình trước khi thực hiện hành vi tự sát, “mẫu số chung” của các câu trả lời là “nạn nhân có biểu hiện buồn chán, ít nói, thường giấu mình trong phòng riêng trước khi tự tử”.
Có lẽ đã đến lúc vai trò của đàn ông cũng cần được nhìn nhận một cách công bằng hơn. Trong một talk show về vai trò của người chồng trong đời sống gia đình, NSƯT Chí Trung đã thẳng thắn chia sẻ: “Áp lực lớn nhất của phái mạnh là bị người phụ nữ yếu mềm trong nhà đặt ra những “cột mốc” về kinh tế, địa vị xã hội, sự thành công trong cuộc sống… Là phái mạnh hay phái yếu thì mỗi người đều có thế mạnh và điểm yếu riêng. Thành công hay thất bại đôi khi không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực, quyết tâm và còn có một phần không nhỏ của sự may mắn. Nếu người vợ chỉ biết đặt gánh nặng trụ cột lên vai chồng, rồi nhìn chồng bằng ánh mắt thất vọng hay thương hại khi gánh nặng đó làm chồng phải oằn vai, thì áp lực với người chồng sẽ lớn hơn gấp nhiều lần và sự mệt mỏi càng tăng”.
Các con đã trưởng thành, vợ chồng NSƯT Chí Trung - Ngọc Huyền vẫn cứ như “vợ chồng son”, vẫn tay trong tay hạnh phúc khi đồng hành cùng nhau trong những chuyến công tác, du lịch. Không ít người thắc mắc khi thấy vợ chồng anh chị mãi chung thủy với căn hộ nhỏ ở khu tập thể. NSƯT Chí Trung hồn nhiên bộc bạch: “Vì chúng tôi yêu căn hộ của mình. Và vì tôi may mắn không bị vợ đặt áp lực phải kiếm tiền để mua cho vợ con một nơi ở rộng rãi hơn, tiện nghi hơn”.
|
NSƯT Chí Trung không bao giờ phải chịu áp lực từ vợ |
Nặng suy nghĩ: chia sẻ là yếu đuối, là công nhận mình đã thất bại, các ông chồng sẽ âm thầm chịu đựng khó khăn và tự tìm cách vượt qua. Theo các chuyên gia tâm lý, một người vợ hiểu chồng, biết lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, áp lực của chồng trong cuộc sống sẽ đỡ đần cho chồng gánh áp lực nặng ngàn cân.
Trong nhiều vụ tự tử của nam giới, đặc biệt là những vụ tự tử có liên quan đến chuyện vỡ nợ, hoặc một vụ án tham nhũng đang trong quá trình điều tra, câu trả lời của người thân đơn giản chỉ là thấy chồng có biểu hiện buồn rầu, giấu mình trong phòng… nghe có vẻ bất nhẫn và lạnh lùng.
Việc đổ nợ, tiêu tiền bất minh… không thể là chuyện ngày một ngày hai. Phải chăng có những người vợ chỉ biết đòi hỏi được chồng đáp ứng một đời sống vật chất đầy đủ, không cần biết những đồng tiền họ tiêu xài từ đâu mà có? Thậm chí bỏ qua luôn những dấu hiệu bất thường khi chồng gặp những vấn đề khó khăn? Những người vợ đó không đủ sự nhạy cảm hay quá vô tâm?
Vượt qua sóng gió hôn nhân, chị L.T.N.N. vợ anh N.H.C. cũng thừa nhận: “Tôi có phần lỗi không nhỏ trong chuyện ngoại tình của anh. Anh gặp khó khăn trong công việc, về nhà trở nên lầm lì, ít nói, dễ quạu. Thay vì phải tìm hiểu nguyên nhân của những đổi thay bất ngờ đó, rồi lựa lời để anh chia sẻ và tìm cách an ủi, tôi lại phản ứng bằng thái độ, lời nói. Tôi trách anh chỉ biết mang công việc và sự bực bội về nhà. Khoảng cách vợ chồng cứ vậy xa dần. Không còn tìm được sự yên bình trong chính ngôi nhà của mình, anh đi tìm ở nơi khác. May mắn là mọi việc đã không bị đẩy đến tình huống xấu nhất. Nếu không tôi sẽ phải hối hận vì chính cách hành xử của mình”.
Hoa Nguyễn