Tìm thấy đầu phù điêu Phật bằng đá quý niên đại thế kỷ XI-XII tại Tháp đôi Liễu Cốc

28/06/2024 - 15:07

PNO - Sáng 28/6, TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, quá trình khai quật khảo cổ tại Tháp đôi Liễu Cốc, tìm thấy nhiều hiện vật quý.

Đáng chú ý, trong số đó có đầu tượng Phật dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, kích thước 20cm, rộng 15cm, dày 10cm, niên đại thế kỷ XI-XII. Một vật có giá trị nữa là đồng tiền tròn, lỗ tiền vuông.

thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc
Khu vực thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc - Ảnh: T.H

Tháp đôi Liễu Cốc ở làng Liễu Cốc Thượng thuộc tổ dân phố Xuân Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo, và là di tích kiến trúc nghệ thuật đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Chăm nói riêng.

Từ đầu thế kỷ XX, Tháp đôi Liễu Cốc đã được người Pháp ghi danh và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương. Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc lần này góp phần xác định rõ quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích.

Quá trình khai quật đã cho mở rộng và nối thông các hố khai quật lại với nhau tạo thành 1 hố lớn, bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Toàn bộ quy mô, mặt bằng, kết cấu nền móng, đế tháp và phần còn lại của thân tháp Bắc đều được làm xuất lộ.

Trong lúc khai quật đã thu được nhiều loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.

Hơn 4.800 tiêu bản được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ học lần nay
Hơn 4.800 tiêu bản được tìm thấy trong đợt khai quật khảo cổ học lần này

Ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó trưởng phòng nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - cho biết: "Trong đợt nghiên cứu này, chúng tôi phát hiện ra những trang trí bằng đá, thay đổi nhận thức mà trước nay chúng ta cho rằng Liễu Cốc thì xây đơn thuần bằng gạch thuần nhất. Qua đó cho thấy, tháp đôi Liễu Cốc là giai đoạn cuối của thế kỷ IX, giai đoạn đầu của phong cách Đồng Dương".

Sau hơn 2 tháng khai quật với rất nhiều hiện vật cũng như những phát hiện khác, tạm xếp niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn cuối thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2, nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương.
Sau hơn 2 tháng khai quật với rất nhiều hiện vật được tìm thấy, các nhà nghiên cứu cho rằng niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn cuối thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2, nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương

Tháp đôi Liễu Cốc là công trình kiến trúc đặc trưng của văn hóa Chămpa, có niên đại hơn 1.000 năm. Năm 1926, Tháp đôi Liễu Cốc được Viện Viễn Đông Bác Cổ xếp vào một trong các di tích được xếp hạng trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương.

Ngày 20/7/1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với Tháp đôi Liễu Cốc. Di tích này không còn nguyên vẹn mà đã xuống cấp, hoang phế theo thời gian.

Theo các chuyên gia trong đoàn khảo cổ, di tích Tháp đôi Liễu Cốc khác với các di tích đền tháp Champa ở miền Trung Việt Nam, bởi chỉ có 2 đền tháp chính.

“Qua kết quả khai quật và quan sát bề mặt hiện trạng, bước đầu chúng tôi chỉ xác định được hai đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ ba. Nếu đúng như vậy thì Tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính; bởi thường các di tích đền tháp Champa phân bố trải dọc miền Trung chỉ ghi nhận về hệ thống di tích có 1 tháp thờ chính hoặc 3 tháp thờ chính” - ông Nguyễn Ngọc Chất thông tin.

khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc đã tìm thấy phù điêu Phật bằng đá
Quá trình khai quật khảo cổ tại di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc đã tìm thấy phù điêu Phật bằng đá - Ảnh: T.H

Quan sát hiện trạng tháp Nam có chân móng vùi lấp dưới lòng đất và gạch đổ, hiện chưa xác định được quy mô, kết cấu nền móng. Phía ngoài tường tháp còn dấu vết các cột góc, cột tường và cửa giả. Gạch xây tháp được nung khá già, màu đỏ nhạt, độ cứng cao. Theo thời gian, do không được trùng tu, tôn tạo để phát huy, nên di tích đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng phế tích.

Năm 2018, UBND thị xã Hương Trà đã đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào bảo vệ, vệ sinh cảnh quan của di tích. Năm 2022, các đơn vị chức năng tiến hành đo đạc, định vị cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.

Đến cuối năm 2023, tuyến đường bê tông từ quốc lộ 1A vào di tích cùng bãi đỗ xe đã được địa phương thi công hoàn thành.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI