Do thiếu hiểu biết nên nhiều bậc cha mẹ ở vùng nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mất tiền rước thầy lang, thầy cúng về chữa chứng tự kỷ cho con. Kết quả là hội chứng tự kỷ của con ngày càng nặng…
Nhờ cậy "thần linh" và phác đồ truyền khẩu
Nằm sâu trong vùng núi thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, 3 năm nay gia đình anh N.T.V. đã mất khá nhiều tiền để tìm thầy chữa chứng tự kỷ cho con trai là cháu N.V.H., sinh năm 2019. Anh V. kể, cả gia đình anh, gồm cả ông bà nội, sống dựa vào 10ha rừng. Mỗi năm, sau đợt thu hoạch keo, vợ chồng anh lại tất bật tìm thầy về “chữa bệnh” cho con.
|
Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Anh đang dạy trẻ tự kỷ |
Qua giới thiệu của người thân, anh V. tìm đến thầy Ng. ở phía trên cầu An Lỗ, thị xã Hương Trà, để nhờ cậy vào “uy lực của thần linh”. Mỗi lần đưa con lên nhà thầy Ng. làm lễ cúng, gia đình anh V. phải chuẩn bị đủ lễ phẩm gồm vàng mã, cơm gạo, cháo muối, gà vịt và 3 miếng thịt dê, 1 két nước suối, tổng cộng hơn 5 triệu đồng, chưa kể tiền “cúng dường” cho thầy.
“Suốt 2 năm qua vợ chồng tui đã mất gần 100 triệu đồng để tìm thầy chữa bệnh cho con, ai chỉ đâu tôi đi đó, nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Nay tôi quyết định chịu khó mỗi ngày chở cháu vào TP.Huế nhờ các thầy cô ở trung tâm nuôi trẻ tự kỷ dạy dỗ. Chúng tôi thấy tình hình của cháu khả quan hơn. Cháu đã tự biết đi vệ sinh và phát âm được vài tiếng lơ lớ” - anh N.T.V. cho biết.
Do thương con, nhưng lại thiếu kiến thức nên nhiều gia đình ở nông thôn miền núi đã mất khá nhiều tiền cho những “phác đồ điều trị truyền khẩu”. Trường hợp của anh H.V.N. và chị H.T.B., đồng bào Cơ Tu, ở xã Nhâm, huyện miền núi A Lưới mới đây là một ví dụ.
Thấy con đã 2 tuổi mà vẫn chưa biết nói, anh N. đưa con là cháu T. đi khám tại trung tâm y tế huyện. Các bác sĩ thông báo với gia đình là cháu chậm nói do hội chứng tự kỷ. Nhưng, khi về nhà, được sự “chia sẻ kinh nghiệm” từ bà con trong bản, anh N. đã mổ 30 con gà để lấy lưỡi gà nấu cháo cho con ăn. Để có đủ lưỡi gà nấu cháo cho con ăn, mỗi ngày, anh N. đã nhờ người ở dưới TP.Huế đặt mua rồi gửi lên. Nhưng kết quả là con anh vẫn chưa nói được tiếng nào.
Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, vợ chồng anh N.H.N. và L.K.L. ở TP.Huế đã bỏ ra 600 triệu đồng rước “lang băm” về chữa trị chứng tự kỷ cho con, để rồi phải hối hận vì người này đưa bé lên Lâm Đồng chữa trị nhưng sau đó lại gửi về cho gia đình hũ tro cốt, nói đứa trẻ đã tử vong do nhiễm COVID-19. Hiện vụ việc đang được công an điều tra, làm rõ.
Nỗi lòng thầy cô
Là người có kinh nghiệm hơn 10 năm dạy trẻ tự kỷ, cô Lê Thị Kim Anh - giáo viên kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Anh tại TP.Huế - cho rằng: “Phụ huynh hay giấu tình trạng của trẻ, lúc nào cũng bảo “cái chi cháu cũng biết, chỉ tội không chịu nói”. Họ chỉ quan tâm chuyện biết nói mà chưa thấy những khó khăn khác của con”.
|
Tổ chức sinh nhật cho các cháu ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Anh |
Trong quá trình làm việc nhiều năm với trẻ tự kỷ, cô Kim Anh vẫn nhớ, vào năm 2015, cô nhận cháu T.T.H., 3 tuổi, ở thị xã Hương Thủy. Lúc vào, cháu chưa biết dùng ống hút, chưa biết tự đi vệ sinh. Suốt tháng đầu tiên, cháu chưa chịu hợp tác mà chỉ khóc, còn cô chỉ lau mũi, lau mắt, lo việc tiểu tiện cho cháu là hết giờ. Tập gần 1 tháng thì cháu tự cầm hộp sữa hút ngon lành. Cô quay video gửi cho gia đình, cha mẹ mừng rỡ.
Nhưng suốt 6 tháng sau đó, cháu không tiến bộ trong hành vi, ngôn ngữ. Cô thấy áp lực quá nên muốn trả cháu lại cho gia đình. Nhưng mẹ cháu vẫn mong cô cố gắng.
Sau những cố gắng của cả cô và trò, cuối cùng cháu đã có nhiều tiến bộ, chơi luân phiên tốt, phát âm được những tiếng đầu tiên “mẹ”, “cô”. “Bây giờ T.T.H. đã học lớp Bốn hòa nhập cùng các bạn ở trường. Sau nhiều năm không gặp, nhưng gọi điện cháu vẫn nhớ tên cô. Chỉ cần thế là mình cảm thấy vui” - cô Kim Anh không giấu được niềm vui.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Minh Anh hiện có 11 cán bộ, nhân viên, đang hỗ trợ can thiệp cho hơn 40 cháu với 2 hình thức là can thiệp theo giờ học cá nhân và theo nhóm. Cô Kim Anh cho biết, mỗi cháu đều có những khó khăn riêng, không cháu nào giống cháu nào, nên các cô phải xây dựng kế hoạch dạy và học phù hợp với từng cháu. Danh sách các cháu chờ để được xếp lịch can thiệp còn rất nhiều.
Ở trung tâm, ngoài việc học, các cháu còn có các hoạt động chung như tổ chức sinh nhật hằng tháng để giúp các cháu biết ngồi yên, ổn định trong các hoạt động tập thể. Bên cạnh đó là các hoạt động dã ngoại hằng tuần giúp các cháu làm quen với không gian vui chơi, tương tác tập thể bên ngoài.
Để xã hội có cái nhìn tích cực về hội chứng tự kỷ ở trẻ nhỏ, cô Kim Anh khuyến cáo: Hiện nay vẫn còn nhiều gia đình chưa hiểu rõ về hội chứng tự kỷ nên còn nhiều suy nghĩ lệch lạc về cách hỗ trợ cho trẻ. Thực ra, tự kỷ không phải là bệnh nên không có thuốc nào chữa lành.
Tự kỷ là một hội chứng (khiến trẻ có sự phát triển không bình thường, với rất nhiều biểu hiện rối loạn về cảm xúc, ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi) và nó sẽ kéo dài trong suốt cuộc đời của mỗi đứa trẻ. Nếu các cháu được phát hiện, can thiệp sớm, giáo dục đúng cách sẽ có những tiến bộ và khả năng hòa nhập cộng đồng tốt.
“Lời khuyên tốt nhất cho các gia đình có con em mắc hội chứng tự kỷ là bố mẹ cần quan sát, nếu thấy có những dấu hiệu khác thường thì liên hệ với các đơn vị có chức năng sàng lọc, đánh giá sớm và nhờ tư vấn hướng can thiệp, hỗ trợ phù hợp nhất cho con. Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng hiểu hơn về hội chứng tự kỷ để tránh có những hành vi kỳ thị trẻ” - cô Kim Anh nhắn gửi.
Thuận Hóa