Tìm sự thanh thản cuối đời

19/01/2016 - 08:05

PNO - Trong xã hội hiện đại, hiện tượng ly hôn không chỉ xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ mà còn thấy không ít ở những đôi vợ chồng đã lớn tuổi.

Ly hôn khi tuổi đã cao có những điểm khác biệt so với ly hôn khi còn trẻ. Chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) phân tích vấn đề ly hôn của người cao tuổi.

* Thưa bà, nguyên nhân ly hôn ở người cao tuổi là gì? Tại sao tuổi đã cao mà các đôi vợ chồng phải tính đến chuyện ly hôn?

Bà Nguyễn Thu Hiên: Nguyên nhân ly hôn có hai dạng khác nhau. Dạng thứ nhất: hôn nhân đã rạn nứt từ thời còn trẻ, lẽ ra vợ chồng chia tay lúc ấy nhưng vì nhiều lý do mà họ tiếp tục chịu đựng. Lý do đầu tiên là họ thương con, có trách nhiệm với con nên không muốn con còn nhỏ mà phải chịu cảnh gia đình ly tán, họ muốn đợi đến khi con trưởng thành mới ly hôn. Một lý do khác là họ sợ ảnh hưởng đến uy tín, sĩ diện, công việc làm ăn, công danh sự nghiệp. Họ còn sợ phải phân chia tài sản. Vì vậy, các đôi vợ chồng đến già mới tính đến chuyện ly hôn…

Dạng thứ hai: mâu thuẫn và rạn nứt phát sinh khi vợ chồng cao tuổi vì các nguyên nhân như công việc làm ăn thua lỗ, ngoại tình (ở thời điểm hiện tại hoặc đã từ lâu nhưng đến hiện tại mới phát hiện), sự trái tính trái nết không thể dung hòa của cả hai do tuổi tác… vì vậy họ muốn ly hôn.

Dù thuộc dạng nào, vợ chồng cao tuổi ly hôn cũng chỉ vì mong muốn được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không như ý, được sống bình an, thanh thản trong những năm tháng cuối đời, không bị ức chế… Đã chịu đựng gần hết cả cuộc đời, họ không muốn phải chịu đựng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay.

Tim su thanh than cuoi doi
Ảnh mang tính minh họa - Internet

* Khi ly hôn, người cao tuổi phải đối mặt với những áp lực nào?

- Người trẻ tuổi ly hôn chịu nhiều áp lực về các vấn đề như trách nhiệm nuôi dạy con, việc tái hôn, vượt qua cú sốc về tâm lý… Người cao tuổi khi ly hôn sẽ phải đương đầu với những áp lực mang tính chất khác: dư luận xã hội không đồng tình, sự phản đối gay gắt của các con đã trưởng thành…

* Người cao tuổi phải làm gì khi con cái phản đối gay gắt và quyết liệt việc ly hôn của cha mẹ?

- Trước tiên phải bình tĩnh và kiên nhẫn giải thích, thuyết phục cho con cái hiểu và thông cảm, chấp nhận việc ly hôn của cha mẹ. Trong trường hợp con cái vẫn cố chấp phản đối quyết liệt thì cần quyết tâm giữ vững lập trường của mình. Nếu cuộc hôn nhân chỉ là đau khổ và chịu đựng thì tất yếu phải ly hôn, bất kể con cái phản đối.

Nói cho cùng, người cao tuổi có quyền tự giải thoát bản thân khỏi cuộc hôn nhân bất như ý để được tự do sống cuộc sống của chính mình, để thanh thản trong những ngày cuối đời. Một khi ly hôn là điều hợp lý và chính đáng thì đừng quá bận tâm đến dư luận hay thái độ phản đối của con cái.

* Liệu họ có thể chọn giải pháp ly thân?

- Chọn giải pháp ly thân hay ly hôn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu chỉ cần ly thân là đã đủ để người cao tuổi có thể thoát khỏi sự chịu đựng, ức chế để sống thanh thản thì nên ly thân. Nếu ly thân không giải quyết được vấn đề, cũng nên mạnh dạn ly hôn.

Kéo dài cuộc hôn nhân trong đau khổ và ức chế, chịu đựng là tù ngục mà người ta hành hạ nhau. Một khi hôn nhân không thể cứu vãn và ly hôn là giải pháp cuối cùng và tốt nhất thì vẫn phải ly hôn dù tuổi đã cao. Hãy cứu lấy những tháng ngày cuối đời của chính mình. Đừng vì bất cứ ly do gì mà phải chịu đựng trong ức chế.

* Cám ơn bà. 

Nguyễn Diễm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI