Tìm ra phương pháp điều trị hen suyễn mới sau 50 năm

02/12/2024 - 15:37

PNO - Cứ mỗi 30 giây, một người nào đó trên thế giới sẽ trải qua cơn bùng phát các triệu chứng hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) gây nguy hiểm tính mạng. Phương pháp mới đem lại hiệu quả nhiều hơn 30% so với cách điều trị phổ biến trong suốt 50 năm qua.

Phương pháp điều trị bệnh hen suyễn và COPD đợt cấp không thay đổi trong năm mươi năm qua mặc dù gây ra 3,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm
Phương pháp điều trị bệnh hen suyễn và kịch phát COPD không thay đổi trong 50 năm qua mặc dù căn bệnh gây ra 3,8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm

Các phát hiện được công bố vào cuối tháng 11 trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine có thể "thay đổi cuộc sống" của hàng triệu người mắc bệnh hen suyễn và COPD trên toàn thế giới.

Cơn hen suyễn và đợt bùng phát COPD (còn gọi là đợt kịch phát) có thể gây tử vong. Đáng lưu ý, cả 2 tình trạng bệnh này đều rất phổ biến. Mỗi ngày tại Anh, 4 người mắc bệnh hen suyễn và 85 người mắc bệnh COPD sẽ tử vong.

Đợt kịch phát tăng bạch cầu ái toan chiếm tới 30% các đợt bùng phát COPD và gần 50% các cơn hen suyễn. Chúng đi cùng những triệu chứng như thở khò khè, ho và tức ngực do tình trạng viêm.

Tần suất xảy ra các đợt kịch phát có thể trở nên thường xuyên hơn khi bệnh tiến triển, dẫn đến tổn thương phổi không thể phục hồi trong một số trường hợp.

Phương pháp điều trị tại thời điểm bùng phát của loại hen suyễn này bằng thuốc steroid hầu như không thay đổi trong hơn 50 năm qua.

Các loại steroid như prednisolone có thể làm giảm tình trạng viêm ở phổi nhưng thường đi kèm tác dụng phụ nghiêm trọng như tiểu đường và loãng xương. Hơn nữa, nhiều bệnh nhân “thất bại” trong điều trị và cần phải dùng nhiều đợt steroid, nhập viện hoặc tử vong trong vòng 90 ngày.

Kết quả từ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai - do các nhà khoa học từ trường King's College London (Anh) dẫn đầu và được tài trợ bởi Đại học Oxford – chỉ ra rằng, loại thuốc với tên gọi Benralizamab có thể được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp để giảm nhu cầu điều trị và hạn chế nhập viện.

Benralizamab là một kháng thể đơn dòng nhắm vào các tế bào bạch cầu cụ thể, được gọi là bạch cầu ái toan, từ đó giúp giảm viêm phổi. Hiện tại, thuốc này được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn nặng.

Thử nghiệm giai đoạn hai phát hiện ra rằng một liều benralizamab duy nhất có thể hiệu quả hơn khi tiêm tại thời điểm kịch phát so với thuốc uống steroid.

Sau 28 ngày điều trị trong quá trình thử nghiệm, các triệu chứng hô hấp như ho, thở khò khè, khó thở và nghẹt đờm ở bệnh nhân được cải thiện tốt hơn nếu dùng benralizumab.

Sau 90 ngày, nhóm dùng benralizumab ghi nhận số trường hợp điều trị thất bại ít hơn 4 lần so với nhóm dùng prednisolone.

Điều trị bằng thuốc tiêm benralizumab cũng có hiệu quả lâu hơn, nghĩa là bệnh nhân ít phải tái khám với bác sĩ hoặc nhập viện trở lại. Chất lượng cuộc sống của những người mắc bệnh hen suyễn và COPD cũng được cải thiện sau khi sử dụng benralizamab.

Mặc dù liều benralizumab thấp hơn đã được chấp thuận để kiểm soát hen suyễn lâu dài, sản phẩm vẫn chưa được cấp phép sử dụng cho các đợt bùng phát, ở liều dùng như trong nghiên cứu.

Để điều phương pháp điều trị này đi vào thực tiễn, nhóm nghiên cứu cần có các thử nghiệm giai đoạn 3, bao gồm nhiều nhóm dân số đa dạng tham gia tại nhiều nước trên thế giới.

Nếu các thử nghiệm tiếp theo xác nhận những phát hiện trên, benralizumab có thể trở thành liệu pháp mới đầu tiên được chấp thuận cho các đợt bùng phát tăng bạch cầu ái toan của bệnh hen suyễn và COPD trong hơn 50 năm qua.

Ngọc Hạ (theo Science Alert, Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI