|
Lisa Ford luôn dành tình cảm đặc biệt cho những thiết bị công nghệ cũ - Ảnh: Guardian |
Trân quý những chiếc máy lỗi thời
Với thế hệ trẻ ngày nay - những người chưa bao giờ được trải nghiệm cuộc sống thời chưa có wifi, khái niệm về máy fax, máy đánh chữ, những buổi tối cùng nhau đi xem kịch… không chỉ lỗi thời mà còn hoàn toàn xa lạ.
Dù vậy, không phải ai cũng quên đi sức hấp dẫn của những thiết bị công nghệ cũ. Từ bàn phím lạch cạch của chiếc máy đánh chữ cho đến chiếc Sony Walkman to bản, một số người chưa bao giờ “bỏ quên” thiết bị công nghệ yêu thích của mình. Với họ, đó không đơn thuần là một thiết bị mà còn gắn bó cùng họ qua những khoảng thời gian tuyệt vời, cùng họ tạo nên những ký ức khó quên.
Lisa Ford (54 tuổi, Mỹ) là y tá. Khi làm việc trong bệnh viện ở Missouri, cô vẫn thường xuyên sử dụng máy fax dù hiện nay, hầu hết tài liệu đều được người dùng chuyển qua email hay mạng xã hội.
“Máy fax thực sự thiết thực, an toàn và đơn giản. Nếu muốn gửi tài liệu qua mạng, bạn thường phải chuyển đổi tài liệu đó sang dạng file PDF hoặc định dạng khác, điều này phức tạp hơn fax. Tôi cũng vẫn sử dụng máy nhắn tin. Điều này thật tuyệt khi bạn không có sóng điện thoại hoặc mạng internet (thiết bị này sử dụng tín hiệu vô tuyến)” - cô Ford nói.
Không thể phủ nhận công nghệ mới hiệu quả hơn nhưng một số người dùng vẫn cảm thấy không an tâm vì những lo ngại về độ bảo mật. Họ không biết dữ liệu của mình có đang bị ai thu thập và sử dụng chúng với mục đích xấu hay không.
Việc cô Ford dành tình yêu đặc biệt cho các thiết bị công nghệ cũ còn bắt nguồn từ sở thích cá nhân. Cô thường xuyên dùng máy đánh chữ để viết thiệp và ghi chú. Cô tự hào cho biết khi nhận được những chiếc thiệp trên, bạn bè, người thân của cô đều trân quý và cất giữ chúng cẩn thận.
Tương tự, Aren Devlin (39 tuổi, Anh) đến giờ vẫn rất vui với biệt danh “Nữ hoàng BlackBerry” bạn bè đặt cho cô. Biệt danh này xuất phát từ việc Aren sử dụng một chiếc điện thoại BlackBerry suốt nhiều năm qua. Vẻ ngoài của nó thô kệch hơn nhiều so với những chiếc điện thoại siêu mỏng hiện đại nhưng Devlin rất thích cảm giác chạm vào bàn phím.
|
Aren Devlin hào hứng khoe chiếc điện thoại BlackBerry yêu thích - Ảnh: Guardian |
“Mọi người nhìn vào điện thoại của tôi và nói nó như một con mèo con xấu xí. Thậm chí không ít người đã ngỡ ngàng khi đến giờ tôi vẫn sử dụng nó. Dù tôi rất yêu chiếc BlackBerry của mình, tôi vẫn ý thức được rằng mình đang sống trong kỷ nguyên hiện đại nên cũng có đôi chút bất tiện khi chiếc điện thoại yêu thích thiếu một số chức năng. Hiện tại, điện thoại tôi có thể thực hiện được các cuộc gọi, nhắn tin, gửi/nhận email và sử dụng WhatsApp. Tôi có thể chụp ảnh nhưng chất lượng ảnh không tốt. May mắn là tôi không có thói quen hay sở thích sử dụng máy ảnh nên đó không phải là vấn đề lớn đối với tôi” - Devlin chia sẻ.
Theo Devlin, bên cạnh những bất lợi về mặt tiện ích, việc sử dụng điện thoại thời cũ cũng có mặt lợi. Ưu điểm lớn nhất là nó giúp cô không lãng phí nhiều thời gian cho mạng xã hội. Điều này cho phép cô tập trung vào những mối quan hệ xung quanh, ở bên gia đình, người thân nhiều hơn.
Devlin không chắc cô có mua được một chiếc BlackBerry mới trong tương lai khi chiếc điện thoại cô đang dùng bị hỏng vì chúng hiện không còn được sản xuất. Tuy nhiên, cô vẫn khẳng định sẽ không mua điện thoại mới cho đến lúc nó bị hư, dù điều kiện kinh tế của cô khá tốt.
“Tôi luôn ý thức về lượng khí carbon do con người thải ra môi trường, vì vậy nếu thứ gì đó vẫn còn dùng được và tôi thích nó, tại sao tôi lại phải thay thế? Tôi nghĩ rằng chạy theo công nghệ liên tục là lãng phí” - cô Devlin nói.
Lưu giữ giá trị về tinh thần
Giữa bộn bề cuộc sống, tìm kiếm cho riêng mình một sở thích thú vị không phải là điều đơn giản. Càng khó khăn khi tìm thấy được những người bạn tâm giao có cùng quan điểm, sở thích. Đó cũng chính là lý do Carla Watkins (36 tuổi, Anh) trân quý những chiếc máy đánh chữ của cô đến vậy.
Cô gây bất ngờ khi cho biết hiện đang sở hữu đến 8 chiếc máy đánh chữ, 3 trong số đó vẫn hoạt động bình thường. Carla không chỉ dùng máy đánh chữ để viết thư và ghi nhật ký mà thiết bị công nghệ này còn đánh dấu cho tình bạn bền bỉ của cô.
“Tôi có một người bạn thân. Từ xưa đến nay, chúng tôi giữ liên lạc hoàn toàn qua những lá thư đánh máy. Điều đó thật thú vị. Trong thế giới kỹ thuật số, thật tuyệt khi nhận được một phong bì to dày chứa những tin tức mà bạn sẽ không thể tìm thấy trong bản cập nhật của Facebook. Việc đánh máy giúp tôi thư giãn, tập trung tốt hơn. Thật khó để tìm được người sửa chữa những chiếc máy này, chưa kể việc đó rất tốn kém nhưng tôi quyết tâm sửa những chiếc máy đánh chữ khác của mình…” - cô Carla chia sẻ.
|
Carla Watkins bên bộ sưu tập máy đánh chữ của mình - Ảnh: Guardian |
Chiếc máy đánh chữ lâu đời nhất Carla sở hữu được sản xuất từ hơn 1 thế kỷ trước. Cô cũng bày tỏ niềm yêu thích tìm hiểu lịch sử của những chiếc máy này. Ngoài máy đánh chữ, Carla còn có một chiếc điện thoại bàn loại quay số mà cô cực kỳ yêu thích.
Trong khi đó, từ sở thích cá nhân nghe băng cassette qua chiếc máy nghe nhạc Sony Walkman của mình, Tess Caven (56 tuổi, Anh) thậm chí còn truyền niềm đam mê sang con cái.
“Cha tôi từng đóng quân ở Miến Điện trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông thường kể cho chúng tôi nghe những trải nghiệm tuyệt vời của ông. Vào những năm 1990, tôi đã ghi chúng vào băng cassette để đảm bảo rằng tôi có thể nghe chúng mọi lúc mọi nơi. Mặc dù biết có thể số hóa chúng, tôi vẫn thích nghe chúng trên chiếc Sony Walkman. Với thiết bị này, bạn có thể nghe thấy tất cả tiếng lách tách và âm thanh nền. Nó đưa tôi về lại những năm tháng tôi dành cả ngày dài để ghi lại những câu chuyện… Tôi hy vọng chiếc máy của mình sẽ không bị hư bởi tôi không biết phải sửa nó như thế nào” - ông Tess chia sẻ.
Đến giờ, ông vẫn cất giữ nhiều băng cassette cũ từ những năm 1980 mà các con ông thích nghe. Dù những bản nhạc này có thể dễ dàng tìm thấy trên Spotify nhưng cha con ông muốn đắm chìm trong âm thanh của chiếc Sony Walkman vì nó ít bóng bẩy và giúp âm nhạc có chiều sâu hơn.
Tương tự, Neil Thomas (42 tuổi, Anh), những năm qua cũng đã bắt đầu thu thập thêm nhiều máy tính và bảng điều khiển game phiên bản cũ. Anh còn thiết lập một trang web và kênh YouTube dành cho những người có cùng đam mê. Kết quả, mọi người đã bắt đầu gửi cho anh các bảng điều khiển và máy tính cũ của họ. Từ đó, anh đã mở 2 cửa hàng ở Cotswold - nơi mọi người có thể đến chơi game thoải mái.
“Tôi nghĩ rằng sự hồi sinh của các bảng điều khiển cũ đang diễn ra một phần vì mọi người muốn sống lại thời tuổi trẻ của mình. Mặt khác, nhiều người cũng muốn chia sẻ thú vui ngày nhỏ với con cái họ. 10 năm trước, bạn có thể mua những chiếc máy chơi game cũ một cách dễ dàng nhưng bây giờ, chúng đã trở nên đắt đỏ. May mắn thay, chúng tôi có một phòng đặc biệt trong cửa hàng chuyên vệ sinh, sửa chữa các bảng điều khiển game để đảm bảo chúng luôn trong tình trạng tốt nhất” - anh Neil nói.
Chung Thu Hương