Tìm lại nguồn vui sống

12/04/2014 - 18:20

PNO - PNCN - Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, Nguyễn Thị Bích Nhàn (SN 1982) rời TP.Tuy Hòa lên miền núi Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên) giảng dạy. Cô được các đồng nghiệp yêu quý. Tuy nhiên, cô giáo dạy văn giỏi nghề này lại bất hạnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tim lai nguon vui song

Cô giáo Bích Nhàn

Họa vô đơn chí

Là giáo viên dạy văn giỏi của Trường THCS Sơn Giang, cô Nhàn được tín nhiệm làm tổ trưởng tổ Văn. Nhiều lứa học trò ra trường vẫn còn nhớ cô giáo Nhàn trẻ trung, hiền hậu và giảng bài thật lôi cuốn, hấp dẫn. Năm 2004, Nhàn lập gia đình với một chàng trai địa phương.

Hạnh phúc tưởng quá viên mãn khi năm 2006 họ có được cậu con trai kháu khỉnh, cất được ngôi nhà khang trang. Nhưng một lần đi thăm người bà con bị bệnh, chồng chở cô bằng xe máy bị tai nạn giao thông. Chồng cô chỉ bị xây xước nhẹ, còn cô thì hôn mê, bất tỉnh suốt một tuần ở bệnh viện tỉnh, rồi hơn một tháng ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Cô kể: “Tôi tỉnh dậy lơ láo bàng hoàng. Trán và xung quanh miệng đầy những vết thương, miệng lùng nhùng những sợi chỉ khâu”. Cô ra viện trong tình trạng lé và nhược thị, do dây thần kinh 6 bị liệt. Tay chân cô trở nên cứng đơ, chậm chạp.

Phụ huynh học sinh tỏ ra lo ngại, không biết cô Nhàn còn giảng dạy con em họ được nữa không. Khi cô ra viện về trường, trường đã có một giáo viên khác nhận nhiệm vụ tổ trưởng tổ Văn thay cô. Người chồng lẽ ra phải động viên an ủi, thương yêu vợ nhiều hơn thì lại tỏ vẻ lạnh nhạt. Ít lâu sau, cô gom góp tiền trở vào TP.HCM nhờ bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình mắt. Bác sĩ khuyên cô không nên phẫu thuật vì không phải mắt bị lé bẩm sinh mà do tai nạn. Nếu có phẫu thuật cắt bỏ một bên dây chằng, thời gian sau mắt sẽ bị lé lại.

Tim lai nguon vui song

Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc chi nhánh FPT Telecom Phú Yên trao bằng khen cho cô giáo Nguyễn Thị Bích Nhàn nhân tổng kết cuộc thi viết về Internet

Chưa hết cơn đau thể xác, cô gánh tiếp nỗi đau tinh thần. Nỗi đau lần này nặng hơn, nhức nhối hơn, khi người chồng tiếp tục gây ra “tai nạn” cho cô. Trong một dịp đi tập huấn dài ngày năm 2011, trở về trường, cô thấy mọi người nhìn mình với ánh mắt ái ngại. Những người hàng xóm rỉ tai cho hay, những ngày cô đi vắng, chồng cô đã cặp với một phụ nữ khác. Tìm hiểu nguyên nhân, cô biết, khi người phụ nữ kia lên ủy ban xã nộp đơn xin ly hôn, chồng Nhàn là cán bộ xã, tham gia tư vấn về vụ ly hôn. Bỗng dưng, anh và người kia “thương” nhau, mê đắm đến nỗi anh bỏ công việc để theo người phụ nữ ấy đi… mót mì. Khi bị vợ truy hỏi, lúc đầu anh còn chối cãi, sau đó ngang nhiên thừa nhận. Những ngày giáp Tết, cô buồn rầu ôm con trai trong căn nhà vắng, đau lòng nhìn chồng chở con riêng của bồ đi mua sắm quần áo, bánh kẹo. Hận chồng, có lúc cô đã nghĩ đến cái chết, nhưng lại thương con trai, thiên thần bé nhỏ của cô nếu thiếu bàn tay mẹ thì sẽ sống ra sao?

Niềm vui trở lại

Giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly, khi chồng cô chửi mắng, nhục mạ cô: “Sao mày không chịu ly hôn? Mày còn định ám tao đến bao giờ?”. Lòng tự trọng của một giáo viên, nỗi hận của một tình yêu chân thành bị phản bội khiến cô đi đến quyết định chia tay.

Tim lai nguon vui song

Các đồng nghiệp chia vui cùng cô Bích Nhàn

Quyết không để nỗi đau nhấn chìm mình, cô trải lòng qua việc viết văn. Công việc này giúp cô giải tỏa những bức xúc, cũng là thể hiện với đồng nghiệp, với phụ huynh học sinh rằng cô không bị “chập mạch”, cô vẫn sáng suốt, tỉnh táo trong công tác giảng dạy. Những bài tản văn, những truyện ngắn của cô lần lượt xuất hiện trên các trang báo uy tín cả nước. Cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Áo Trắng năm 2011, Nhàn đoạt giải nhì. Cuối năm 2012, với bài viết Tái sinh từ Internet, cô Nhàn được Công ty FPT Telecom và Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) trao giải nhì. Bài viết là câu chuyện cảm động về chính bản thân cô. Nhờ Internet, cô đã có thêm nhiều người bạn mới và thêm niềm tin vào cuộc sống. Tập thể thầy cô giáo trong trường và học sinh chúc mừng cô đã đem thành tích về cho mình và cho cả ngôi trường vùng sâu hẻo lánh. Đầu năm 2013, dù thời tiết miền Bắc rét đậm, cô vẫn quyết một mình lặn lội ra Hà Nội dự tổng kết cuộc thi viết về gia đình, mà cô là một trong những tác giả được giải. Nhiều bạn bè ngoài Bắc đã vui mừng đón cô, đưa cô đi thăm thú thủ đô, nơi lần đầu cô được đặt chân tới.

Các học sinh của cô Nhàn, em nào cũng tự hào khi khoe cô giáo mình đã thành một “nhà văn”. Cảm thông hoàn cảnh và nghị lực của cô giáo trẻ, bà con trong xóm sẵn sàng giúp đỡ mẹ con cô mỗi khi gặp khó khăn.

Giờ đây, mỗi tối trong ngôi nhà rộng lại vang lên tiếng cười của hai mẹ con. Có ai hỏi cô về chuyện cũ, cô đều cười thật tươi, trải lòng: “Đúng là có lúc mình bi quan quá, nghĩ quẩn. Nhưng càng cố gắng vượt qua nỗi đau, mình càng thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, bởi xung quanh mình còn bao nhiêu người tốt, bao nhiêu bạn bè thân thiết sẵn sàng mở rộng vòng tay”.

PHƯƠNG QUÝ

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI