Tìm lại nguồn cội từ vùng trắng ký ức

26/11/2022 - 06:37

PNO - Sau hàng chục năm, nhiều người con nuôi mới có dịp trở lại mảnh đất mình sinh ra. Dù không có quá nhiều ký ức về miền đất đó, họ vẫn vui và hạnh phúc khi được trở về cội nguồn.

 

Linn G. Assersen hạnh phúc khi được trở về quê hương
Linn G. Assersen hạnh phúc khi được trở về quê hương

Đi thật xa để trở về

Bên cạnh trở ngại về địa lý, tâm lý bị bỏ rơi cũng khiến nhiều người con nuôi không mặn mà với việc tìm lại cội nguồn. Tuy nhiên, sau nhiều năm suy nghĩ, họ vẫn quyết định trở lại và không giấu được sự xúc động.

Sau 45 năm xa quê hương, Linn G. Assersen mới trở lại Hàn Quốc - nơi cô sinh ra. Trong suốt cuộc đời của mình, bất cứ khi nào được hỏi liệu có muốn đến thăm Hàn Quốc hay không, cô đều từ chối. Theo Assersen, cô là người Na Uy. Cô không bao giờ cảm thấy cần phải tìm cha mẹ ruột của mình. 

"Vậy nhưng khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Incheon, tôi đã bật khóc. Tôi không biết cảm xúc ấy đến từ đâu. Khi bạn không muốn đối mặt với điều gì không thoải mái, bạn sẽ cố gắng phớt lờ nó. Trước khi đến đây, tôi đã nghĩ: "Có lẽ mình không nên đến. Có lẽ 2 tuần là quá dài…". Bây giờ, tôi ước mình có nhiều thời gian hơn" - cô Assersen (46 tuổi) cho biết trong một cuộc phỏng vấn ở Seoul.

Chỉ vài ngày trước khi trở về quê hương, Assersen mới biết rằng cha và mẹ ruột của cô đã qua đời lần lượt vào năm 2009 và 2018. Cô tâm sự, có lẽ mình rơi nước mắt bởi đã đánh mất cơ hội được gặp những người đã sinh ra mình, cảm giác tiếc nuối khi lẽ ra điều này cô có thể thực hiện được và đáng lẽ cô nên trở về sớm hơn.

Theo hồ sơ nhận con nuôi, tên tiếng Hàn của Assersen là Yoon Ra-ok, sinh ngày 29/5/1976. Vì hoàn cảnh khó khăn và lo lắng cho tương lai con mình, cha mẹ Assersen quyết định gửi cô đến một cơ quan nhận con nuôi.

Hành trình tìm về cội nguồn của cô bắt đầu từ sự tò mò. Cô biết mình là con nuôi ngay từ khi còn nhỏ nhờ cha mẹ nuôi của cô rất cởi mở về điều đó. Lớn lên với 2 người anh trai ở thành phố Stavanger, tuổi thơ của cô vui vẻ, yên bình.

Tuy nhiên, Assersen vẫn trăn trở: “Tôi may mắn khi luôn cảm thấy mình là người Na Uy 100% nhưng vẫn tò mò về bản sắc và xuất thân của mình. Liệu những điều đó đã ảnh hưởng đến con người tôi như thế nào? Có một mối liên kết còn thiếu trong cuộc đời tôi... Tôi cảm thấy cần phải khám phá thêm xem mình sẽ cảm thấy thế nào khi tìm về cội nguồn. Tôi không rõ liệu điều đó có tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời tôi hay không”.

Tương tự Assersen, Sun Hee Engelstoft cũng cảm thấy nặng nề khi biết rằng mình là một trong số hàng trăm ngàn người Hàn Quốc được đưa ra nước ngoài thông qua chương trình con nuôi quốc tế. Cô là một đạo diễn phim độc lập, dành phần lớn thời gian cuộc đời mình cho việc trở về Hàn Quốc để tìm kiếm những câu trả lời sâu sắc về quê hương.

Sun Hee Engelstoft vẫn đang trong hành trình tìm kiếm gia đình ruột thịt
Sun Hee Engelstoft vẫn đang trong hành trình tìm kiếm gia đình ruột thịt

“Tôi không biết mình sinh ngày nào, không biết ai đặt tên cho mình. Tôi không biết cha mẹ mình là ai và tôi có quan hệ họ hàng với ai… Tôi không biết liệu mình còn cơ hội được kết nối lại với bất kỳ ai trong gia đình hay tiếp xúc với những người biết câu chuyện về nguồn gốc của mình hay không” - Sun Hee Engelstoft chia sẻ.

Cha mẹ nuôi của Engelstoft là người Đan Mạch. Họ không thể kể cho cô nghe về Hàn Quốc vì hiểu biết của họ về nơi này rất ít. Họ cũng chưa bao giờ đến Hàn Quốc. Trong suốt những năm đi học, thông tin về nơi cô sinh ra rất hiếm. “Nhiệm vụ tốt nhất của tôi là trở thành người Đan Mạch và tôi đã cố gắng rất nhiều để làm được điều đó. Dù vậy, có những điều tôi không thể thay đổi. Khi tôi trở lại Hàn Quốc lần đầu lúc 20 tuổi, một phụ nữ lớn tuổi nói với tôi rằng tôi có khuôn mặt đậm nét Hàn và tôi bắt đầu khóc” - Sun Hee Engelstoft kể.

Từ nhỏ đến khi trưởng thành, Sun Hee Engelstoft chỉ biết mình sinh ra ở Busan vào năm 1982. Ngay từ khi mới chào đời, cô đã được đưa đến tổ chức nhận con nuôi Holt International.

Hạnh phúc vỡ òa

Bên cạnh sự tiếc nuối và những khó khăn trong hành trình tìm về nguồn cội, nhiều người con nuôi may mắn được gặp lại cha mẹ ruột. Không ít cảm xúc hỗn độn sau rất nhiều năm mới được gặp lại nhau, từ cảm giác xa cách đến vui sướng, thậm chí vỡ òa.

18 tuổi, Angelle Richardson được gặp mẹ ruột tại nhà một nhân viên xã hội ở New Jersey (Mỹ) - người đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cô được nhận nuôi. Mẹ ruột của Richardson được một người dì nuôi dưỡng khi bà mang thai năm 15 tuổi. Người dì nói với mẹ của Richardson rằng bà phải giao đứa bé làm con nuôi. Đó cũng là lý do 2 mẹ con bị chia cắt.

Trong nhiều năm, mẹ nuôi của Richardson (cũng là một nhân viên xã hội chuyên xử lý hồ sơ nhận con nuôi) nói với cô rằng cô có thể gặp gia đình ruột thịt của mình vào năm 18 tuổi. Khi thời điểm đến, nhân viên xã hội của Richardson tình cờ gặp cha mẹ ruột của cô tại một siêu thị địa phương và sắp xếp một cuộc đoàn tụ tại nhà mình - một không gian trung gian, an toàn. Richardson kể: "Mẹ và tôi ôm nhau. Mẹ đã khóc còn tôi cười rất nhiều".

Những cuộc đoàn tụ như của Richardson đang dần trở nên phổ biến hơn, khi ước tính khoảng 7 triệu người Mỹ đã được nhận làm con nuôi cùng với sự ra đời của bộ dụng cụ xét nghiệm DNA. Tuy nhiên, việc tìm về nguồn cội không phải lúc nào cũng có cái kết hạnh phúc. Không ít người con nuôi phải trải qua những cảm xúc hụt hẫng, muộn phiền.

Francy Egan (23 tuổi) là sinh viên năm cuối ở Montclair, New Jersey (Mỹ). Cô được nhận nuôi từ một trại trẻ mồ côi ở Colombia khi 13 tuổi. Dẫu được cha mẹ nuôi đối xử rất tốt, cô luôn muốn kết nối lại với mẹ ruột, kể từ khi cô bị tách khỏi gia đình ruột thịt và được đưa vào trại trẻ mồ côi (năm 8 tuổi).

Francy Egan (trái) gặp lại mẹ ruột của mình
Francy Egan (trái) gặp lại mẹ ruột của mình

5 năm trước, sau khi thuê thám tử tư, cha mẹ nuôi đã tìm ra mẹ ruột của cô. Ngay sau đó, Egan, cha mẹ nuôi và 2 em gái của cô (cũng là con nuôi) đã bay tới Colombia để cùng chứng kiến khoảnh khắc Egan đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, khi Egan và mẹ ruột cô gặp nhau, nhiều điều không vui đã xảy đến.

"Tôi thậm chí không cảm thấy có bất kỳ mối liên hệ nào với mẹ ruột của mình, giống như tôi gặp một người xa lạ. Tôi có thể hiểu về những gì đã xảy ra và lý do tôi được đưa vào trại mồ côi" - Egan tâm sự. Mẹ ruột của Egan là một người nghèo khó và có vấn đề về sức khỏe tâm thần nghiêm trọng khiến bà không thể chăm sóc con.

Egan tiếp tục: “Những hình dung về ngày đoàn tụ của tôi đã sụp đổ. Tôi nhận ra rằng cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn nếu không có bà ấy. Tôi đã mong ước về ngày này suốt 10 năm qua và rồi cuối cùng tôi cũng đã có thể gặp mẹ mình, nhưng đó không phải là điều tôi mong chờ”.

Cha mẹ nuôi của Egan đã giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Sau tất cả, cô cho biết bản thân không bao giờ hối hận khi gặp lại mẹ ruột.

Mẹ ruột của Egan đã qua đời 2 năm sau ngày đoàn tụ cùng con gái. Mẹ nuôi của cô tâm sự bà rất biết ơn vì "chúng tôi đã có thể mang đến cho mẹ của Egan sự thoải mái khi được gặp lại và ôm con mình, đồng thời để bà biết rằng Egan luôn được yêu thương, chăm sóc và an toàn". 

Chung Thu Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI