Tìm lại mùa hè đúng nghĩa cho học sinh

09/06/2022 - 06:28

PNO - Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), tình trạng trẻ em trên thế giới mắc chứng lo âu, trầm cảm càng thêm trầm trọng sau đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng chung này. Do vậy, hè năm 2022 này nên là khoảng thời gian vui chơi, vận động đúng nghĩa cho các em học sinh sau thời gian dài bí bách vì dịch bệnh.

Nhiều hoạt động hè chờ đón học sinh

Dù mới đầu hè nhưng Trường phổ thông Năng khiếu (PTNK) (Đại học Quốc gia TPHCM) đã có nhiều hoạt động vui chơi, vận động cho học sinh (HS) sau thời gian tập trung học tập, bù kiến thức. Ngày 3/6 trường tổ chức cho HS thi đấu giao lưu bóng rổ với Trường Quốc tế Renaissance (quận 7). Các HS cũng được tham quan trường bạn, trải nghiệm một số thử thách trong phòng học toán, những trang thiết bị hiện đại trong việc dạy và học khác.

Đây là sự kiện mở màn trong chuỗi các hoạt động giao lưu hè giữa HS hai trường, gồm hoạt động thể thao, học thuật, giao lưu quốc tế, tình nguyện vì cộng đồng...

Các hoạt động ngoại khóa đầu hè 2022 sôi nổi của học sinh Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) - ẢNH: P.T.
Các hoạt động ngoại khóa đầu hè 2022 sôi nổi của học sinh Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) - Ảnh: P.T.

Giáo sư Nguyễn Thị Thanh Mai - Hiệu trưởng Trường PTNK - cho biết trường có nhiều kế hoạch hè bổ ích, “vừa học vừa chơi” cho HS. Trong đó, PTNK Innovation Initiative là chương trình trải nghiệm thực tập nghiên cứu hè. Các em có cơ hội được làm việc, thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp và tổ chức xã hội...

Đặc biệt, chiến dịch “Hoa phượng đỏ” năm nay có một nội dung rất mới là “cầu nối lịch sử” - tổ chức đội hình tuyên truyền lịch sử, làm sản phẩm về lịch sử, văn hóa TPHCM, Việt Nam; tổ chức cuộc thi chạy trạm qua các bảo tàng, địa chỉ đỏ trong thành phố... 

Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) cũng khởi động mùa hè cho HS với các hoạt động đa dạng. Ngay sau khi tổng kết năm học, các em đã được sinh hoạt ngoại khóa tại nông trại Green Park Củ Chi, trải nghiệm một ngày làm nông dân, vui chơi thỏa thích.

Đồng thời, trường cũng chuẩn bị tổ chức các hoạt động vui học và tăng gắn kết giữa các HS như: “Ngày hội STEM khoa học vui, giáo dục tư duy và kỹ năng Nhật”, thảo luận chuyên đề xây dựng tình bạn đẹp, chương trình rối nước về anh hùng lịch sử Nguyễn Trung Trực...

Trong khi đó, ông Phan Minh Trung - Hiệu trưởng Trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh, TPHCM) - chia sẻ: “Trường thuộc huyện ngoại thành, các điểm vui chơi hè cho HS bị hạn chế so với các quận trung tâm. Do đó, hè năm nay, trường tăng cường hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao (bóng đá, bóng chuyền), văn nghệ, mỹ thuật, cờ tướng, cờ vua, đọc sách... cho HS. Đồng thời, tích cực phối hợp với đoàn thanh niên xã tổ chức các điểm sinh hoạt, vui chơi cộng đồng, lành mạnh cho các em, bởi suốt hai năm qua các em gần như không có một mùa hè đúng nghĩa”.

Cho trẻ giải tỏa năng lượng 

Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết: Năm nay, ngành giáo dục chú trọng việc tổ chức các hoạt động hè cho HS hướng tới mục tiêu hè an toàn, bổ ích. Các trường, các địa phương sẽ rà soát, bổ sung sách cho các tủ sách, xây dựng các điểm đọc sách trong trường học; tham quan đường sách, thư viện tổng hợp để hướng đến xây dựng văn hóa đọc cho HS.

Hè năm nay cũng có hàng loạt hoạt động để các em tăng cường vận động thể chất như giải thể dục Aerobic - Aerobic Dance, Festival bơi lội, trại hè Thanh Đa… Hiện sở đang yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động hè cho HS với phương châm “an toàn, vui tươi, lành mạnh” nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý giáo dục Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng một thời gian rất dài do ảnh hưởng dịch bệnh, các em HS gần như mất hẳn các mối quan hệ, giao tiếp bạn bè, chỉ “tương tác ảo”, nhốt mình trong bốn bức tường, học trực tuyến, dán mắt vào điện thoại, máy tính. Việc đi học trở lại vừa diễn ra nhưng nhà trường chủ yếu dành thời gian để bù kiến thức, đuổi kịp chương trình học. Năng lượng của các em bị tích tụ nhưng không có điều kiện giải phóng ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý lứa tuổi.

“Qua nghiên cứu, ở Việt Nam, sau đại dịch, số trẻ em tự kỷ, trầm cảm tăng hơn 30%. Do đó, hè 2022 này nên dành trọn vẹn để các em được giải tỏa năng lượng bí bách”, cô Trần Thị Minh Hằng khuyến cáo.  

Theo cô Trần Thị Minh Hằng, chính vì một thời gian quá dài không được giao lưu, trao đổi, nhiều em khó có thể hiểu bạn, cảm thông với bạn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực học đường tăng cao, tình trạng trẻ tự tử cũng đáng lo ngại. Phụ huynh cũng không nên nghĩ rằng nghỉ hè cho con đi du lịch là xong, mà các em phải được tham gia các hoạt động tập thể cùng nhau. Có như vậy, trẻ mới được “tắm mình” trong các mối quan hệ và lấy bạn để soi mình, hòa đồng, cảm thông với bạn và dễ chấp nhận cá tính của bạn.  

“Không nên nặng nề chuyện phải bù kiến thức, mà khi giúp trẻ cân bằng sức khỏe, tinh thần thì việc học tập khi bước vào năm học mới càng đạt hiệu quả cao hơn. Còn nếu không lưu tâm, giải tỏa tâm lý cho trẻ sẽ gây ra những tác hại lâu dài cho cả thế hệ”, cô Minh Hằng nhấn mạnh. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI