Ông đã lý giải quan điểm này trong cuốn sách Sau cuộc chiến: Làm thế nào để biến các xung đột gia đình thành điều có lợi cho mối quan hệ. Mọi xung đột trong gia đình đều có cách giải quyết và nếu tìm thấy, bạn có thể tiếp tục sống trong hòa bình.
Ông khuyến cáo các cặp vợ chồng phải biết xem bất đồng là một phần của mối quan hệ, sẽ giảm được tác động phá hoại của nó đối với hôn nhân và đưa ra một số giải pháp...
Đừng đè nén, hãy thảo luận cùng nhau
Thông thường, các cặp vợ chồng vẫn tìm mọi lý do để tránh né những góc nhọn của xung đột, vì nếu chạm vào một chủ đề khó chịu nào đó sẽ dẫn ngay đến một cuộc cãi cọ, làm xấu đi mối quan hệ.
Tuy nhiên, vẫn có những cách giúp ngăn chặn tổn thương, dù phải đối mặt với điều đó. Các vấn đề trong mối quan hệ thường có hai phần: bản thân vấn đề và cách vợ chồng thảo luận về vấn đề. Đa số thường im lặng trong một thời gian dài, sau đó mới bùng nổ bằng những lời buộc tội và đánh giá áp đặt, khiến đối phương phải tự vệ hoặc tấn công. Thế là xung đột.
Hãy thay đổi cách bạn nói về vấn đề. Đừng biến nó thành một cuộc cãi vã mà đưa nó vào những cuộc đối thoại thường xuyên của hai người. Làm điều này sẽ tạo cơ hội để thảo luận về sự khác nhau, khi cả hai không nóng giận mà có thái độ bình tĩnh và xây dựng.
Biến vấn đề thành cái cớ để gần nhau hơn
Nhiều người cho rằng, sự gần gũi chỉ có khi người ta dành nhiều thời gian cho nhau, có chung những sở thích và quan điểm. Tuy nhiên, theo Dan Wile, sự gần gũi lại nằm ở chỗ bạn tin tưởng chia sẻ với người phối ngẫu những suy nghĩ quan trọng nhất của mình và lắng nghe khi họ chia sẻ với bạn những suy nghĩ quan trọng nhất của họ.
Vì vậy, sự thừa nhận lẫn nhau trong các vấn đề, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến mối quan hệ, sẽ làm nảy sinh sự thân mật. Tùy vào cách những vấn đề này được thảo luận ra sao mà sự gần gũi giữa hai người phát triển hoặc suy yếu.
Việc tin tưởng đối tác trong một cuộc trò chuyện thẳng thắn là rất quan trọng; thậm chí đó là một cuộc trò chuyện thẳng thắn về những thứ không suôn sẻ giữa hai người.
Thảo luận an toàn
Là cuộc đối thoại không có những lời trách móc, kết tội lẫn nhau. Quy tắc căn bản của cuộc đối thoại này là:
1. Không sử dụng từ "luôn luôn" và "không bao giờ":
Bởi đó là những từ cường điệu, gây ra sự tức giận cho người đối thoại. Sự cường điệu đó thể hiện tình trạng kiềm chế quá lâu và không còn hy vọng vào một sự thay đổi tốt hơn. Đối thoại theo cách đó, chắc chắn không thể giải quyết được vấn đề. Vì thế, hãy luôn cố gắng tránh những từ ngữ gây xung đột.
2. Đừng bao giờ ngắt lời người kia:
Nếu không để đối phượng nói hết mọi điều, bạn chỉ làm đối phương thêm tức giận; đồng thời bạn sẽ tự đưa ra các kết luận sai về những gì đối phương còn chưa nói được.
Tất nhiên, buộc bản thân phải lắng nghe những lời cáo buộc không công bằng là không dễ, vì khi đó sự xúc phạm tăng lên và những lời chỉ trích nặng nề sẽ nhiều hơn, cho tới khi đến lượt bạn nói. Vì vậy, quy tắc "không ngắt lời" phải đi kèm với việc học cách phản đối sao cho không làm gián đoạn “bài cáo buộc” người kia.
3. Lặp lại những đối thoại:
Những câu kiểu như "Em hiểu anh thế này có đúng không", "Anh nói là... đúng không?", sẽ cho thấy bạn đã lắng nghe đối phương, ngay cả khi bạn không hoàn toàn hiểu đối phương, đối phương vẫn có cơ hội để giải thích thêm lần nữa. Khi lắng nghe những câu kết án giận dữ, bạn hãy tập trung vào ý nghĩa thật sự của nó, đừng để bị cuốn theo cảm xúc của của người nói.
4. Không đọc suy nghĩ của người khác:
Đọc suy nghĩ của người khác có nghĩa là bạn tự nói với người đó về những gì họ nghĩ, họ cảm nhận hoặc đang thử làm, thay vì hỏi họ hoặc đợi cho đến khi chính họ muốn nói ra, Daniel Wyle giải thích. Việc này cũng cho thấy bạn đang thể hiện một nỗi sợ hãi bởi điều mình đang nghĩ, dù có khi nó chẳng liên quan gì đến thực tế.
5. Chỉ nói những chuyện liên quan đến chủ đề:
Nhảy từ chủ đề này sang chủ đề khác sẽ làm cuộc trò chuyện trở nên rối rắm, phức tạp, gây mệt mỏi và thui chột mong muốn lắng nghe của đối tác.
6. Đừng nhớ lại những chuyện bực mình cũ:
Hiểu được các vấn đề hiện tại đã không đơn giản, nên bạn đừng lôi thêm các vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ ra, chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Nhắc nhở quá khứ chính là một sự khiêu khích. Những gì được đào bới từ quá khứ tuy có thể liên quan đến vấn đề hiện tại, nhưng nhiều khả năng bạn đang nhìn chúng dưới dạng phóng đại.
7. Không sa vào tranh luận những chi tiết không cần thiết:
Có thể khởi đầu các bạn thảo luận về việc làm thế nào dành nhiều thời gian hơn cho con cái, nhưng tiếp theo là các bạn sa vào những tranh cãi về việc mỗi ngày cha luôn chơi với con ít hơn mẹ. Bất kỳ chi tiết nhỏ nào cũng có thể là cơ hội cho những người đang tranh luận thể hiện sự bực tức về nhau đã được tích lũy theo thời gian.
8. Tránh lăng mạ nhau:
Khi bạn miêu tả đối phương bằng những từ ngữ hạ thấp, bạn cũng sẽ cảm thấy rất tức giận, bất lực và bạn sẵn sàng dùng bất cứ cách nào để “hạ gục” đối phương, kể cả những câu nói mà khi tỉnh táo lại, chính bạn cũng không chấp nhận được. Sự sỉ nhục luôn là dấu hiệu cho thấy cảm xúc đã vượt quá khả năng diễn đạt.
9. Khôi phục mối quan hệ sau xung đột:
Quy tắc quan trọng nhất mà Daniel Wyle nhấn mạnh là bạn không nhất thiết phải nỗ lực hết sức để tránh những cuộc cãi vã. Thay vào đó là nên luyện tập kỹ năng phục hồi mối quan hệ sau xung đột. Việc “phục hồi” này chính là một cuộc trò chuyện bình tĩnh sau khi cãi nhau.
Khi đã hiểu rõ những xung đột diễn ra như thế nào, ta có thể giảm xác suất đó xuống mức tối thiểu. Khi cơn bão đã đi qua, bạn có thể giúp người kia được nghe và hiểu. Hãy nhớ, trong một cuộc cãi vã, bạn có thể có được một số khám phá quan trọng về mối quan hệ của mình.
Nếu bạn ý thức rõ xung đột không hề là một trở ngại cho sự gần gũi, mà ngược lại, chính là con đường dẫn đến sự gần gũi nhiều hơn, thì những trải nghiệm từ các xung đột sẽ trở nên dễ dàng hơn và chúng sẽ dần trở thành những đối thoại xây dựng.
Thúy Trâm