Tìm lại gần nhau vì không thể xa con

23/01/2024 - 05:59

PNO - Chị kể: “Sau mấy năm ly thân, nhiều chuyện bất tiện đã xảy ra, khó chịu lắm nên mình nghe lời bạn bè, cha mẹ, quyết tâm “đau một lần rồi thôi”.

“Mình chịu đựng được tới đây rồi thì chắc chắn sẽ chịu tiếp được. Mình không ly hôn đâu”. Ngồi trước mặt tôi là người đàn bà bé nhỏ. Tiếng chị nhẹ như của người hết hơi, kiệt sức. Da chị nhăn nheo, nụ cười héo hon do giảm cân đột ngột.

Trong vài tháng, chị mất 10kg, da bọc lấy xương. Đời tôi chắc cũng chỉ đôi ba lần gặp người trưởng thành có trọng lượng nhẹ đến thế. Họ là những người bệnh nặng gần đất xa trời, còn chị, chị là người đàn bà bị phụ tình.

Chị là kiểu phụ nữ luôn tự hào về gia đình. Trong tình yêu thương chồng của chị còn có sự ngưỡng mộ vì anh giỏi giang, đẹp trai, nên ai cũng hiểu sự thay lòng của anh gây đau đớn với chị cỡ nào. Thương chị quá, chúng tôi chỉ sợ chị kiệt sức rồi đổ bệnh nằm xuống, lấy ai lo cho mấy đứa nhỏ. Tôi hỏi chị tính tiếp theo sẽ thế nào.

Chị cười buồn, lắc đầu nhè nhẹ. Cái cười nhăn nhúm tội nghiệp ấy khiến người ngoài không thể nhận ra cô phiên dịch viên xinh xắn ngây thơ hôm nào.

Vì trắng trẻo nhỏ nhắn, nên khi sinh xong 2 con, trông chị vẫn như cô nữ sinh trung học. Không chỉ vẻ ngoài, tính tình chị cũng trong trẻo, ngây thơ. Chị gạt hết những can ngăn của chúng tôi khi cảnh báo về thói tật và bản ngã đàn ông. Lúc chị thuê cô giúp việc tuổi đôi mươi tới nhà dọn dẹp và nấu cho lũ trẻ ăn, tôi đùa “mỡ trước miệng mèo”, chị đã la tôi một trận vì cái đầu u tối, tiêu cực.

Công việc phiên dịch của chị phải theo các đoàn chuyên gia dài ngày. Thời điểm con chị học mẫu giáo, chị thuê cô bảo mẫu trẻ xinh đón con về giúp, tôi tiếp tục cảnh báo chị. Chị vẫn chỉ cười.

Khi chị đi tập huấn 2 tháng ở nước ngoài, ở nhà anh dan díu với cô bảo mẫu. Chị không phát hiện. Khi về nước, chị vẫn làm bữa tiệc nhỏ cảm ơn người đã chu đáo chăm sóc lũ trẻ khi mẹ xa nhà. “Trong lần nhậu xỉn, ổng mở máy tính và ngủ quên không tắt. Khi mình tắt máy giùm ổng thì các hình ảnh chứng cứ hiện ra” - chị tiếp tục kể bằng giọng hụt hơi nhưng bình thản, như thể đang nói về ai khác chứ không phải chuyện của mình. Có điều, ánh mắt chị lúc ấy khiến tôi sợ. Nó vừa lạnh lẽo vừa tuyệt vọng.

Sau vụ đó, chồng chị dọn ra ngoài thuê nhà, chị và 2 con ở lại ngôi nhà ông bà ngoại cho anh chị. Anh cam kết mỗi tháng chuyển 10 triệu đồng để chị trang trải tiền học cho 2 đứa nhỏ và vẫn phụ chị đưa đón con. “Tạm ly thân vậy, chứ mình không ly hôn đâu. Nếu mình ly hôn và họ tới với nhau, chuyện đổ bể ra, các con mình làm sao nhìn mặt cha nữa.

Với người lớn, rất dễ để trừng phạt, như cách người ta hay đùa: hãy để 2 kẻ ngoại tình tới với nhau để chúng hành hạ nhau. Nhưng với bọn trẻ, chúng có tội tình gì mà phải chịu đựng sự thật này”. Chị nói chị sẽ cố chịu đựng, tới lúc nào không thể chịu nổi nữa, chị cũng sẽ ly hôn.

Sau cuộc gặp ấy, suốt 5 năm nay, tôi không có dịp giao tiếp trực tiếp với chị, thỉnh thoảng chỉ like, comment trên Facebook. Mới đây, tôi bất ngờ nghe người bạn ở Mỹ thông báo gặp mẹ con chị ở căn nhà gần biên giới Mỹ và Canada. Hóa ra, chị đã bán căn nhà cha mẹ cho, cùng 2 con xuất cảnh qua Canada theo dạng đầu tư. Tôi vội mở Messenger, nhắn tin hỏi thăm chị.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto

Chị kể: “Sau mấy năm ly thân, nhiều chuyện bất tiện đã xảy ra, khó chịu lắm nên mình nghe lời bạn bè, cha mẹ, quyết tâm “đau một lần rồi thôi”. Lúc ấy, cũng có chuyên gia tâm lý tư vấn, nếu đằng nào cũng ly hôn, mình nên thực hiện trước khi đứa út tới tuổi được tòa hỏi ý kiến ở với ai”. Ban đầu chồng cũ của chị không đồng ý cho bọn trẻ xuất cảnh. Một cuộc đấu tranh dai dẳng, khó khăn, tưởng chừng chị không thể đi khỏi thành phố này. “Nhưng rồi 3 mẹ con cũng ổn, 2 đứa rất thích trường lớp và bạn bè mới” - chị nói.

Chị gửi cho tôi mấy tấm hình mẹ con chị trên đất khách. Ảnh không dùng app, nụ cười chị tươi lắm, đôi mắt trong sáng nữ sinh trung học đã trở về. Để có lại ánh mắt trong sáng ấy, cuộc đời đã thử thách tinh thần chị thật nhiều.

Hôm qua, tôi lại nghe một người bạn khác nói mới gặp anh ở Canada. “Anh sang đấy làm gì nhỉ?”, chúng tôi hỏi nhau rồi tự suy luận: chắc các con đi cả rồi, anh cũng phải tìm cách mà đi theo thôi. Vợ chồng có thể chia tay được, chứ làm sao có thể xa con. 

Thảo Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI