Tìm lại được ánh sáng cho 700.000 bệnh nhân nghèo

17/06/2023 - 06:13

PNO - Chương trình mổ mắt miễn phí, đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM vừa cán mốc 700.000 sau 26 năm triển khai.

Bà Nguyễn Xuân Liễu - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO - thăm hỏi bà Đỗ Thị Hoàng Kim sau ca mổ
Bà Nguyễn Xuân Liễu - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO - thăm hỏi bà Đỗ Thị Hoàng Kim sau ca mổ

Ngày 6/6, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM đã phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO và Công ty TNHH Bệnh viện mắt Tây Nam tổ chức phẫu thuật mắt cho 100 bệnh nhân đến từ các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang và An Giang. 

“Đừng khóc, đừng khóc cô ơi!

“Đừng khóc, đừng khóc cô ơi!” - đám đông động viên bà Đỗ Thị Hoàng Kim (74 tuổi) giữa lúc bà xúc động khi thấy rõ gương mặt của bác sĩ. Trong cơn nấc nghẹn, bà nói: “Tui cảm ơn cô chú rất nhiều, không có cô chú không biết đến chừng nào mắt tui mới sáng lại, tui mừng quá rồi”. Bà Kim là bệnh nhân thứ 700.000 được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM giúp đỡ chữa trị, lấy lại ánh sáng cho đôi mắt.

Hơn 10 năm trở lại đây, đôi mắt bà Kim ngày càng mờ, cách 1m cũng chỉ nhìn thấy bóng. Mỗi ngày, bà đi nhặt ve chai từ 3g sáng đến 19g tối chỉ để kiếm 100.000 đồng lo cho mình và người chồng bị tai biến. Căn nhà tình thương cất từ năm 2001 tại phường 8, TP Sóc Trăng của ông bà đang trong tình cảnh “trên mưa, dưới dột”. Thế nên dù được bác sĩ thông báo bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ một phần chi phí thì bà vẫn đành để đôi mắt ngày càng mờ. 

“Mấy ngày trước có người thông báo tui được đi mổ mắt, tui mừng mà không nhớ ăn uống gì. Tui ráng đi nhặt ve chai nhiều hơn, người ta cho đồ ăn thì đem về, dặn ổng ở nhà ăn uống chờ tui” - bà kể. Sực nhớ, bà Kim lấy điện thoại ra khỏi túi ni lông gọi về cho chồng kể chuyện mắt đã tỏ. “Ổng cũng mừng dữ lắm cô. Vợ chồng tui không có vốn liếng, chỉ mong mắt sáng để tui không còn té ngã, lượm được nhiều hơn để có tiền mà lo cho ổng” - bà hy vọng. 

Cách đây 1 tháng, bà Lê Thị Bé (69 tuổi) - ngụ huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre - cũng được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM hỗ trợ phẫu thuật mắt phải, có nghĩa là sau lần mổ mắt trái này, bà sẽ không còn “nhìn kiến thành tiêu” như bà diễn tả. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, bà đắn đo hồi lâu rồi nói: “Tệ thì cũng không quá tệ, mà đủ ăn thì cũng không phải đủ”. Cách đây vài tháng, cháu nội của bà được chẩn đoán mắc bệnh thận ứ nước bẩm sinh, phải điều trị liên tục. Trong khi con trai và con dâu đều làm thuê, thu nhập không ổn định. Còn bà bị thoát vị đĩa đệm, chồng bị thoái hóa đốt sống cổ. Cả 2 sống dựa vào số tiền 3 triệu đồng được con gái út làm thuê ở Sài Gòn gửi về mỗi tháng. Nhà có gần 30 cây dừa nhưng chưa năm nào thu nhập quá 10 triệu đồng. 

“Mắt sáng, tui ráng giữ cháu phụ con dâu để nó đi làm kiếm tiền phụ chồng nó, rồi tui nhận bó chổi dừa cho bà con hàng xóm để có đồng ra đồng vào. Ở quê mà, chỉ cần có ăn, có mặc là đủ rồi cô” - bà bộc bạch.

Bà Đỗ Thị Hoàng Kim xúc động trong thời khắc được tháo băng gạc
Bà Đỗ Thị Hoàng Kim xúc động trong thời khắc được tháo băng gạc

 Hành trình dài ý nghĩa

Theo bác sĩ Lê Hồng Tây, tình trạng đục thủy tinh thể (cườm khô) nếu để lâu có thể dẫn đến một số biến chứng như cườm nước, hư mắt, thậm chí phải loại bỏ nếu nguy hiểm. Đồng hành cùng Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo suốt những năm qua, bác sĩ Tây nhận thấy kết quả sau mổ của các bệnh nhân là rất khả quan, nhìn rõ và ổn định. Số ít trường hợp không thành công (do bệnh nhân cao tuổi hoặc nhiều bệnh nền) cũng được các y bác sĩ theo dõi, hỗ trợ hết mức.

“Chúng tôi chỉ mong bà con có thể sinh hoạt bình thường, ai còn trong độ tuổi lao động thì có điều kiện làm ra những sản phẩm tốt hơn, phát triển và cải thiện cuộc sống của mình. Tôi tin rằng từ mắt mờ cho đến mắt sáng là một hành trình ý nghĩa mà không có gì đánh đổi được” - bác sĩ Tây chia sẻ. 

Trải qua 26 năm (từ năm 1997), cho đến nay, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM đã vận động kinh phí và thực hiện phẫu thuật mắt đục thủy tinh thể, mang lại ánh sáng cho 700.000 bệnh nhân nghèo. Bình quân mỗi năm, hội giúp khoảng 28.000 bệnh nhân ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và cả 2 nước bạn Lào, Campuchia. Hội đã phối hợp với nhiều bệnh viện lớn cũng như bệnh viện địa phương để có điều kiện phẫu thuật tốt nhất.

“Những khó khăn không thể che lấp đi công lao của các y bác sĩ và các nhà tài trợ. Đây là một hành trình miệt mài, nhưng kết quả rất xứng đáng và đáng nhớ” - ông Trần Thành Long - Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM - nhấn mạnh. 

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - đánh giá cao hoạt động của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố. Ông cho biết, trong nhiệm kỳ 2020-2025, hội có 2 chương trình hết sức ý nghĩa là: mang lại ánh sáng cho 700.000 bệnh nhân nghèo (đến giữa nhiệm kỳ đã hoàn thành) và mổ tim bẩm sinh cho 10.000 trẻ em khó khăn (đang thực hiện).

“Mặt trận thành phố sẽ luôn đồng hành với hội để duy trì những hoạt động ý nghĩa này. Mong các cô chú đã được phẫu thuật nhanh chóng bình phục, khi sáng mắt thì cuộc sống sẽ tươi sáng hơn, gia đình sẽ được hạnh phúc, ấm no hơn” - ông Phạm Minh Tuấn nhắn gửi. 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI