| Nông dân huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh thu hoạch tôm. Năm nay, giá tôm giảm nên người nuôi tôm không có lãi. |
Cấp bách mở rộng thị trường xuất khẩu Thủy sản là một trong những ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Thủy sản Việt được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt tới 11 tỉ USD. Tuy vậy, thời gian gần đây, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức: sức mua giảm sút, các tiêu chuẩn, quy định về sản phẩm ngày càng khắt khe, sự cạnh tranh trong chuỗi cung ứng ngày càng gay gắt, khó lường. Trong bối cảnh đó, xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Để giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt, chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ các doanh nghiệp thủy sản duy trì sự hiện diện thường xuyên ở các hội chợ, triển lãm lớn, như triển lãm thủy sản toàn cầu tại Brussels (Bỉ), triển lãm thủy sản Bắc Mỹ (Mỹ), hội chợ thủy sản Trung Đông và châu Phi (UAE), hội chợ thủy sản và nghề cá Trung Quốc. Chương trình này đã góp phần giúp thủy sản Việt Nam giữ vững thị phần ở các thị trường truyền thống (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản), cũng như mở rộng thị phần ra các thị trường mới (Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi). Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong việc xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỉ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển có trách nhiệm theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và hiệu quả… Cục sẽ phối hợp với các đơn vị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm; cập nhật cơ sở dữ liệu về các thị trường mục tiêu trên thế giới, đặc biệt là các thị trường đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA). Mỗi thị trường có một đặc thù riêng nên cần nghiên cứu, cập nhật thường xuyên về thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu, để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển thị trường hợp lý. Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh với thế giới Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, đầu tiên, phải nâng cao chất lượng nguyên liệu. Lâu nay, giá thành cao đã làm giảm lợi thế cạnh tranh của con tôm Việt Nam. Để giải quyết, cần tăng khả năng thu hồi vốn, tức là tăng tỉ lệ thành công từ ao nuôi. Muốn vậy, cần có con giống tốt và quy trình nuôi phù hợp, tối ưu hóa hệ số thức ăn, bởi thức ăn chiếm hơn 50% giá thành nuôi tôm. Ngoài ra, cần xem xét giá cả ở các cơ sở cung ứng đầu vào, đặc biệt là thức ăn và các chế phẩm nuôi tôm. Cải thiện giá thành nuôi sẽ góp phần cải thiện giá thành tôm chế biến, tăng sức cạnh tranh về giá bán ra thế giới. Bên cạnh đó, ngành tôm cần có giải pháp tăng các cơ sở nuôi đạt các chuẩn quốc tế như ASC, Global GAP; đẩy mạnh sự hợp tác giữa các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, bởi nếu hoạt động riêng lẻ, sẽ khó cạnh tranh với thế giới. Ưu tiên thực hiện trước nhất là hợp tác giữa các doanh nghiệp với nông dân và hợp tác xã (HTX). Nguồn nguyên liệu có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nên để chủ động nguyên liệu, doanh nghiệp phải hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các trại nuôi thủy sản, hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi, chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm soát dịch bệnh và khâu bảo quản nguyên liệu sau khi thu hoạch… Giải pháp căn cơ là cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần hợp sức xây dựng thương hiệu về chất lượng cho các sản phẩm có thế mạnh. Sản phẩm nào hội đủ mọi tiêu chuẩn chất lượng mới được gắn logo và hình ảnh thương hiệu hàng thủy sản Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm nào không duy trì được chất lượng sẽ bị loại khỏi danh sách. Có như vậy, khi xuất khẩu ra thế giới, thủy sản Việt Nam mới đảm bảo chất lượng đồng đều. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực kiểm soát chất lượng trên các khâu, duy trì và đảm bảo hàng đạt chuẩn. Ông Trần Văn Minh - Giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods - F89 (tỉnh Bạc Liêu) Nhờ liên kết nên không bị lỗ Năm 2023, xuất khẩu cá tra chậm, giá cá tra nguyên liệu trong nước thấp khiến người nuôi bị lỗ. Nhờ chủ động liên kết với Công ty TNHH Cỏ May Lai Vung theo phương thức “doanh nghiệp cung ứng thức ăn đầu vào và hỗ trợ đầu ra”, các xã viên HTX Dịch vụ thủy sản Châu Thành yên tâm sản xuất. Cụ thể, HTX mời Công ty Cỏ May đến khảo sát đất đai, ao nuôi. Ao nuôi của xã viên HTX Châu Thành có cồn An Hòa bao bọc nên nguồn nước sạch, tốt cho việc nuôi cá tra xuất khẩu; ban lãnh đạo HTX và xã viên đều có kinh nghiệm trong nghề và mong muốn liên kết để phát triển bền vững. Qua thực tế đó, Công ty Cỏ May đã đồng ý hợp tác, cung cấp toàn bộ thức ăn chất lượng và cho kỹ sư theo dõi suốt quá trình nuôi, hỗ trợ đầu ra lúc thu hoạch, sau đó mới nhận lại tiền cung ứng thức ăn. Giá thức ăn được công ty tính cho HTX bằng với giá đại lý cấp 1, còn thêm chiết khấu 6% trên tổng số lượng mua hằng năm. Nhờ sự liên kết này, người nuôi không phải đi vay vốn để mua thức ăn và lo lắng về đầu ra mỗi kỳ thu hoạch, lại giảm được chi phí nuôi cá. Hiện nay, giá cá tra sụt giảm, nhiều hộ nuôi cá tra bên ngoài lỗ nặng nhưng các xã viên HTX vẫn huề vốn hoặc có lãi chút ít. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Dịch vụ thủy sản Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) Nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng xanh Việc triển khai tín dụng của BIDV trong lĩnh vực thủy sản khá tốt. Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ trong ngành thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long là trên 34.645 tỉ đồng, chiếm 24,5% tổng dư nợ ở vùng này của BIDV. Tuy nhiên, cái khó là việc thu mua nông sản từ nông dân không có hóa đơn chứng từ, nên các ngân hàng khó thực hiện đúng quy định về giải ngân bằng tiền mặt và kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của doanh nghiệp. Ngoài ra, phần lớn tài sản cho vay là đất nuôi thủy sản có giá trị thấp, khả năng thanh toán không cao. Đối với tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, những khoản phải thu khó quản lý và dễ dẫn đến sự trùng lắp tài sản đảm bảo được thế chấp ở nhiều ngân hàng. Đây là trở ngại trong việc cấp tín dụng cho doanh nghiệp. Để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, BIDV kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét xây dựng chương trình tín dụng xanh cho ngành nông nghiệp. Các bộ, ngành chức năng hướng dẫn về định mức, suất đầu tư, định giá, xác định giá trị tài sản trên đất như ao nuôi thủy sản, mức đầu tư hạ tầng, nhà kính… Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương cần quy hoạch, công bố các vùng nuôi thủy sản tập trung; xây dựng chính sách hỗ trợ về con giống, ứng dụng công nghệ cao, cơ chế bao tiêu sản phẩm đầu ra… Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Huỳnh Trọng (ghi) |