Tìm lại cuộc đời “đáng sống”

26/09/2022 - 06:26

PNO - “Khi có việc để làm, có tiền lo cho con gái nhỏ và mẹ già, tôi thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa và đáng sống hơn” - chị Hà Huyền Trân (P.14, Q.3, TP.HCM) tâm sự.

Trời vừa hừng sáng, chị Huyền Trân cố gượng dậy để mở tiệm giặt ủi - may sửa quần áo. Cửa tiệm mở, chị cột chú chó nhỏ trước cửa rồi quay trở vào nằm co ro dưới nền nhà bên bàn máy may. Sáng nay chị cảm thấy uể oải vì tối qua chị gần như thức trắng để sửa cho xong bộ đồ kiểu cầu kỳ của người khách quen. 

Năm nay, chị Trân đã ngoài 40 tuổi. 

Năm 18 tuổi, sau một lần chẳng may té ngã, chị bị chấn thương cột sống và liệt yếu nửa người. Sau tai nạn, cô gái trẻ dường như bỏ trôi cuộc đời. Trên xe lăn, Trân thấy thời gian dài dằng dặc. Rồi một ngày, ngoảnh mặt nhìn lại, thấy hình ảnh ba mẹ già đang lom khom chăm mình như một đứa trẻ, trái tim cô gái trẻ nhói đau. Thay vì trách mình, cô ra sức tập vật lý trị liệu với quyết tâm vượt qua nghịch cảnh. Sau một thời gian dài, Trân đã có thể đứng dậy với đôi nạng chống và đi lại dù đôi chân vẫn bị liệt yếu đến 60%. 

Chị Trân cần mẫn với công việc may vá, giặt sấy quần áo cho khách
Chị Trân cần mẫn với công việc may vá, giặt sấy quần áo cho khách

Trân chọn học nghề vi tính nhưng thấy không phù hợp. Không bỏ cuộc, cô lại thử sức với nghề may. Ngồi vào bàn máy, Trân không sao làm cho chiếc máy may hoạt động, vì bàn chân trái liệt hoàn toàn. Chân phải tuy còn cảm nhận được, nhưng cũng không thể bám và đạp. Nhưng sau thời gian dài kiên trì, cuối cùng Trân đã tìm cách khắc phục được đôi chân, chiếc kim may nhẹ nhàng di chuyển. Chị phấn khởi và càng dành nhiều thời gian luyện tập để có thể điều khiển đường kim mũi chỉ. 

Với nghề may, những người bình thường hay khuyết tật nhẹ, chỉ cần học khoảng 6-12 tháng là có thể ra nghề. Nhưng chị Huyền Trân đã dành hẳn bốn năm chỉ để học. Không chỉ biết mà chị còn học để giỏi nghề, có thể may tất cả các mẫu áo quần từ đơn giản đến hàng thiết kế. Nhờ vậy, thôi học, chị dễ dàng kiếm một chỗ làm. Hơn chục năm gắn bó, nghề may đã giúp chị ổn định cuộc sống. 

Dịch COVID-19 kéo dài khiến chị Trân mất việc. Trong nhà không chỉ có mẹ già, con nhỏ, Trân còn có một người chị gái vừa bị liệt nửa người vừa suy giảm trí nhớ. Không để mất động lực sống, đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chị chủ động lên ý tưởng kinh doanh rồi tìm đến Hội Phụ nữ để được tư vấn và giới thiệu nguồn vốn vay. Với 30 triệu đồng vốn vay, chị cùng người bạn thuê mặt bằng, đầu tư mua sắm máy móc, nguyên vật liệu để mở tiệm giặt ủi kết hợp với may sửa quần áo. Hiện cửa tiệm có 3 máy giặt, 2 máy sấy, 1 máy may. 

Khởi sự nào cũng có nhiều vất vả, nhưng nhờ có tay nghề nên chị Trân luôn có lượng khách và hàng hóa vừa đủ để may vá mỗi ngày. Có người ra vào tiệm cũng tạo cơ hội cho cửa hiệu giặt ủi có khách. Mỗi ngày, chị có thể giặt sấy bình quân 40kg quần áo với mức giá 15.000 đồng/kg.

Công việc chỉ mới bắt đầu, lợi nhuận chỉ đủ cho chi tiêu hằng ngày nhưng với chị đó đã là may mắn. Hướng lâu dài, chị tiếp tục cố gắng phát triển công việc, tìm lại nguồn khách hàng đã có trước đó và tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới. “Khi có việc để làm, có tiền chi tiêu và lo được cho con gái nhỏ và mẹ già 75 tuổi, tôi thấy cuộc sống mình có thêm ý nghĩa và đáng sống hơn” - chị Trân tâm sự. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI