Tìm lại bình yên sau mất mát

29/03/2025 - 14:01

PNO - Có người cho rằng tình yêu hôn nhân luôn đáng sợ: bất hạnh làm ta đau khổ đã đành, mà hạnh phúc viên mãn cũng khiến ta lo sợ một ngày nó sẽ tan biến khi nửa kia vì lý do nào đó rời xa ta mãi. Tuy nhiên, nếu biết nhìn nhận đúng bản chất của nghịch cảnh, những đôi lứa yêu nhau càng có thêm động lực để tận hưởng và “chánh niệm” với hạnh phúc của ngày hôm nay, đồng thời có thể vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục cuộc đời ý nghĩa.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Học hỏi từ mất mát

Đời sống luôn là những nốt thăng trầm. Dù đau khổ hay hạnh phúc, cô đơn hay viên mãn đều là những trải nghiệm không thể từ chối. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta được dạy phải né tránh những điều tiêu cực hoặc ngăn chặn để nó đừng xảy ra, thay vì trải nghiệm và học hỏi từ chúng.

Khi bước vào một mối quan hệ gắn kết với sự viên mãn và hạnh phúc, đôi khi chúng ta quên đi tính vô thường của đời sống, rằng mình có thể mất nó bất cứ lúc nào. Cảm giác hạnh phúc và say mê có thể tạo ảo tưởng như thời gian đã dừng lại và kéo dài mãi mãi. Tuy nhiên, với góc nhìn của tỉnh thức, cần ý thức rằng khi đã lựa chọn bước vào một mối quan hệ nghĩa là chúng ta cũng chấp nhận cả hạnh phúc lẫn khổ đau mà mối quan hệ đó có thể mang lại dù dưới dạng thức nào.

Thạc sĩ Đặng Khánh An
Thạc sĩ Đặng Khánh An

Hạnh phúc không phải là kết quả của những nỗ lực kiểm soát, loại trừ hoặc tự làm mù mình trước những điều bất toàn của đời sống, mà đôi khi lại là một thái cực đối nghịch. Sự ý thức về nỗi khổ đau, tính chất vô thường mới làm chúng ta thêm trân quý và gìn giữ nhau, biết được giới hạn mà cả hai không thể vượt qua - cái chết.

Điều đó làm tôi nhớ đến câu hát của nhạc sĩ Đức Trí “Những ai được chết vì yêu là đang sống trong tình yêu (nhưng đã mất đi người yêu)” (Ta chẳng còn ai). Hạnh phúc không phải là sự bất tử khi loại trừ cái chết mà là một sự ý thức sâu về cái chết để không còn sợ hãi và lệ thuộc vào nó. Hiểu được điều này, các cặp đôi có thể ý thức về hạnh phúc hiện tại sâu sắc hơn, tận hưởng và trân quý các khoảnh khắc bên nhau.

Khi biến cố ập đến, không tránh khỏi tang thương và mất mát. Nếu bạn gắn bó cảm xúc với một đối tượng nhất định thì khi mất đi, tâm trí chúng ta phản ứng với sự mất mát đó; vì thế sự đau buồn, hụt hẫng hoặc trống rỗng thường xuất hiện: “Người đi, một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ” (Những giọt lệ - Hàn Mặc Tử). Những cảm xúc đó là cần thiết để chúng ta cảm nhận và ý thức về mất mát, vì thế đừng chống lại chúng.

Nếu được hỗ trợ đúng cách, các cảm xúc khó khăn sẽ được chuyển hóa để chúng ta dần thanh thản và chấp nhận tốt hơn. Cuối cùng là trạng thái cân bằng khi chúng ta quay trở lại được với cuộc sống của mình dù người kia đã không còn bên cạnh.

Cùng đi qua khoảnh khắc đen tối của cuộc đời

Sau đây là một vài gợi ý bạn có thể thử làm cho chính mình khi là người ở lại sau đau thương mất mát (tang chế, tan vỡ hôn nhân, chia ly những mối quan hệ ý nghĩa…):

- Gọi tên cảm xúc: Việc gọi tên cảm xúc cho phép chúng ta thừa nhận cảm xúc đó và bộc lộ chúng một cách lành mạnh hơn. Không đánh giá hay phán xét cảm xúc, mọi cảm xúc đều có ý nghĩa, không có xấu hoặc tốt.

- Cho bản thân thời gian để đi qua: Không cố gắng gượng ép hay chối bỏ nỗi đau mất mát bằng sự khỏa lấp công việc hay cố gắng để cuộc sống quay lại “bình thường” một cách nhanh chóng. Trái lại, nên cho phép bản thân có thời gian thích ứng, đối thoại với chính mình và đối thoại với người đã mất (cầu nguyện, tưởng nhớ…) và tái tạo ý nghĩa của mối quan hệ thông qua di vật, xem đó là minh chứng cho một mối quan hệ ý nghĩa.

- Nhắc nhở bản thân cần quay lại với chính mình, miễn trừ trách nhiệm với người đã mất rằng họ phải chịu trách nhiệm cho đời sống của mình và nhận lại trách nhiệm vận hành đời mình một cách chủ động. Xem xét thay đổi một vài thói quen trong cuộc sống và từ từ xây dựng lại kế hoạch tương lai.

Nếu bạn cảm thấy quá tải, hãy tìm đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các nhà tâm lý hoặc tham vấn trị liệu. Không có gì sai khi chúng ta cần một người đồng hành để cùng đi qua những khoảnh khắc đen tối của cuộc đời.

Thạc sĩ Đặng Khánh An

Giảng viên ngành tâm lý học, Trường đại học Văn Lang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI