Từ ngày 15/4, bộ phim Những chuyên án lạ của hãng TFS sẽ lên sóng, khung 22g, các ngày thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Theo NSƯT Lý Quang Trung, Giám đốc TFS, thời gian tới, đơn vị sẽ đảm nhận việc duy trì phim phát sóng trong khung giờ này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nỗi lo trong guồng quay tìm khán giả mới.
Phim cũ khó tạo "sóng"
Những chuyên án lạ được đạo diễn Đỗ Phú Hải ghi hình từ năm 2014, có sự góp mặt của diễn viên Huỳnh Long Hải (đã mất). Nhịp phim khá chậm, diễn viên chính chưa được nhiều người biết đến. Phim “tồn kho” nhiều năm, giờ lên sóng, không dễ tạo sự chú ý cho người xem. Phim Ráng chiều ấm áp (đạo diễn Nguyễn Hồng Chi) dự kiến lên sóng cuối tháng Năm tới. Nhiều phim mới cũng đang được thực hiện, như: Kẻ sát nhân cô độc, N+1, AND… Tuy nhiên, tất cả chưa xác tín được niềm tin rằng, TFS sẽ tạo được một vệt phim ăn khách như thuở vàng son.
|
Những chuyên án lạ tiếp tục định vị lối đi cho phim TFS ở khung 22g, trên kênh HTV9 - Ảnh: TFS |
“Chúng tôi không phải cam kết đảm bảo nguồn thu quảng cáo như các đơn vị sản xuất tư nhân. Phim TFS có quảng cáo cũng là sự điều tiết để tạo thêm nguồn thu cho hãng phim. Tuy nhiên, điều bất công là nhiều khi phim phát sóng không có quảng cáo, nhưng khi bán bản quyền cho các đơn vị khác, họ lại có thể thu được nhiều quảng cáo trong khung giờ phát sóng của họ. Sự cạnh tranh thị trường quảng cáo này bắt đầu từ năm 2016, chưa kể phim phát sóng trên mạng cũng đã thay đổi thị phần và xu hướng làm phim hiện nay” - ông Lý Quang Trung nói.
Có thể thấy rõ điều này qua phim Mùa cúc Susi (phát sóng trước đó). Theo đánh giá của nhiều người trong giới, nội dung phim hay, dàn diễn viên diễn xuất khá chắc tay, cách thể hiện của đạo diễn Phạm Lộc lôi cuốn. Tuy nhiên, Mùa cúc Susi vẫn chìm nghỉm và rất hiếm có quảng cáo trong khung giờ phát sóng chính thức. Nhưng khi phim bị phát lậu trên mạng thì lại có quảng cáo.
Bộ phim Cỏ biếc có đề tài, bối cảnh đều ấn tượng, nhưng cũng không tạo được dư âm khi phát sóng trên HTV9. Ngày phim Những chuyên án lạ ra mắt, đã có nhiều ý kiến lo ngại về sức hút của bộ phim này. Biên kịch Vũ Thị Thanh Hương bày tỏ, chị muốn khai thác tội ác ở góc độ của các nhân vật đời thường, như một lời cảnh báo trước hiện thực xã hội ngày nay. Phim chia thành 5 vụ án riêng biệt (với những tiêu đề khá hấp dẫn: Bí mật ngôi đền cổ, Bóng ma trong bệnh viện, Điệu nhảy cuối cùng, Người đàn bà mặt quỷ và Đêm Giáng sinh định mệnh). Thế nhưng, chính biên kịch Thanh Hương, khi xem lại những tập đầu, cũng nhìn nhận mạch phim có phần chậm rãi.
“Nhiều người cho rằng, đề tài phim của TFS làm hơi cũ, nhịp phim chậm hoặc chỉ làm một loại đề tài. Chúng tôi ghi nhận và tìm cách thay đổi, để có thể đáp ứng đa dạng khán giả” - ông Lý Quang Trung nói thêm.
Cạnh tranh với phim chiếu mạng
Cùng với Quỳnh Búp Bê, bộ phim chính luận Bên kia sông (đạo diễn Phạm Ngọc Châu) vừa được trao giải Cánh diều vàng ở hạng mục phim truyền hình. Bên kia sông còn mang về cho biên kịch Minh Diệu giải biên kịch xuất sắc. Vậy nhưng, ở thời điểm phát sóng (tháng 3/2018), bộ phim này không tạo được dư luận như Quỳnh Búp Bê, càng không thể cạnh tranh được với các phim chỉ phát trên mạng.
Các nhà làm phim cũng đã nhìn thấy sự chuyển dịch của xu hướng làm phim trên mạng, đẩy mạnh khai thác những đề tài phù hợp với giới trẻ. Phim “truyền thống”, với thời lượng phát sóng 45 phút/tập, có vẻ không còn hợp thời. Nhiều đơn vị hiện tập trung làm phim thời lương 25-30 phút/tập, kéo theo lực lượng biên kịch khá đông đảo.
“Lực lượng biên kịch hiện nay đa phần là người trẻ. Nếu viết sitcom hoặc phim chiếu mạng, họ có thể hoàn thành rất nhanh. Nhờ vậy mà thu nhập cũng ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nhưng nếu đặt hàng kịch bản 30 tập phim (thời lượng 45 phút/tập) có khi họ phải mất cả năm để viết, trong khi thu nhập lại không bằng” - một người trong nghề nhìn nhận.
Tìm kiếm đội ngũ trẻ (biên kịch, đạo diễn, diễn viên) để xây dựng phong cách mới cho phim cũng là cách định vị khán giả trong guồng quay mới của TFS. Theo kế hoạch, từ năm 2019, đơn vị sẽ sản xuất 2 phim/năm, đề tài thuần Việt. Tiêu chí đặt chất lượng lên hàng đầu, kinh phí sản xuất có thể rộng tay hơn so với các đơn vị sản xuất tư nhân và không tập trung khai thác kịch bản Việt hóa. Cuộc “cạnh tranh” tìm lại khán giả của đơn vị xem như chỉ mới… bắt đầu.
Kịch bản từ văn học: không dễ
Văn học từng là “kho chuyển thể” thành phim. Nhưng hiện nay, tìm các cây bút kỳ cựu, chắc tay để chuyển thể kịch bản từ văn học cũng không phải chuyện dễ. Trước mắt, chỉ có kịch bản Đoạn tuyệt một đêm hoang của nhà văn - biên kịch Trần Thị Bảo Châu.
“Các tác giả trước đây gắn bó viết kịch bản cho TFS hiện không còn cộng tác với hãng nữa. Chúng tôi cũng tìm kiếm đội ngũ biên kịch trẻ, các nhà văn, nhưng thực tế rất khó. Yêu cầu đề tài của hãng phim có thể không thuộc sở trường viết của tác giả, nhuận bút cũng không tăng, nên nhiều người không có động lực, hào hứng viết” - ông Lý Quang Trung cho biết.
Lục Diệp