PNO - Trong suốt thời gian diễn ra dự án, học sinh được nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương… hướng dẫn ca, diễn, tập các trích đoạn mẫu… Nhưng khi dự án kết thúc, mọi việc đâu lại trở về đấy.
Trong nỗ lực kéo khán giả trở lại với các loại hình sân khấu truyền thống như cải lương, hát bội, chèo… những người làm sân khấu đang cố gắng tìm tòi những phương thức nhằm thu hút khán giả, đặc biệt là công chúng trẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những nỗ lực trên vẫn chưa đủ sức kéo khán giả trẻ đến với nghệ thuật truyền thống.
Sân khấu truyền thống vắng khán giả, lỗi không chỉ của người làm nghề
Dự án sân khấu (SK) học đường (do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp thực hiện), từ năm 2001-2011 và năm 2013 dù được triển khai khá rầm rộ, nhưng số trường học và học sinh tiếp cận được với dự án này lại rất khiêm tốn. Trong suốt thời gian diễn ra dự án, học sinh được nghệ sĩ tuồng, chèo, cải lương… hướng dẫn ca, diễn, tập các trích đoạn mẫu… Nhưng khi dự án kết thúc, mọi việc đâu lại trở về đấy.
SK truyền thống đang vắng lớp khán giả trẻ, đặc biệt ở độ tuổi học sinh, sinh viên - lực lượng sẽ tiếp cận sự đổi mới, cách tân để SK truyền thống mang nhiều hơi thở của thời đại hơn. Và lỗi này không thể chỉ quy trách nhiệm cho người làm nghề. Rất nhiều lời kêu gọi: “SK truyền thống phải đổi mới tư duy, cách làm… để tự cứu mình”, nhưng liệu đổi mới có thực sự là giải pháp duy nhất? Thực tế, người làm nghề vắt kiệt sức để sáng tạo, sẵn sàng thất bại để tìm kiếm thủ pháp, ngôn ngữ dàn dựng mới, nhưng để làm gì, khi… khán giả trẻ vẫn không đến rạp?
Sanh vi tướng, tử vi thần - vở hát bội với những thử nghiệm táo bạo của sân khấu hát bội - Ảnh: N.T.
v
Nghịch lý ở chỗ, khán giả thế hệ cũ không nhiều người thích nghi được thủ pháp, ngôn ngữ dàn dựng mới, trong khi phần lớn khán giả trẻ thì lại không mặn mà với chuyện đổi mới hay cũ kỹ, bởi SK truyền thống không phải là nhu cầu, sở thích thưởng thức nghệ thuật của họ.
Rất thành công với chương trình Cải lương - trăm năm nguồn cội nhưng buổi nói chuyện chủ đề Sài Gòn, bà đỡ của nghệ thuật cải lương mở đầu cho chuỗi hoạt động học ca cải lương của công ty Green Horizon, số người trẻ đến tham dự vắng hơn mong muốn. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến năm buổi dạy ca vọng cổ chưa thể diễn ra trong tháng 11 như kế hoạch.
Tương tự, vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần - một thử nghiệm mới với việc sử dụng âm nhạc, vũ đạo và hiệu ứng ánh sáng như một “ngôn ngữ” chính để kể lại câu chuyện anh hùng đất Việt trong lịch sử chống ngoại xâm, đã mang lại một diện mạo rất mới cho hát bội. Nhưng hướng đi lâu dài của Sanh vi tướng, tử vi thần lại hướng đến đối tượng khán giả là khách du lịch nhiều hơn. Nhà hát cải lương Việt Nam nổi tiếng với những vở diễn mang nhiều tính thử nghiệm như: Hừng đông, Ngạ quỷ, Vì sao lạc xứ, Ngàn năm mây trắng… nhưng đa phần khán giả vẫn là “người quen” của cải lương, và rất ít khán giả trẻ đến rạp.
Thực tế này khiến nhiều người quan tâm đến SK truyền thống đau lòng tự hỏi: SK truyền thống liệu có đi vào ngõ cụt, khi lớp khán giả cũ đã lớn tuổi và không còn đủ sức đến rạp xem hát? SK muốn tồn tại phải có công chúng. Có nỗ lực sáng tạo, đổi mới nhưng nếu không có khán giả, SK truyền thống chỉ như những “bảo tàng sống” mà thôi.
Đưa sân khấu truyền thống thành môn học bắt buộc, tại sao không?
Ở Nhật Bản, từ lâu kịch Noh đã là môn học bắt buộc trong trường học. Tại Trung Quốc, kinh kịch cũng đã là một trong những môn ngoại khóa của học sinh. Trong khi đó, ở Việt Nam giáo dục nghệ thuật truyền thống vẫn là ý tưởng rất xa lạ. Sau hai đợt triển khai dự án SK học đường, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã đề xuất các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu kết quả bước đầu của dự án, để thực hiện lộ trình đưa bộ môn giáo dục văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học, dự kiến từ năm 2015. Nhưng cho đến nay, dù chương trình của Bộ Giáo dục đã có nhiều thay đổi, nhưng giáo dục nghệ thuật truyền thống dường như vẫn chưa được đề cập.
Làm sao lớp khán giả trẻ có thể yêu thích văn hóa truyền thống, khi tâm thức họ chỉ tồn tại những loại hình nghệ thuật thời thượng. Thậm chí họ còn không biết tuồng, chèo, cải lương… là gì thì sao có thể yêu mến nó? Ở trường học, trẻ đã sớm được tiếp cận với âm nhạc, nhưng phần lớn nội dung chương trình âm nhạc trong nhà trường đều là tân nhạc. Cũng có một số bài lý, dân ca được đưa vào giáo trình nhưng tỷ lệ rất ít.
Mới đây, từ hiệu quả của việc đưa nghệ thuật tuồng vào trường học do Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh thực hiện, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND TP. Đà Nẵng lập đề án đưa nghệ thuật tuồng và bài chòi vào trường học. Dự án “ách” ở chỗ Luật Giáo dục chưa có điều khoản nào đưa nghệ thuật truyền thống vào dạy chính khóa. TP.HCM cũng đưa đờn ca tài tử, cải lương, hát bội vào trường học, nhưng liệu có bao nhiêu học sinh thực sự hiểu để yêu thích các loại hình ấy chỉ với 45 phút đến 120 phút tiếp cận? Chưa kể, sự hào hứng rất dễ mất đi bởi các em có quá ít cơ hội tiếp xúc với những gì mình mới được làm quen, trong khi đời sống lại tràn ngập thông tin rất nhiều loại hình nghệ thuật thời thượng khác.
“Cơ sở của yêu quý, trân trọng, tự hào phải bắt đầu từ sự hiểu biết. Muốn có một thế hệ khán giả trẻ tự hào và yêu quý nghệ thuật dân tộc, chỉ có cách duy nhất là đào tạo. Phải nhanh chóng đưa việc giáo dục nghệ thuật truyền thống thành chương trình chính khóa cho học sinh từ bậc tiểu học, để các em hiểu biết và trân trọng nghệ thuật truyền thống” - tiến sĩ Mai Mỹ Duyên phát biểu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể là người ngoài cuộc
NSƯT Quang Khải - Nhà hát cải lương Việt Nam:
Mỗi vở diễn, tác phẩm sân khấu truyền thống, đặc biệt là các vở diễn đề tài lịch sử, luôn chuyển tải tư tưởng và giáo dục trẻ thơ lòng yêu nước, tự hào dân tộc và cả ý thức, nhận thức thẩm mỹ. Để đổi mới cân bằng toàn diện giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm, Bộ Giáo dục không thể đứng ngoài cuộc trong trách nhiệm giáo dục cho học sinh hiểu, yêu và tự hào về nghệ thuật, SK truyền thống của Việt Nam.
Tôi cho rằng đã đến lúc nên đưa nghệ thuật dân tộc vào chương trình chính khóa, từ việc dạy cho các em những điệu lý, điệu hò đơn giản... thay cho những bài tân nhạc. Bên cạnh đó, các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, hát xoan, bài chòi… cũng nên được xây dựng thành một hệ thống các môn học ngoại khóa bắt buộc ở nhà trường. Dựa trên sự năng động và tính thích nghi theo từng vùng miền mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và đào tạo ở từng địa phương sẽ có những loại hình nghệ thuật dân tộc phù hợp để học sinh chọn lựa.
Chỉ khi được sinh hoạt ngoại khóa thường xuyên theo định kỳ, các em mới hiểu để yêu nghệ thuật dân tộc, từ đó những buổi biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trong dự án Sân khấu học đường mới thực sự mang lại hiệu quả. Dần dần sẽ hình thành một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống, đồng thời góp phần vun đắp tài năng. Để có một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật dân tộc, có thể cần thêm 5 năm, 10 năm nữa. Nếu không xây dựng một lộ trình đề án ngay từ bây giờ, e chừng sẽ quá muộn.
NSƯT Nguyễn Hoàn - Phó giám đốc Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM:
Không chỉ học sinh rất hào hứng khi được xem các trích đoạn hát bội, giao lưu, giới thiệu nghệ thuật hát bội… mà ở một số trường học, giáo viên cũng mong muốn có thể đưa hát bội vào chương trình ngoại khóa thường xuyên ở nhà trường. Tuy nhiên, để thực hiện điều này lâu dài, ngoài sự phối hợp giữa Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, có lẽ còn cần phải có chủ trương chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay theo dự án, trung bình một năm, mỗi trường chỉ có một chương trình ngoại khóa về nghệ thuật hát bội. Sau buổi ngoại khóa, học sinh rất hào hứng, nhưng trở lại trường cũ vào năm sau, gần như chúng tôi phải “đốt lửa” lại từ đầu. Xây dựng một lứa khán giả mới, hiểu và yêu quý hát bội, sẽ là rất khó nếu không có sự chung tay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.