Cô bạn đồng nghiệp lắc đầu khi tôi hỏi tết có về quê không. Nhìn xa xăm, bạn bảo tiền nong cạn kiệt, bạn vừa xin một chân làm tết trong một nhà hàng tại quận 1, TP.HCM.
Chị em chung trọ của bạn cũng gần chục đứa đâu ai chịu về. Gói ghém chút đỉnh tiền lương thưởng gửi về quê cho gia đình, họ chọn ở lại Sài Gòn ăn tết. Bạn cười nhẹ bâng, bảo Sài Gòn cũng có tết Bắc mà.
Miền đất nắng ấm phương Nam này hội tụ bao lưu dân tứ xứ, thứ gì cũng theo bước chân miên di của họ. Giờ ở Sài Gòn, đồ Bắc đúng chuẩn đầy rẫy chứ nào khó kiếm, muốn ăn tết Bắc đúng phong vị, cứ rảo một vòng là gom đủ.
Miến dong Bắc Kạn - đậu phụ Làng Mơ
Người miền Bắc thường cầu kỳ trong ăn uống và có nhiều món ngon trở thành đặc sản, như măng vầu, thịt nấu đông, miến dong, tương bần, hành muối chua hay những thứ quà bánh mà chỉ nghe tên thôi đã thấy hương vị Bắc đặc trưng (bánh cốm, ô mai sấu, nem, bánh đậu xanh…).
Hơn 4 năm ở Sài Gòn, thảng khi thèm vị quê, bạn tôi lại lê la khắp các cửa hàng dọc đường Chu Mạnh Trinh (Q.1), Trần Quốc Toản (Q.3), Ông Tạ (Q. Tân Bình), Hòa Hưng (Q.10), Xóm Mới (Q. Gò Vấp), Chu Văn An (Q.Bình Thạnh) hay chợ Đo Đạc (Q.2, TP.HCM) để tìm cho mình phong vị chuẩn xứ quê.
Hễ thấy hàng quán nào bày kẹo lạc, miến dong với các hũ cà muối, dưa cải thì không cần nhìn biển hiệu cũng biết ngay đó là tiệm bán đồ Bắc. Tầm 23 tháng Chạp trở đi, mấy cửa tiệm này tràn ngập đặc sản.
Người Bắc ăn tết đúng chuẩn phải “mâm cao cỗ đầy”, tức là mỗi mâm phải đủ “bốn bát sáu đĩa”, được chế biến cầu kỳ, bắt mắt và hẳn nhiên là ngon miệng. Vậy nên dẫu xa quê, bạn vẫn nhớ về bó miến dong Bắc Kạn.
Miến có thể được sản xuất từ nhiều loại nguyên liệu ngũ cốc khác nhau. Tuy nhiên, miến dong (loại miến được làm bằng tinh bột lấy từ củ dong riềng) được ưa chuộng vì hương vị thơm ngon, dai, không bị nát khi nấu như những loại miến khác. Miến dong nấu măng vầu là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người Bắc dịp tết.
Hay như bạn kể, tết của người Bắc, đậu phụ Làng Mơ là thứ có thể chế biến rất nhiều món, làm cho cỗ cao, thêm đầy đặn và ít ngấy khi ăn.
Từ rất lâu đời, nghề làm đậu phụ đã xuất hiện tại làng Mơ Táo, nay thuộc phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Để làm nên những bìa đậu mềm mịn, ngậy, béo, những người thợ làng Mơ Táo (tên đầy đủ của làng Mơ), phải bắt đầu công việc từ sáng sớm tinh mơ mỗi ngày.
Sau khi chọn và sơ chế đậu tương kỹ càng, tỉ mỉ, bước tiếp theo là chế biến cũng phải thật tinh, thật khéo, để lấy được phần cốt đậu đạt chuẩn thơm ngon, béo ngậy. Qua nhiều khâu sàng lọc, đun sôi, chờ lắng mới có được phần óc đậu lên khuôn để cho ra mẻ đậu hoàn chỉnh.
Nào đâu chỉ có mấy món trứ danh Hà thành, ở Sài Gòn vẫn có thể bắt gặp hằng hà sa số đặc sản vùng miền lân cận thủ đô để làm mâm cỗ chuẩn tết Bắc như bánh đậu xanh Hải Dương, rượu cần Hòa Bình, bánh phu thê Đình Bảng - Bắc Ninh, thịt dê Ninh Bình…
Ghé Chợ Đo Đạc tìm bánh chưng Tranh Khúc
Một sớm cuối tuần, tôi theo bạn ghé chợ Đo Đạc (Q.2, TP.HCM) để xem phiên chợ tết người Bắc. Cái tên mang nhiều lạ lẫm nhưng chính không khí bay bổng của thanh âm giọng nói làm tôi hứng thú.
Kẻ bán người mua, tuyền một giọng Bắc mà í ới gọi nhau. Hỏi nhau, rồi nhìn nhau đồng hương, đôi khi vỡ ra nhà cận kề sát bên, lâu nay bôn ba Sài Gòn trăm nẻo, nay gặp lại mừng mừng tủi tủi.
Câu chuyện tha hương rồi neo phận mình ở miền đất nắng ấm phương Nam này làm cái tình quê lại dâng lên. Họ chỉ nhau chỗ nào hàng ngon, họ bớt cho nhau dăm ba ngàn đồng để làm quen. Nghe như xuân len lén về tự hồi nào trong cái chợ nhỏ.
Chợ này vốn chỉ là những gánh hàng nhỏ của các gia đình miền Bắc cách đây khoảng 40 năm, dần dần phát triển, biến thành cả khu chợ Bắc nằm lọt thỏm giữa Q.2 mà người mua kẻ bán cũng chủ yếu là người gốc Bắc. Càng cận tết, chợ càng tấp nập khi dân miền ngoài ở Sài Gòn tụ về đây mua sắm.
Những thứ bình dị như gạo Tám Xoan, nếp cái Hoa Vàng đến mắm tôm, xôi gấc, trái nhót, chanh đào, bưởi Diễn Châu… và đặc biệt là bánh chưng Tranh Khúc đều có thể tìm thấy ở đây.
Làng bánh chưng nổi tiếng đất Hà thành (làng bánh chưng Tranh Khúc) ở xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội có từ trước năm 1975. Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều hộ gia đình của làng đã làm bánh chưng nhưng vì chiến tranh ác liệt, dân làng phải phiêu bạt khắp nơi. Mãi khi thống nhất đất nước, dân làng mới trở về và phục dựng làng nghề làm bánh chưng. Kể từ đó, làng nghề được phát triển và duy trì đến nay.
Sau hơn 40 năm, bánh chưng Tranh Khúc trở nên nổi tiếng khắp cả nước và được nhiều người biết đến. Xuôi những chuyến bay đêm, bánh chưng Tranh Khúc sáng sớm đã yên vị tại Sài Gòn, để biết bao người dân xa xứ thèm vị quê mà tìm đến. Những ngày giáp tết, đôi khi phải đặt sớm thì mới có; lớ ngớ trễ tầm 27, 28 tết thì đừng mong còn bánh để thưởng thức.
Ở Sài Gòn thấy cả quê nhà
Tết luôn là khoảng thời điểm sum vầy sau một năm bôn ba xoay vần với cơm áo gạo tiền. Khắp dải đất hình chữ S, người người nao nức cho những cuộc đoàn viên, cho những bữa cơm ấm áp tình thâm.
Thế nhưng, đâu đó vẫn còn những người lạc mất một mùa xuân, chẳng thể về cố hương trong dịp tết này. Có thể vì đang vướng lịch trực tết, cũng có thể là để tiết kiệm bởi mỗi chuyến về tết thường tốn ít nhất năm bảy triệu đồng. Mà ngần ấy tiền, với những người có thu nhập ít ỏi trong một năm đại dịch lẫn thiên tai hoành hành, là con số đáng kể.
Theo dòng người miền Bắc vào Nam suốt hàng chục năm qua, phố thị Sài Gòn còn rất nhiều con đường, khu chợ đầy ắp quà Bắc mà người ta chỉ đứng đó đã như thấy, như ngửi được màu sắc, mùi vị quê nhà. Người Bắc tìm đến các tiệm bán đồ xứ mình, các khu chợ đặc biệt của riêng dân mình như tìm quê hương giữa thời khắc thiêng liêng chẳng thể về nơi chôn nhau cắt rốn.
Mâm cúng ngày 30 tết không thiếu bánh chưng, giò chả, tô miến dong và chén mắm dậy mùi vị đất kinh kỳ. Thậm chí, có nhà còn không quên chọn những con cua thật ngon để nấu tô canh rau đay thuần Bắc ăn với cà pháo muối "giải mỡ" sau ê hề món tết.
Tự bao giờ, những con phố người Bắc ở TP.HCM đã trở thành chốn đi về thân thuộc của bà con làm ăn xa quê đến từ các tỉnh, thành phía Bắc. Nhiều con phố hao hao một góc phố nào đó ở Hà Nội, chợ Đồng Xuân hay những phố cổ trầm lắng…
Một điều hết sức lý thú là ngay tại vòng xoay Lăng Cha Cả, có những con đường được đặt tên y như các con đường ở Hà Nội (như Long Biên, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Ba Vì…), để người Hà thành xa quê lạc vào đây như thể đang đứng giữa quê nhà.
Bởi đúng như bạn tôi bảo, ở Sài Gòn, ăn tết Bắc đâu khó để giữ nguyên phong vị quê hương. Từ cái tên đường, cho đến mâm cỗ, đôi khi thuần Bắc đến mênh mang cõi lòng.
Trúc Thiên