Tìm hướng mới để “sống khỏe” ở quê nhà

13/02/2022 - 11:30

PNO - Ở miền Tây Nam bộ, có nhiều nông dân quyết tìm hướng đi mới để có thể “sống khỏe” cùng mảnh đất quê nhà, không phải ly hương.

Sống khỏe nhờ vị ngon từ quá khứ 

Trưa mùng Sáu tết, ông Tư Việt - ở xóm Cù Là, thị trấn Minh Lương, H.Châu Thành, tỉnh Kiên Giang - đãi khách bằng bảy nồi cơm với bảy giống lúa mùa khác nhau, kèm với đó là con cá đồng nướng bắt từ mương nhà, đĩa rau luộc xanh non hái ven bờ ruộng. “Vị ngon từ quá khứ” - ông nói với người ăn.

Ông Tư Việt luôn đau đáu với không gian văn hóa lúa mùa ở miền Tây Nam bộ
Ông Tư Việt luôn đau đáu với không gian văn hóa lúa mùa ở miền Tây Nam bộ

Hiện ông đang lưu giữ nhiều giống lúa xưa như châu hồng vỏ, ba bụi, nếp thơm, nàng Hương, chim rơi, móng chim càng, nàng Ven... Cái vốn liếng “gia bảo” đó khởi nguồn chỉ từ 100 hạt lúa đầu tiên mà ông tìm được rồi ngày đêm chăm bón vun trồng. Nhiều năm về trước, khi đang là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) H.Châu Thành, kỹ sư Lê Quốc Việt - tức ông Tư Việt, mà bà con trong xóm quen gọi là Tư Lúa Mùa - tận dụng phần đất nhà ở xóm Cù Là để mở trang trại trồng lúa mùa theo phương thức canh tác xưa, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

Cạnh đám ruộng lúa mùa, ông Tư Việt dựng lên một mái nhà xưa, phục dựng hình ảnh con trâu kéo cộ lúa, cái vòng gặt, cái bồ đập lúa, cái cối xay, cái chày giã gạo… Theo ông, những việc này nhằm bảo tồn văn hóa lúa mùa, lưu giữ những nông cụ truyền thống, công việc đồng áng, phương thức hoạt động sản xuất của bao đời trước, đồng thời tái tạo nguồn cá đồng tự nhiên, để lại những hạt gạo truyền thống cho con cháu mai sau…

Thời gian qua, ông đã ngược xuôi các tỉnh đồng bằng, lên TPHCM để giới thiệu “món ngon từ quá khứ”, như lúa mùa, bún gạo, khóm sấy rồi lại trở về ruộng đón đoàn sinh viên nông nghiệp đến thực tập, chuẩn bị nơi nghỉ ngơi cho nhóm du khách đến tham quan chỉ để được nghe dế kêu, ếch gọi, đi trên bờ đất, trải nghiệm “không gian văn hóa lúa mùa”. Cái “không gian văn hóa” đó giờ đã được mở rộng hơn 35ha. Ông bảo, dù tiền chưa có nhiều, nhưng hệ sinh thái đang có chiều hướng thay đổi tích cực. 

Cái đau đáu của ông Tư bây giờ là các con không tiếp nối, vì đều đã được học hành, thành đạt nơi xa. Bù lại, ông có nhiều bạn trẻ tâm huyết đến tìm hiểu, những nhóm du khách đến trải nghiệm chòi rơm nệm cỏ. “Tôi tin, trong nhiều bạn trẻ chịu ở lại với quê hương, sẽ có bạn đi con đường này. Tôi sẵn sàng tài trợ cho người có đam mê làm nông để tiếp tục giữ gìn không gian văn hóa truyền thống” - ông nói.

Thu bạc tỷ nhờ kết hợp lúa, cá, tôm

Đầu nguồn sông Cửu Long, anh Bùi Chí Nhân - ở xã An Bình B, TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp - đẩy xuồng chứa mấy giỏ tôm càng xanh vừa bắt dưới ruộng lúa. Cũng chiếc xuồng này, mùa nước bạc vừa rồi, anh hứng đầy khoang cá linh non nhảy ngược khi nước về. “Bắt cá linh đâu cần giăng lưới, cứ canh lúc bơm nước sông vô ruộng, cá linh gặp dòng nước mát sẽ tự nhảy vô xuồng” - anh Nhân nói.

Mô hình “con tôm ôm chân lúa” thân thiện với môi trường và cho thu nhập khá của anh Nhân cá linh
Mô hình “con tôm ôm chân lúa” thân thiện với môi trường và cho thu nhập khá của anh Nhân cá linh

Cũng giống bao gia đình khác, từ nhiều đời qua, gia đình anh Nhân sống nhờ vào mảnh đất trồng lúa hai vụ, thu nhập chỉ tạm đủ sống. Nhiều thanh niên trong ấp phải rời xứ mưu sinh do gia đình không có đất canh tác. Việc trồng lúa hai vụ khiến đất đai không ngơi nghỉ, bạc màu, phải tăng lượng phân, lượng thuốc hóa học. Chi phí đầu tư cao, ảnh hưởng môi trường đất, thu nhập chẳng bõ công. Anh Nhân luôn trăn trở tìm phương thức trồng lúa theo kiểu thuận tự nhiên.

Thông qua Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự giới thiệu, anh Nhân biết đến mô hình nuôi cá linh non kết hợp nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa. Thế là anh thuê máy đào ao lắng, đắp bờ bao xung quanh ruộng cạnh bên, bơm nước vào và thả 5 triệu con cá linh giống xuống nuôi. Cùng thời điểm, anh cũng mua thêm 80 - 100kg tôm càng xanh thả bên ao lắng.

Theo ông Dương Phú Xuân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự - nguồn lợi thủy sản tự nhiên đầu nguồn nay gần như đã cạn kiệt. Cách làm như anh Bùi Chí Nhân sẽ góp phần làm cho nguồn lợi thủy sản hồi sinh. Còn xét về mặt kinh tế, mỗi năm, anh Nhân có thể lãi ròng 1,5 tỷ đồng. Do anh Nhân mới làm vụ đầu theo mô hình nuôi cá linh kết hợp “con tôm ôm chân lúa” nên sẽ phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh dần cho phù hợp với thực tế. Nếu thực hiện thành công mô hình này, người dân sẽ được lợi nhiều mặt.

Sau khoảng một tháng, cá linh ăn những tạp chất trên đồng ruộng, to bằng đầu đũa. Lúc này, anh hạ nước trong ruộng, thu hoạch hơn 2 tấn cá linh non. Với giá thương lái mua khoảng 130.000 đồng/kg, anh thu 260 triệu đồng gọn ơ. “Chỉ riêng tiền bán cá linh non, đã ăn đứt hai vụ lúa” - anh cười tít mắt. Thu hoạch cá linh xong, anh Nhân tiếp tục chọn vài giống lúa mùa sạ xuống.

Khi cây lúa chưa kịp trổ đòng, anh Nhân bắt tôm càng xanh từ ao lắng cạnh bên thả xuống ruộng. Lúa tốt nhờ phân tôm, tôm ăn tạp chất từ ruộng, cứ lớn lên mà không cần thêm loại thức ăn nào. Đầu năm 2022 này, anh Nhân thu hoạch lúa mùa và khoảng 5-6 tấn tôm càng xanh. Bán 5 tấn tôm với giá thấp nhất 150.000 đồng/kg cho thương lái, anh Nhân thu tiếp hơn 750 triệu đồng. “Lúa mùa cứ để đó bán sau” - anh nói.

Tư duy mở, hành động nhanh

Trong buổi gặp mặt với người đứng đầu ngành NN-PTNT 13 tỉnh, thành miền Tây Nam bộ mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã nhận mình là “bộ trưởng quan liêu” bởi ông chưa được biết quá nhiều vấn đề trong ngành: “Nếu tôi là bộ trưởng quan liêu thì giám đốc sở của các địa phương đã góp phần làm cho tôi quan liêu”. Theo ông, lẽ ra lãnh đạo sở NN-PTNT các tỉnh, thành phải phản ánh những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc sớm hơn để xử lý ngay theo phương châm “tư duy mở, hành động nhanh, kết quả thật”.

 

Trong chuyến làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đầu năm Nhâm Dần, nhắc lại hình ảnh những đôi vợ chồng chở theo những đứa trẻ trên xe máy rời quê đi làm ăn xa xứ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt ra câu hỏi: “Thế hệ tương lai của miền Tây này sẽ như thế nào khi những đứa trẻ đó phải ở nhà trọ, điều kiện học hành, chất lượng giáo dục đều hạn chế?” ẢNH: TỪ NHÂN - TAM NGUYÊN
Trong chuyến làm việc với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đầu năm Nhâm Dần, nhắc lại hình ảnh những đôi vợ chồng chở theo những đứa trẻ trên xe máy rời quê đi làm ăn xa xứ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt ra câu hỏi: “Thế hệ tương lai của miền Tây này sẽ như thế nào khi những đứa trẻ đó phải ở nhà trọ, điều kiện học hành, chất lượng giáo dục đều hạn chế?” - Ảnh: Từ Nhân - Tam Nguyên

Nhắc lại hình ảnh những đôi vợ chồng chở theo những đứa trẻ trên xe máy rời quê đi làm ăn xa xứ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra câu hỏi: “Thế hệ tương lai của miền Tây này sẽ như thế nào khi những đứa trẻ đó phải ở nhà trọ, điều kiện học hành, chất lượng giáo dục đều hạn chế?”. 

Theo ông, trong chiến lược nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hay trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đều có nêu giải pháp “tạo ra nhiều công ăn việc làm ở nông thôn”. Do đó, ông đề nghị, bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng GDP, thu hút đầu tư, lãnh đạo ngành NN-PTNT mỗi địa phương cần quan tâm đến các hợp tác xã, người khởi nghiệp, chương trình “mỗi xã một sản phẩm”… 

Thoát ly “tư duy mùa vụ”

Thông tin thêm về Chiến lược nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ vừa ban hành, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với chiến lược này, ngành nông nghiệp sẽ dần “thoát ly” tư duy mùa vụ, tư duy thương vụ, tư duy từng năm, không còn loay hoay với câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì”. 

Ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp miền Tây Nam bộ nói riêng từng tốn thời gian dài để xử lý các vấn đề nội tại và hấp thu những vấn đề mới. Những vấn đề nội tại của nông nghiệp Việt Nam là chi phí cao, chất lượng kém, manh mún, tự phát, tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, là nền nông nghiệp đánh đổi, nền nông nghiệp mù mờ, nền nông nghiệp lấy sản lượng làm mục tiêu phấn đấu, tập trung sản xuất, thoát ly thị trường… 

Với chiến lược mới này, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận xu thế của một nền nông nghiệp mới, đó là nông nghiệp xanh, bền vững và có trách nhiệm. “Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng là ba thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận khác đi” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Cũng theo bộ trưởng, đây là lần đầu tiên, có một chiến lược mà nông nghiệp gắn liền với nông thôn, bởi nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực: “Xưa giờ, nông nghiệp đi đường nông nghiệp, nông thôn đi đường nông thôn. Thế nhưng bây giờ, hai cái này quan hệ hữu cơ, gắn trong một chiến lược chung mang tính chất tổng thể”.

Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cũng chính thức nêu vấn đề đào tạo, huấn luyện nông dân, bắt đầu từ các công tác khuyến nông, nâng cao năng lực, kỹ năng và kiến thức cho nông dân, tổ chức các lớp đào tạo cho hợp tác xã, tiến tới phối hợp tổ chức các chương trình huấn luyện từ xa. Mục tiêu chung của chiến lược là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững.

Từ Nhân 
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI